Thời gian gần đây, người dân Hải Phòng bày tỏ nhiều bức xúc trước những vi phạm về trật tự xây dựng ở khu đô thị ven sông Lạch Tray, một trong những dự án từng được kỳ vọng là kiểu mẫu của thành phố Cảng. Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh nhưng nhiều vướng mắc tiếp tục tồn tại dẫn đến nguy cơ việc xử lý khó có thể dứt điểm?
- Phạt nặng hành vi vi phạm trật tư xây dựng
- Hà Nội "khủng hoảng" bãi đỗ xe, nhiều nhà đầu tư đề xuất xây dựng chỉ mang tính giữ đất
- Bộ Xây dựng kiến nghị tiếp tục cho vay với các dự án bất động sản đủ pháp lý
Được khởi công từ tháng 7/2011, dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray - Waterfront City (gọi tắt là Waterfront City), do Tập đoàn Agape Holding Pte Ltd. Singapore đầu tư xây dựng trên địa bàn quận Lê Chân, TP Hải Phòng, với tổng vốn 375 triệu USD.
Waterfront City có tổng diện tích 25,36ha, theo quy hoạch đã được phê duyệt bao gồm khu nhà ở kết hợp với trung tâm thương mại, cơ sở hạ tầng đồng bộ theo tiêu chuẩn đô thị loại 1. Trong đó, đất công cộng chiếm 1,92ha gồm các công trình dịch vụ, thương mại; đất ở có diện tích 14,16ha xây dựng khu nhà 9 tầng và khu vui chơi giải trí. Phần diện tích còn lại được xây dựng khu chung cư cao tầng, khu biệt thự đơn, biệt thự song lập và nhà liền kề bố trí ven sông và trục các đại lộ Bùi Viện, Võ Nguyên Giáp, đan xen với công viên, cây xanh.
Tại thời điểm khởi công, khu đô thị được xem là kiểu mẫu lý tưởng, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại. Đặc biệt đây là dự án được hình thành và vận hành từ nhà đầu tư được quảng bá có uy tín quốc tế cao.
Nhưng dường như đó chỉ là sự kỳ vọng, còn trên thực tế, sau hơn 10 năm khởi công và khai thác sử dụng, hiện quần thể đô thị đã biến dạng so với những ý tưởng thiết kế ban đầu. Bên cạnh những khúc mắc giữa ban quản lý và người dân trong khu đô thị này, kết cấu quy hoạch cũng bị phá vỡ, khi nhiều hộ dân tự ý xây thêm các công trình khác như lên tầng cao, thêm "tum", rào chắn bảo vệ dạng "chuồng cọp", lắp đặt biển quảng cáo… khiến diện mạo bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trao đổi với phóng viên, một số hộ dân sống trong khu Waterfront City bức xúc cho rằng, việc để xảy ra vi phạm đã khiến quy hoạch đồng bộ của dự án bị tổn hại, mất mỹ quan dẫn đến không những sinh hoạt của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng mà giá trị bất động sản cũng bị giảm sút. Trong khi đó, so với nhiều khu đô thị khác trên địa bàn Hải Phòng, Waterfront City kém xa về công tác quản lý, tạo môi trường sống thân thiện, khi thiếu nhiều công trình công năng khác.
Chưa dừng lại ở đó, việc phá vỡ kết cấu quy hoạch còn biểu hiện có sự "tiếp tay" của Ban quản lý dự án. Cụ thể như trường hợp đối với căn hộ 209-SL-2 tại khu biệt thự, Công ty TNHH Agape Việt Nam (đại diện chủ đầu tư) còn có văn bản gửi Sở Xây dựng Hải Phòng, đề nghị chấp nhận điều chỉnh thiết kế vì lý do chủ nhà muốn xây thêm tum che lồng cầu thang và giếng thang máy, nội dung này đã được Sở Xây dựng Hải Phòng chấp thuận. Tuy nhiên khi gặp phải ý kiến phản đối của các hộ dân trong khu vực, Ban quản lý Waterfront City lại có văn bản yêu cầu chủ nhà 209-SL-2 dừng thi công, hoàn trả công trình theo đúng thiết kế ban đầu?
Theo rà soát của Sở Xây dựng Hải Phòng, tính đến thời điểm này Waterfront City có 52 công trình xây dựng vi phạm. Về thực trạng vi phạm trật tự xây dựng nêu trên, ông Phan Giang Sơn - Trưởng Ban Quản lý dự án Waterfront City cho biết: "Mọi vi phạm của người dân đã được báo với chính quyền địa phương…", nghĩa là "quả bóng trách nhiệm đã được "đá" về phía chính quyền?
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng cho biết, các công trình trong Waterfront City nằm trên địa bàn hai phường Vĩnh Niệm và Kênh Dương, cùng quận Lê Chân. Thời gian qua, UBND phường Vĩnh Niệm đã lập tổ công tác tiến hành xác minh những nội dung liên quan đến địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Trên cơ sở đó, tổ công tác đã làm việc với từng hộ dân, yêu cầu tự tháo dỡ các công trình vi phạm. Ông Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trước mắt chính quyền địa phương sẽ tập trung xử lý đối với 22 công trình vi phạm mặt đường hai tuyến Bùi Viện và Võ Nguyên Giáp. Nếu hết tháng 6/2022, hộ vi phạm nào chưa thực hiện tháo dỡ, UBND phường sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng phương án cưỡng chế. Tuy nhiên ông Hùng cũng chia sẻ, do dự án vẫn chưa hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhà ở và chưa được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý nên để xảy ra tình trạng vi phạm này, trách nhiệm lớn thuộc về chủ đầu tư.
"Hơn nữa, trong số các công trình vi phạm, có nhiều công trình hiện đã được cho thuê dẫn đến việc tiếp cận chủ sử dụng chính thức gặp nhiều khó khăn, nhiều người có biểu hiện bất hợp tác…" - ông Nguyễn Văn Hùng nói. Cho thấy, việc xử lý những vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng tại Waterfront City Hải Phòng đã bộc lộ những lúng túng trong quá trình quản lý đối với các khu đô thị tập trung do doanh nghiệp đầu tư. Đây là bài toán cần có lời giải thỏa đáng khi những mô hình tương tự đang phát triển rất mạnh không chỉ riêng đối với TP Hải Phòng.