Chỉ sau hơn một năm xuất hiện trên chiến trường, gần như toàn bộ xe tăng M1 Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine đã bị phá hủy hoặc mất tích dưới hỏa lực và UAV Nga.
- Tại sao Mỹ bình thản trước việc Nga mổ xẻ xe tăng M1A1 Abrams?
- Phần lớn xe tăng Abrams của Ukraine đã bị phá hủy?
Pháo đài thép M1 Abrams thất thủ
Theo thống kê mới nhất từ Military Watch Magazine, 27 trong tổng số 31 xe tăng M1 Abrams do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã bị phá hủy. Con số này không chỉ là đòn giáng mạnh vào niềm tin vào khí tài phương Tây, mà còn phơi bày một thực tế phũ phàng: ngay cả những cỗ máy chiến đấu hàng đầu cũng có thể gục ngã nếu bị sử dụng sai chiến thuật và đặt trong môi trường bất lợi.
Ngay từ khi Mỹ và một số đồng minh NATO như Đức và Anh cam kết chuyển giao xe tăng cho Kiev, kỳ vọng đặt vào Abrams là rất lớn. Cùng với Leopard 2 và Challenger II, những chiếc M1 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trên chiến trường phía Đông. Tuy nhiên, thực tế lại đi ngược hoàn toàn. Những cỗ xe tăng được ca tụng là “bất khả xâm phạm” bị bắn hạ không thương tiếc bởi pháo dẫn đường, UAV cảm tử và thậm chí cả hỏa lực trực tiếp từ xe tăng Nga.

Xác xe tăng M1 Abrams được trưng bày tại Nga. Ảnh NI
Một trong những vụ việc điển hình là khi một chiếc Abrams bị tiêu diệt bởi T-72B3 trong cuộc đối đầu trực tiếp gần Avdiivka - nơi chiến sự đang ở mức ác liệt nhất. Phần còn lại trong danh sách mất mát đa phần bị triệt hạ bởi drone cảm tử Lancet hoặc bị dẫn đạn chính xác từ pháo binh tầm xa. Với chi phí thấp và khả năng tấn công không cần tiếp xúc, UAV đang trở thành vũ khí diệt tăng chủ lực của Nga.
Cỗ máy mạnh không dành cho chiến tranh cường độ cao
Xe tăng M1 Abrams vốn được thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh với mục tiêu đương đầu xe tăng Liên Xô tại các đồng bằng Trung Âu. Đây là thành quả của chương trình phát triển xe tăng thế hệ ba do General Dynamics Land Systems thực hiện, ban đầu là một dự án chung giữa Mỹ và Tây Đức để thay thế M60 và Leopard 1, nhưng sau đó bị hủy do bất đồng thiết kế và tài chính.
Điểm nổi bật nhất của Abrams là giáp Chobham - một dạng giáp phức hợp dày tới 60 cm, có khả năng chống lại đạn xuyên lõm và đầu đạn định hình HEAT hiệu quả vượt trội. So với lớp giáp chỉ dày khoảng 10 cm của M60 đời cũ, Abrams mang lại cảm giác như một pháo đài di động.
Ngoài ra, dòng M1A2 còn được nâng cấp với hệ thống định vị nội bộ, liên kết thông tin giữa các phương tiện (IVIS) và đặc biệt là hệ thống phòng thủ chủ động Trophy - một công nghệ chống tên lửa chống tăng và đạn phản lực tương đối hiện đại.
Tuy nhiên, xe tăng chỉ là một mắt xích trong cỗ máy chiến tranh phức hợp. Không có ưu thế trên không, không có pháo binh chi viện đáng kể, lại thiếu lực lượng kỹ thuật có kinh nghiệm và hậu cần bảo trì, Abrams tại Ukraine giống như chiến binh bị đưa ra sa trường mà không có khiên giáp. Trên lý thuyết, M1 rất mạnh, nhưng sức mạnh đó bị bóp nghẹt trong bối cảnh tác chiến mà Nga đang kiểm soát gần như tuyệt đối về hỏa lực tầm xa và UAV chiến thuật.
Thất thế
Một trong những lý do khiến Abrams thất thế chính là sự thay đổi trong hình thái tác chiến hiện đại. Trong khi các chiến trường trước đây của Mỹ (như Iraq hay Afghanistan) thiếu vắng các mối đe dọa quy mô lớn từ pháo binh hay UAV cảm tử, thì tại Ukraine, Nga triển khai các “đội săn tăng” từ xa với chi phí cực thấp.
UAV cảm tử như Lancet có giá chỉ vài chục nghìn USD nhưng có thể phá hủy khí tài trị giá hàng chục triệu USD, tạo ra chênh lệch về hiệu quả chi phí đáng kinh ngạc.

Xe tăng M1 Abrams. Ảnh PBS
Bên cạnh đó, khả năng bảo trì của Ukraine dành cho Abrams là gần như không đáng kể. Hệ thống động cơ tuabin khí đòi hỏi điều kiện kỹ thuật cực kỳ nghiêm ngặt để bảo dưỡng. Các chuyên gia Mỹ từng cảnh báo rằng nếu không có đội ngũ kỹ thuật viên đi kèm hoặc hệ thống hậu cần tiêu chuẩn NATO, Abrams sẽ nhanh chóng trở thành “sắt vụn” trên chiến trường. Và điều đó đã xảy ra.
Tình trạng cạn kiệt thiết bị dự phòng, thiếu nhiên liệu phù hợp cho động cơ khí, cùng với việc không thể thiết lập chuỗi bảo trì đúng chuẩn đã khiến Abrams chỉ hoạt động được vài tuần trước khi bị vô hiệu hóa - nếu chưa bị tiêu diệt sớm hơn.
Trong một chiến trường cường độ cao như Ukraine, nơi mọi khí tài đều có thể bị phát hiện và hủy diệt trong vài phút, Abrams không có cơ hội để thể hiện những ưu thế vốn có. Trái lại, chúng trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các kíp lái Nga, UAV trinh sát và lực lượng pháo binh dẫn đường.
Với số lượng chỉ còn 4 chiếc Abrams vẫn còn khả năng chiến đấu tính đến giữa tháng 7, rõ ràng sự hiện diện của dòng xe tăng này tại Ukraine đang đi đến hồi kết.