Anh cũng như cộng đồng quốc tế cần nhiều thông tin chi tiết về mục tiêu của Bangkok khi đề nghị trục xuất cựu Thủ tướng Yingluck và rằng đây không đơn thuần là chuyện chính trị, cựu Ngoại trưởng Thái Lan cho hay.
Bangkok Post đưa tin, cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya cho biết hôm 1/8 rằng, Chính phủ nước này nên cung cấp cho Anh cũng như cộng đồng quốc tế nhiều thông tin chi tiết để làm rõ hơn mục tiêu khi Bangkok đề nghị trục xuất cựu Thủ tướng Yingluck.
Ông Kasit tin rằng Anh đang thiếu thông tin về sự việc.
“Chính phủ phải khẳng định trường hợp của bà Yingluck không đơn thuần là chuyện chính trị. Cần phải đưa chi tiết về trách nhiệm của bà trong vụ án liên quan đến chương trình lúa gạo và những thiệt hại mà sự việc gây ra cho đất nước cũng như thực tế rằng cựu Thủ tướng hiện đang phải chịu bản án ngồi tù”, ông Kasit cho hay.
Nữ cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck.
Nhà ngoại giao Thái Lan cho rằng việc đưa ra lý do chi tiết khiến Bangkok khẩn thiết đề nghị giúp bắt giữ bà Yingluck sẽ có thể giúp các nước có liên quan nhận ra ý nghĩa quan trọng hơn của sự việc. Ông Kasit cũng cho biết thêm rằng Thái Lan nên hợp tác với tất cả các quốc gia nơi bà Yingluck ghé qua.
Những bình luận của ông Kasit được đưa ra sau khi Thái Lan tiết lộ nước này đang đề nghị Anh trục xuất bà Yingluck. Nữ cựu Thủ tướng được cho đã ở Anh sau khi trốn khỏi Thái Lan năm ngoái để tránh án tù.
Bà Yingluck trốn khỏi Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái, ngay trước phiên toà xử liên quan đến chương trình lúa gạo mà bà phải chịu trách nhiệm. Dù vắng mặt, bà Yingluck vẫn bị kết án 5 năm tù.
Yêu cầu trục xuất bà Yingluck được Thái Lan đưa ra sau khi xuất hiện video trên Instagram hồi tuần trước cho thấy nữ cựu Thủ tướng nói rằng bà đang sống ở Covent Garden, London, Anh.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát nước này Srivara Ransibrahmanakul hôm 1/8 cho biết, cảnh sát Thái Lan đang xác minh nơi bà Yingluck đang ở và sẽ cung cấp thông tin cho văn phòng công tố để trục xuất nữ cựu Thủ tướng về nước.
Ông Thaksin và bà Yingluck.
Là nữ Thủ tướng trẻ nhất Thái Lan trong vòng 60 năm qua, bà Yingluck đã trải qua nhiều sóng gió trong những năm gần đây.
Đối mặt với hàng loạt sức ép từ phe quân đội, các cuộc biểu tình, nạn ngập lụt lịch sử ở Bangkok, nhưng khó khăn nhất trong cuộc đời làm chính trị của người phụ nữ này có lẽ là phải nhận lệnh buộc phải từ chức từ tòa án. Kèm theo đó là hàng loạt những cáo buộc liên quan tới tham nhũng, lạm quyền và những vụ kiện dai dẳng.
Ngay cả khi trốn ra nước ngoài, bà Yingluck vẫn không tránh được sự truy lùng của lực lượng chức năng nước này và bị tịch thu khối lượng tài sản lớn.
Căn biệt thự ở Bangkok trị giá 110 triệu baht cùng hơn 30 tài sản của bà Yingluck đã bị tịch thu để bồi thường cho những thiệt hại liên quan đến chương trình trợ giá lúa gạo.
Theo luật sư của bà Yingluck, trong số hơn 30 tài sản của bà Yingluck có 10 lô đất ở Thủ đô Bangkok và một số tỉnh, biệt thự ở Soi Nawamin 111 tại Bangkok, một căn hộ chung cư và 13 tài khoản ngân hàng với tổng số tiền gửi hơn 1 triệu baht.
Hồi tháng 1, các tài khoản ngân hàng và thế chấp tài sản của cựu Thủ tướng từ tháng 7 năm ngoái cũng bị đóng băng.
Hồi tháng 10/2016, bộ Tài chính đã ra lệnh tịch thu tài sản và yêu cầu bà Yingluck nộp 35 tỉ baht bồi thường thiệt hại cho chương trình trợ giá lúa gạo dưới thời Chính phủ của bà. Bà Yingluck cũng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại với tư cách là người đứng đầu Chính phủ và chủ tịch Ủy ban Chính sách lúa gạo quốc gia.
Tình tiết mới liên quan tới thời hạn visa Anh của bà Yingluck Anh được cho là đã cấp thị thực (visa) 10 năm cho cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, người đã bị kết án vắng ... |
Anh cấp thị thực 10 năm cho bà Yingluck, Thái Lan lên tiếng Bộ Ngoại giao Thái Lan (MFA) hôm 29-5 đã lên tiếng sau khi BBC đưa tin cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã được chính phủ ... |