Phát hiện nghi vấn, CSGT dừng xe kiểm tra nhưng thay vì chấp hành, tài xế lao xe vào tổ công tác, hất một chiến sĩ lên nắp capo, sau đó bỏ chạy.

Ngày 27/2, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tiến hành tạm giữ tài xế Nguyễn Đức Trung, 32 tuổi, trú Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm để điều tra hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, hất CSGT lên nắp capo.

Ly rượu và cửa nhà tù 1

Tài xế Nguyễn Đức Trung (điều khiển ô tô BKS 30E-112.57) bị khống chế, bàn giao cho Công an phường Đồng Xuân.

Vào tối 26/2, Tổ công tác Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên phố Trần Nhật Duật.

Khi phát hiện xe ô tô do Nguyễn Đức Trung điều khiển có dấu hiệu nghi vấn, cảnh sát dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, thay vì chấp hành, tài xế lao xe vào tổ công tác, hất một chiến sĩ lên nắp capo, sau đó bỏ chạy.

Sau khi bị khống chế và tiến hành đo nồng độ cồn, cảnh sát xác định người này có vi phạm mức 0,126 mg/lít khí thở. Theo quy định, với mức vi phạm này, tài xế sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.

Nhưng với hành vi trốn tránh việc kiểm tra, hất cảnh sát lên nắp capo, chắc chắn mức phạt sẽ không phải nhẹ nhàng như thế, thậm chí tài xế còn đối diện với việc bị xử lý hình sự.

Trước vụ này, chỉ tính riêng trong tháng 2 vừa qua, xảy ra rất nhiều vụ tài xế say rượu, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT. Điển hình là ngày 5/2, tại Vĩnh Phúc, một người đàn ông 65 tuổi đã hất CSGT lên capo và bỏ chạy hơn 2km.

Ngày 6/2, một CSGT ở Lào Cai bị chấn thương sọ não khi dừng xe máy để kiểm tra. Tài xế sau đó được xác định có nồng độ cồn 0,303 mg/lít khí thở. Các vụ trên đã được khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ.

Như vậy, đáng lẽ ra chỉ với vi phạm hành chính như vậy, các tài xế chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của CSGT, họ có thể bị phạt tiền, tước bằng lái trong một thời gian nhất định. Nhưng với hành vi chống người thi hành công vụ, mọi chuyện sẽ không dừng lại ở đó.

Một khi đã đối diện với pháp luật, cuộc sống, công việc của họ sẽ không còn được như bình thường nữa. Rồi đây họ sẽ phải trả giá cho hành động coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác. Và chắc hẳn, chỉ khi vướng vòng lao lý, họ mới cảm thấy hối hận về việc mình đã làm.

Có thể lý giải những vụ chống đối CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn là vì các tài xế một phần bị kích động bởi lúc này trong người đã có hơi men, không kiểm soát được hành vi của bản thân, một phần vì sợ bị phạt nặng, tước bằng lái.

Nhưng hơn cả, đó là nhận thức pháp luật của họ chưa đầy đủ. Nhiều người vẫn vô tư nghĩ rằng chống đối CSGT, lái xe bỏ chạy thì có thể thoát được. Họ đã nhầm!

Thời gian qua, với việc lực lượng CSGT triển khai quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, có thể thấy vi phạm đã giảm rõ rệt. Nhiều thời điểm, các tổ công tác dừng hàng trăm xe ô tô nhưng không phát hiện trường hợp vi phạm nào.

Nhiều người đã thực sự biết sợ, khi đã uống rượu bia là đi taxi, hay nhờ dịch vụ lái xe hộ đưa về nhà. Nhưng vẫn còn không ít trường hợp, dù sợ bị phạt nhưng vẫn cố tình lái xe khi đã say xỉn. Để rồi chính bản thân họ cũng không biết rằng mình đang tự gây nguy hiểm cho bản thân và nhiều người tham gia giao thông khác.

Mong rằng chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ được lực lượng công an duy trì thường xuyên, để việc uống rượu bia lái xe sớm chấm dứt.

Mong rằng mỗi người đều ý thức được rằng, đã uống thì không lái; và khi được kiểm tra thì nên chấp hành, thay vì chống đối, nếu không muốn cuộc đời mình rẽ sang một hướng khác, một cách đáng tiếc.

https://www.baogiaothong.vn/ly-ruou-va-cua-nha-tu-d583094.html

Hà Anh Huy / Giao thông