Moscow có thể muốn tránh can dự cuộc xung đột không ảnh hưởng tới lợi ích an ninh và muốn có sự ủng hộ của Ankara về vấn đề Syria.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ băng qua biên giới Syria tấn công khu vực Afrin. Ảnh: TRT.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/1 phát động chiến dịch "Cành Oliu" tấn công dân quân người Kurd (YPG) tại hai khu vực Afrin và Manbij ở miền bắc Syria mà không vấp phải sự ngăn trở nào từ lực lượng Nga đồn trú ở quốc gia Trung Đông này. Giới chuyên gia cho rằng Nga có nhiều lý do để "làm ngơ" trước chiến dịch leo thang quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ đồng minh, theo Al Monitor.
Tiến sĩ Maxim A. Suchkov, chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga (RIAC), lập trường của Nga với vấn đề Afrin nói riêng và Syria nói chung là tránh xa các cuộc khủng hoảng không ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của Moscow tại khu vực.
Bởi vậy, Moscow nhiều khả năng coi cuộc xung đột tại Afrin là vấn đề riêng giữa người Kurd do Mỹ hậu thuẫn và Thổ Nhĩ Kỳ, không ảnh hưởng đến chính quyền Tổng thống Syria Basha al-Assad được Nga bảo trợ.
Cuộc chiến Afrin diễn ra trong bối cảnh Nga đang tổ chức Hội nghị Đối thoại Dân tộc Syria tại thành phố Sochi, nơi Moscow hy vọng các cuộc đàm phán sẽ hướng đến giải pháp chính trị cho Syria trước khi hội nghị ở Geneva diễn ra.
Sau Hội nghị Đối thoại Dân tộc Syria diễn ra từ ngày 29 đến 30/1, Nga cần có sự ủng hộ của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để duy trì sự đoàn kết về các vấn đề lớn. Ankara gần đây đã quay sang ủng hộ Moscow tổ chức Hội nghị Sochi, cũng như để lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát các khu vực tại tỉnh Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò là cầu nối giữa Nga và chính phủ Syria với các nhóm đối lập quan trọng, Moscow không có lý do gì để phá vỡ quan hệ mong manh với Ankara ở thời điểm quan trọng này.
Trên thực tế, Nga từng tìm cách cứu vãn tình hình trước khi xung đột bùng nổ ở Afrin. Moscow trước đó đề xuất Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) nhường quyền kiểm soát Afrin cho quân đội chính phủ Syria nhằm xoa dịu lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về việc người Kurd kiểm soát toàn tuyến hành lang dọc biên giới. Tuy nhiên, SDF đã từ chối đề xuất này.
Afrin và Manbij là mục tiêu của chiến dịch Cành Oliu. Đồ họa: Al Jazeera.
Ý tưởng này cũng không phù hợp với yêu cầu đòi quyền tự trị của người Kurd. Ban đầu, Nga đề xuất quy định quyền tự trị cho người Kurd trong hiến pháp mới của Syria, khiến họ háo hức nhưng đồng thời cũng gây bất an cho Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow tin rằng vấn đề tự trị của người Kurd có thể giải quyết bằng đàm phán.
Do đó, những lời chỉ trích "Nga phản bội người Kurd" dường như không khiến nước này bận tâm. Dù một số nhóm chiến binh người Kurd vẫn duy trì liên hệ với quân đội Nga, Moscow không có cam kết chính thức với Đảng Liên minh Dân chủ quốc gia người Kurd (PYD), nhóm từ lâu đã chơi "trò hai mặt" với Ankara và Damacus. PYD cuối cùng chọn con đường hợp tác với Mỹ thay vì Nga, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nhóm này có liên hệ với lực lượng khủng bố.
Ông Yevgeny Satanovsky, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông tại Moscow, cho rằng lập trường của Moscow ở Afrin hoàn toàn phù hợp với cả Ankara và Washington.
"Mỹ huấn luyện SDF để tấn công Iblib và muốn chiếm tỉnh này trước quân đội chính phủ Syria được Nga ủng hộ. Họ cũng hy vọng Nga sẽ ngăn Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, chiến dịch Cành Oliu có thể khiến Ankara bị kéo vào xung đột lâu dài. Ngay cả khi chiếm được Afrin, họ sẽ vấp phải chiến tranh du kích, cũng như làm quan hệ với người Kurd phức tạp hơn", ông Satanovsky nhận định.
Chuyên gia quân sự Tom Cooper đánh giá lực lượng người Kurd ở Afrin khác với các đơn vị SDF được Mỹ hậu thuẫn. Họ không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của Lầu Năm Góc, cũng không nằm trong cấu trúc chỉ huy của SDF do Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ kiểm soát. Nhiều khả năng chiến dịch ở Afrin sẽ kéo dài vài tháng với chiến thắng cuối cùng thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin. Ảnh: Al Manar.
Thất bại được dự báo của người Kurd ở Afrin cho thấy toan tính sai lầm của PYD về nguồn lực trên thực địa, việc đánh giá quá cao quy mô hỗ trợ của Mỹ, cũng như việc lực lượng này coi thường tầm quan trọng của Hội nghị Sochi trong kế hoạch giải quyết khủng hoảng Syria của Nga.
Nếu chiến dịch Cành Oliu diễn ra lâu hơn dự kiến, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải tăng cường sự hiện diện và không chịu rút quân. Ngay cả khi đồng ý thu quân, họ cũng sẽ để lại một lực lượng chiến đấu đáng kể. Điều này khiến chính sách Syria của Nga gặp nhiều thách thức. Moscow được cho là sẽ thể hiện lập trường thận trọng ở Afrin, giữ khoảng cách với cả Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd, chuyên gia Maxim A. Suchkov nhận định.
Syria: Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng không kích người Kurd, chiếm được điểm cao chiến lược ở Afrin Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục gia tăng các đợt không kích nhằm vào lực lượng người Kurd ở khu vực Afrin gần biên giới ... |
Nga có "bật đèn xanh" cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria? Nga có thể tạm làm ngơ trước chiến dịch “Nhành Ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, nhưng Moscow sẽ sớm ra tay hành ... |