Vụ gian lận điểm thi ở kỳ thi THPT quốc gia khiến tôi nảy sinh một câu hỏi cắc cớ: Vì sao có người lại “chạy” lấy một vị trí không đúng với năng lực của con em mình?

Sở dĩ có câu hỏi ngô nghê này, là bởi vì kể cả có dùng tiền vượt qua được kỳ thi THPT quốc gia, vào được cổng trường đại học, thì trước mắt cái nhân vật "ngồi nhầm chỗ" này còn một bộ lọc rất dày gồm ít nhất là 9 kỳ thi nữa. Bốn năm nhân hai kỳ, là 8 cuộc thi trong trường đại học. Thêm tối thiểu là một kỳ thi tuyển dụng nữa. Khối lượng kiến thức của các cuộc này đều nhiều gấp bội thi phổ thông. Làm sao mà kiến thức hổng đến mức thiếu cả hai chục điểm vượt qua được bộ lọc này?

Đến đây chắc là độc giả hầu hết đã có câu trả lời: việc vượt qua các bộ lọc sau này không phải bất khả thi. Một gia đình trong xã hội Việt Nam, nếu đủ quan hệ xã hội và tiềm lực tài chính, hoàn toàn có thể đặt ra giả thiết mình sẽ vượt qua cả 9 kỳ thi sau này bằng việc chạy chọt. Tất nhiên, giả thiết này có thể sai lầm, nhiều cháu sẽ bị các trường nghiêm khắc tống cổ ngay vì học dốt. Nhưng một hệ thống kinh nghiệm xã hội nào đó đã cho phép người ta đánh cược với tương lai của con mình.

Về mặt lý thuyết, những kỳ thi sau này thậm chí còn dễ qua mặt hơn: hệ thống chấm thi có quy mô hẹp, cơ cấu giám sát mỏng hơn kỳ thi chung quốc gia. Những kỳ thi cao cấp hơn nữa, như là thi lên ngạch bậc, hay là quy hoạch lãnh đạo - vốn cũng là một kỳ thi - đều có xác suất vượt qua bằng các kỹ năng mềm và tiềm lực tài chính, chứ không phải là năng lực công việc. Có đầy đủ thông tin nền để một phụ huynh nào đó tại Tây Bắc cược lớn vào điều này.

Việc gian lận ở kỳ thi chung không chỉ nói lên vấn đề của kỳ thi THPT quốc gia, mà nó nói lên một bức tranh rộng của xã hội. Nó có một cơ chế thưởng phạt không phân minh ở nhiều tầng lớp; nó cho phép những người thiếu kiến thức, thiếu năng lực được kỳ vọng vào những "cửa" nào đó mở ra bằng thủ đoạn từ lúc nứt mắt cho đến khi về hưu; và nó thúc đẩy người ta gian lận từ đầu. Những người xuống tiền mua điểm ở kỳ thi THPT, thực chất đã đánh cược vào một hệ thống cho phép gian lận suốt đời.

Có lẽ nhiều bạn cùng khóa đại học với tôi vẫn nhớ con ngõ ấy, căn nhà ấy. Sinh viên xếp hàng rất dài trước cửa trước kỳ thi, tay cầm túi bánh và cái phong bì. Chúng tôi đi xin điểm lần đầu tiên trong đời. Cảm giác của những cô cậu sinh viên năm ấy, thành thật mà nói, là phấn khởi. Một đám đứng ngồi nói chuyện râm ran, hồi hộp hỏi những đứa vừa bước ra: "Như nào, như nào". Sao không vui cho được: không học mà vẫn thi qua. Đấy không phải lúc mấy cô cậu 18, 19 tuổi nghĩ đến lòng tự trọng. Sách thì toàn đồ thị hình con giun, cuộc sống sinh viên bao nhiêu niềm vui để đeo đuổi. Ngay cả nhiều bạn nhà nghèo ở tỉnh xa lên, cũng sẵn sàng ăn mì nửa tháng để trả cái chi phí tuyệt vời ấy.

Những con người cứ thế, bằng vài hành vi đưa và nhận hối lộ đơn giản và quá sức dễ chịu, được giáo dục dần dần về tính uyển chuyển của hệ thống. Các mật chú kiểu "linh động giải quyết", "tạo điều kiện"; thời điểm và phương pháp đưa tiền (có kèm quà không, dịp nào, lý do gì), lúc nào dùng tiền Việt khi nào đổi USD cho nhẹ,... đều thuộc về một giao thức phức tạp, do học hành cẩn thận qua nhiều năm mà biết được.

Bạn sẽ nói rằng nếu nêu lý do là vậy, thì đấu tranh với gian lận ở kỳ thi chung là việc tuyệt vọng? Đúng là chúng ta có thể cải thiện tính minh bạch của riêng kỳ thi THPT, hay trừng phạt thật mạnh các cá nhân trót bị lộ tẩy trong năm 2018 làm gương. Nhưng dù có làm gì, khi mà xã hội vẫn vận hành theo giao thức đương thời, chạy điểm vẫn là một cơ hội đáng thèm muốn.

Cạnh đó, cần lưu ý rằng trước mắt những đứa trẻ là một hệ thống vẫn đang tôn vinh việc gian lận bài bản ngoài việc học hành bài bản. Hệ thống này có thể tha hóa cả những đứa trẻ thi được 27 điểm thật ở các pha sau trong cuộc đời.

Nó như một nguyên tắc: cái gì được thưởng nhiều thì người ta sẽ phấn đấu vì cái đó. Nếu hệ thống vẫn tưởng thưởng cả người tinh khôn (đi lên bằng bàn tay trí óc) lẫn ốc sên (đi lên bằng lưỡi) thì vẫn sẽ có người trau dồi để trở thành ốc sên.

Chúng tôi, những đứa trẻ đứng trước căn nhà nọ tối hôm ấy, phần lớn đã thi vào một trường danh giá bằng sức của mình. Trong những gương mặt khấp khởi chờ đến lượt vào thăm thầy ngoài ngõ, đầy bạn như tôi, 17 điểm hai môn toán lý. Và chúng tôi đã vui một niềm vui thuần khiết. Đấy không phải lúc có một bạn ngoan bỗng nhiên xuất hiện và bảo: "Hoàng về đi, Hoàng tốt hơn thế này". Đến phim truyền hình Việt Nam cũng còn không phi thực tế như vậy từ lâu.

Cũng may là về sau này tôi không lấy bằng đại học, hôm nay mới cảm thấy được kể chuyện này với một sự xấu hổ vừa phải. Nhiều người sẽ cảm thấy việc đay nghiến chuyện "đi thầy" là quá hà khắc: nó trở thành một việc quá đỗi bình thường, xét lại thành lẩn thẩn.

Nhiều ý kiến cho rằng hành vi gian lận xuất phát từ việc chủ thể ấy có tiền và có quyền. Nhưng tôi đã gặp không biết bao nhiêu người lao động nghèo, bàn tay sần sùi sục vào rác bẩn để nuôi con học đại học. Những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình phi thường đó, đã thi đỗ đại học, lấy học bổng đủ 8 kỳ và vẫn đi làm thêm để giảm gánh nặng cho cha mẹ. Chúng đi lên hoàn toàn bằng sức mình. Và đến cuối, các bậc cha mẹ nghèo ấy vẫn chạy vạy mấy trăm triệu để "xin việc" cho con "vào nhà nước". Ý nghĩa tốt đẹp của câu chuyện bị hủy hoại đến trốc rễ. Một cách rất thản nhiên, chân thành, bình dị, như một tập quán lâu đời.

Khi kỳ thi THPT quốc gia bị xâm hại, nó trở thành cơ hội để chúng ta nghĩ về nhiều kỳ thi khác trong đời. Nó bắt chúng ta nghĩ về "một phần ba công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về"; nghĩ về "biên chế"; về các cuộc "bổ nhiệm thần tốc"; về việc khái niệm "xin việc" thật ra là phổ biến hơn khái niệm "chạy điểm"; nó thúc đẩy chúng ta tiêu diệt các cơ chế khen thưởng sự gian lận. Giải pháp đã luôn được nêu, chỉ là bản thân xã hội có đủ kiên trì để đeo đuổi một tập quán khác không.

Điều đáng sợ nhất không phải là ốc sên sinh ra và lớn lên như ốc sên, mà là người tinh khôn đang đi bằng hai chân bỗng nhiên nhận ra biến thành ốc sên thì tiến nhanh hơn.

ly do ho chay diem Thí sinh đủ điểm chuẩn vẫn trượt trường quân đội: Kỳ thi quá bất công

Đinh Văn Cầu được 25,75 điểm, trượt trường Sĩ quan Chính trị vì kém tiêu chí phụ. Nam sinh thấy quá bất công khi nhiều ...

ly do ho chay diem Lãnh đạo bức xúc khi con được nâng điểm: Có "gắp điểm" bỏ tay người?

Nhiều độc giả thể hiện sự bức xúc khi những lãnh đạo có con được nâng điểm đều khẳng định "không biết" và "con tôi ...

ly do ho chay diem ĐH Kinh tế quốc dân cho thôi học thêm 5 thí sinh Sơn La được nâng điểm

Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận được danh sách 7 thí sinh đến từ Sơn La được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 ...

/ VnExpress