Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "Không đạt", cần phải chỉnh sửa nhiều chi tiết.
Để chuẩn bị sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới (bắt đầu từ năm học sau 2020-2021 với lớp 1), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng quốc gia để thẩm định bản thảo các bộ sách giáo khoa do cá nhân, tổ chức gửi đến thẩm định.
Hiện đã có 5 bản thảo bộ sách giáo khoa cho lớp 1 gửi Hội đồng quốc gia để thẩm định.
Theo quy định, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ có ba mức xếp loại "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa" và "Không đạt" với các bộ sách. Những bộ sách được đánh giá là "Đạt" sẽ được chọn sử dụng theo nhu cầu, điều kiện của từng địa phương.
Thông tin của Lao Động, sau vòng 1, bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã bị 15/15 thành viên hội đồng thẩm định xếp loại "Không đạt".
Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. |
Hội đồng thẩm định đánh giá, bộ sách được Giáo sư Hồ Ngọc Đại và các tác giả thực hiện một cách công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng. Sách chú ý đến việc dạy học đọc thành tiếng và chính tả để học sinh có thể đọc đúng và viết đúng chính tả; nội dung sách đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn...
Tuy nhiên, các thành viên của Hội đồng thẩm định cho rằng, bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục có gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ.
Hầu hết các thành ngữ, tục ngữ Việt Nam được Giáo sư Hồ Ngọc Đại trực tiếp chọn ghi ở chân trang sách đều bị hội đồng đề nghị bỏ do "không phù hợp với học sinh lớp 1"… Nội dung của sách vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1".
Với sách Toán 1 - Công nghệ giáo dục, hội đồng thẩm định cho rằng, sách cũng có nhiều nội dung vượt yêu cầu của chương trình, khó với học sinh vào lớp 1.
Trước đó, tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu. Tài liệu này đã được áp dụng trong dạy học ở trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội. Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, đã đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1. Nhất là ở những vùng khó khăn từ năm học 2008 2009 đến năm học 2016 – 2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Đến nay, nhiều địa phương đã đưa Công nghệ giáo dục vào nhà trường, cả nước có hơn 900.000 học sinh được học. Trong năm 2018, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục gây chú ý dư luận, khi một số clip về việc phụ huynh phản ứng với cách đánh vần bằng các ký hiệu "vuông tròn tam giác" của sách được lan truyền trên mạng xã hội. Đến nay vẫn có 2 luồng quan điểm về những bộ sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Người cho rằng, bộ sách giúp học sinh học tiếng Việt nhanh hơn, nhanh đọc thông viết thạo. Người khác lại có quan điểm những kiến thức trong sách vượt quá khả năng nhận biết của học sinh lớp 1. |