Trump tweet sa thải John Bolton, còn cố vấn an ninh quốc gia nói ông từ chức. Dù thế nào, bất đồng giữa họ là sâu sắc, không thể hòa giải.
Người dẫn chương trình Tucker Carlson của kênh truyền hình Fox News từng liên tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, cho rằng ông chủ Nhà Trắng thật dại dột khi giữ lại một quan chức không có cùng quan điểm trong những vấn đề an ninh quốc gia trọng yếu.
Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cũng đồng quan điểm, cho rằng "cố vấn diều hâu" Bolton không những không phục vụ chính sách của Trump mà còn công khai sử dụng truyền thông để chống lại Tổng thống.
Trump từng tỏ ý hâm mộ John Bolton trước khi trở thành tổng thống, khẳng định sự xuất hiện của cố vấn này trong những cuộc đàm phán có thể khiến các đối thủ như Iran phải kiêng dè.
Bolton (ngoài cùng bên trái) tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai hôm 28/2. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, suy nghĩ này đã thay đổi khi John Bolton liên tục xuất hiện trên truyền thông để thể hiện sự phản đối với mọi chính sách của Trump, từ đối thoại với Triều Tiên, rút binh sĩ khỏi Syria cũng như ngồi vào bàn đối thoại với lãnh đạo Iran.
"Bất đồng công khai chuyển từ vấn đề này tới vấn đề khác. Tôi nghĩ rằng nó gây ra hiệu ứng tích lũy với tâm lý con người và dẫn tới mất liên lạc giữa các bên", tướng Jack Keane, cựu phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ, người thường xuyên tiếp xúc với Trump và các quan chức chính quyền, nhận xét.
Thông tin cho rằng Bolton khuyến cáo ông chủ Nhà Trắng hủy cuộc hòa đàm với các thủ lĩnh Taliban ở Trại David dường như là giọt nước làm tràn ly. Tổng thống Trump khẳng định ông tự chấm dứt đàm phán và tỏ ra tức giận khi thấy Bolton được cho là người người đứng sau quyết định, một số nguồn tin chính phủ Mỹ cho hay.
Bolton nhìn nhận tình hình khác với Trump và không ngại thể hiện điều đó. Cả hai người đều cứng rắn trong quan điểm của mình, khiến xung đột không thể hàn gắn. Sự ra đi của Bolton thể hiện Trump ngày càng tự tin với các đánh giá của bản thân trong vấn đề an ninh quốc gia, cũng như cách ông chủ Nhà Trắng muốn thực hiện lời hứa giảm can dự của Mỹ ở nước ngoài khi còn tranh cử.
Phát ngôn viên của cựu cố vấn Bolton không bình luận về những thông tin trên.
Những người thường chỉ trích Bolton nhiều khả năng đã sử dụng cuộc hòa đàm để hối thúc Trump hành động, cho rằng cố vấn Mỹ là người thường xuyên tiết lộ bí mật. Nhiều quan chức chính quyền từng không mời Bolton và các đồng minh dự những cuộc họp nhạy cảm do lo ngại họ dùng thông tin để làm lợi cho bản thân.
Trump (trái) và Bolton trong một cuộc họp tại Nhà Trắng tháng 4/2018. Ảnh: AFP. |
H.R. McMaster, người tiền nhiệm của Bolton, làm việc theo quy chuẩn truyền thống khi luôn đưa ra hàng loạt lựa chọn trong các vấn đề then chốt cho Tổng thống, kèm theo cả những nguy cơ với từng giải pháp được đề cập. Bolton hành động khác hẳn khi thường đưa ra chính kiến của chính mình trong các cuộc họp riêng.
"Bolton là cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của Trump nhưng chưa bao giờ phù hợp với chính quyền hiện nay", cây bút Eliana Johnson của tờ Politico nhận xét. Ngay sau khi được đề cử, luật sư 70 tuổi này đã lập ra một nhóm cố vấn trung thành có khả năng thúc đẩy các ưu tiên chính sách của ông, dù đôi khi nó không phù hợp với chương trình nghị sự của Tổng thống.
Bolton làm việc rất hiệu quả trong các chính quyền tiền nhiệm, từng công khai thừa nhận Cố vấn An ninh Quốc gia là vị trí cao nhất và cuối cùng trong chính phủ mà ông có thể đảm nhận.
Ông không có nhiều thứ để mất khi xông xáo theo đuổi các ưu tiên chính sách riêng như gây áp lực tối đa với Iran hay giải thể Tòa Hình sự Quốc tế, dù những lựa chọn này không phù hợp với quan điểm của Trump. Vị thế của Bolton khác hẳn với những quan chức như Ngoại trưởng Mike Pompeo, người mới chỉ 55 tuổi.
Bất đồng quan điểm và khác biệt trong cách hành động khiến Trump ngày càng ít tham khảo ý kiến của Bolton, tương tự với những cựu quan chức như McMaster, Rex Tillerson hay thậm chí là Jame Mattis.
Cố vấn Bolton trong một cuộc họp của Tổng thống Trump hồi tháng 9/2018. Ảnh: Reuters. |
"Điều này đã diễn ra từ lâu. Hãy nhớ về thời điểm John Bolton bị điều tới Mông Cổ trong khi Trump gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nó giống như một trò đùa vậy", David Rothkopf, nhà phân tích có nhiều nghiên cứu về Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay.
Ngay cả việc sa thải Bolton cũng trở thành chủ đề tranh cãi giữa ông và Trump. Sau khi Trump thông báo trên Twitter rằng ông đã yêu cầu Bolton từ chức vào tối 9/9, cựu cố vấn Mỹ có vẻ bực tức, cho rằng Trump nhầm lẫn về chuỗi sự kiện dẫn tới việc ra đi và tìm tới truyền thông để làm sáng tỏ bản chất vấn đề.
"Tổng thống hoàn toàn sai. Ông ấy chưa bao giờ trực tiếp hay gián tiếp đề nghị tôi từ chức. Tôi đã đi ngủ với ý nghĩ đó và rời bỏ chức vụ vào sáng hôm sau", Bolton phát biểu trên truyền hình.
Charles Kupperman, cấp dưới của Bolton, sẽ trở thành quyền Cố vấn An ninh Quốc gia, nhưng ít người tin rằng đồng minh lâu năm của Bolton có thể giữ chức trong dài hạn.
Ông chủ Nhà Trắng dự kiến công bố người thay thế Bolton vào tuần tới. Hai cái tên hàng đầu cho vị trí này là đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và đại tá lục quân về hưu Douglas MacGregor, khách mời thường xuất hiện trên chương trình của Carlson.
Dù vậy, giới phân tích cảnh báo rằng cố vấn an ninh thứ tư của Trump sẽ có rất ít ảnh hưởng với Tổng thống Mỹ. "Cố vấn an ninh quốc gia tiếp theo của Mỹ sẽ là Donald Trump, cũng giống như cố vấn hiện nay chính là Donald Trump. Người kế tiếp sẽ chỉ nắm công việc này trên danh nghĩa", Rothkopf nói.
Vũ Anh (Theo Politico)
Ai sẽ thay thế John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ? Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã nêu 3 cái tên mà Tổng thống Trump đã từng nhắc đến sẽ thay thế Cố ... |
John Bolton - "chiến binh" thất sủng tại Nhà Trắng Mặc dù không thích bộ ria mép đặc trưng của John Bolton, Trump từng rất ấn tượng về phong thái trên truyền hình của ông. |
Ông Trump bất ngờ sa thải cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố ông đã yêu cầu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton từ chức. |