Nhu cầu gửi xe lớn trong khi diện tích dành cho giao thông tĩnh hạn chế, nên người dân rất vất vả trong việc tìm chỗ gửi xe, nhất là tại các bệnh viện lớn và khu vực quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần.
- Rút quy định luật hóa gầm cầu làm nơi trông giữ xe ở Luật Đường bộ
- Nhiều điểm trông giữ xe tại Hà Nội: Giá “trên trời”, làm sao kiểm soát?
- Bãi trông giữ xe tự phát bủa vây sân bay Nội Bài, cò mồi chèo kéo khách đi taxi
Đó là lý do không ít người sẵn sàng chấp nhận bị bắt chẹt, trả phí giữ xe cao quá mức quy định thay vì lòng vòng tìm chỗ gửi xe.
Cầu lớn hơn cung
Ghi nhận trên nhiều tuyến phố có mật độ giao thông đông đúc như đường Nguyễn Xiển, hay nhỏ hẹp như Trấn Vũ, Nguyễn Văn Tuyết..., tình trạng trông giữ xe, thu phí tùy tiện khá phổ biến.
Đơn cử, trên đường Nguyễn Xiển qua khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, xe ô tô xếp 4 hàng từ vỉa hè tới dưới lòng đường; hễ có xe lạ dừng đỗ là lập tức có người ra đòi thu phí, nếu chủ xe không chấp nhận là những người này tự cho mình quyền xua đuổi.
Chị Đinh Thu Hiền, một người dân sinh sống tại một chung cư đối diện khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ cho biết, tình trạng đỗ xe tràn lan dưới lòng đường, vỉa hè bất chấp biển cấm tại khu vực này diễn ra đã lâu, báo chí đã nhiều lần phản ánh. Nguyên nhân là do mật độ dân cư ở đây đông đúc, phương tiện cá nhân nhiều nhưng chỗ đỗ xe lại thiếu, dẫn đến tình trạng trông giữ xe với giá vượt mức quy định.
Theo quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ), biển cấm đỗ xe có hiệu lực cấm tất cả các xe cơ giới đỗ ở phía đường đặt biển báo, trừ các xe ưu tiên theo quy định.
Vậy nhưng, tại một số tuyến phố ở Hà Nội như Nguyễn Hoàng, Lê Đức Thọ... đã xuất hiện tình trạng một số điểm có cắm biển báo "cấm đỗ xe" và biển báo "nơi đỗ xe" ở cùng một vị trí.
Điều này khiến người dân dễ bị hiểu lầm về hiệu lực của hệ thống biển báo giao thông cũng như thắc mắc về vị trí đỗ xe sau biển cấm trong các tuyến phố nội đô... Hơn nữa, nhiều người tưởng rằng ở đó không phải là điểm trông giữ phương tiện nhưng chỉ cần dừng xe là có người ra thu tiền.
Tại quận Hoàn Kiếm, vào dịp cuối tuần, giá trông giữ xe ô tô ở quanh khu vực phố đi bộ hồ Gươm có khi lên đến cả trăm nghìn đồng/lượt. "Cung" không đủ đáp ứng "cầu" nên khách thường phải bấm bụng trả mức phí "trên trời". Ở những tuyến phố quanh khu vực Lê Thái Tổ, vào cuối tuần, trụ sở cơ quan nhà nước cũng được "trưng dụng" để trông xe thu tiền.
Chị Nguyễn Kiều Anh (ở Yên Phụ, quận Tây Hồ) cho biết, nhiều khi chị đưa cả gia đình lên phố đi bộ chơi vào dịp cuối tuần và phải chạy vòng lên tận phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải... để gửi xe ô tô.
Nỗi khổ gửi xe không chỉ diễn ra ở những điểm vui chơi, giải trí nổi tiếng. Việc người dân thường xuyên thắc mắc về mức phí trông giữ phương tiện quá cao ở quanh Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương... dường như là chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi". Ở những nơi này cũng diễn ra tình trạng "vừa bán vừa la cũng đắt hàng". Mức giá trông giữ xe máy lên tới 10 nghìn đồng/lượt, và khi ai đó thắc mắc là lập tức người trông xe nói tỉnh bơ "hết chỗ rồi", "đi chỗ khác mà gửi".
Dù các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng do nhu cầu trông giữ phương tiện ở khu vực phố cổ, điểm vui chơi cuối tuần ở quận Hoàn Kiếm quá cao nên không ít người dân vẫn tận dụng vỉa hè trước cửa nhà và trong khu phố để trông giữ xe, kiếm thêm thu nhập. Nhiều bãi xe nằm sâu trong ngõ Phất Lộc, Trung Yên, phố Hàng Bạc, Cầu Gỗ... đều hoạt động tự phát, không phát hành vé theo quy định, vậy nhưng vào những tối cuối tuần vẫn "xua khách đi không hết".
Bà Đàm Thị Hòa (ở phố Mã Mây) cho biết, từ đầu năm đến nay bà đã 2 lần bị lập biên bản vì hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe máy, nhưng do cuối tuần có nhiều khách đến năn nỉ cho gửi xe để đi chơi nên bà "đành tặc lưỡi"...
Tìm giải pháp căn cơ
Năm 1994, Thành phố Hà Nội đã có quy hoạch về hệ thống giao thông tĩnh, trên cơ sở đó đã có định hướng về hệ thống điểm trông giữ xe, trong đó có chủ trương tạm khai thác các tuyến phố có lưu lượng giao thông ít để xây dựng bãi đỗ xe.
Đến năm 2004, Hà Nội lại có quy hoạch giao thông tĩnh, khẳng định phải sớm xây dựng các bãi đỗ xe đã đề ra trước đó, trong đó có chủ trương giải quyết bãi đỗ xe tại các bến xe liên tỉnh như Bến xe Kim Mã, Bến xe Nước Ngầm... Ngoài ra, Hà Nội còn quy hoạch nhiều bãi đỗ xe nội đô khác, nhưng qua thời gian nó, một số điểm bị biến tướng thành loại hình kinh doanh, dịch vụ khác.
Là doanh nghiệp đang khai thác hàng loạt điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn quận Đống Đa, trong đó có khu vực "nhạy cảm" là ga đường sắt đô thị Cát Linh, anh Triệu Ngọc Quang, Giám đốc Công ty Ngọc Quang cho rằng, để Nhà nước không bị thất thu và chấm dứt tình trạng trông giữ phương tiện với giá vô tội vạ như hiện nay, cần minh bạch việc đấu giá quyền khai thác dịch vụ trông giữ phương tiện để cho ra những đơn vị đủ năng lực vận hành. Có như vậy thì mới tránh được việc Nhà nước thất thu, tránh được hiện tượng trông giữ xe với giá "trên trời"...
Về giải pháp trước mắt nhằm hạn chế tình trạng thu phí giữ xe quá mức quy định tại các bãi xe quanh Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt - Đức và quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, cơ quan này đã giao nhiệm vụ cho công an 18 phường trên địa bàn công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân để xử lý kịp thời. Ngoài ra, những đơn vị được phép khai thác điểm đỗ cũng ký cam kết thu đúng giá in trên vé trông giữ phương tiện, không để nhân viên tự ý thu trái quy định... Riêng dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm đã xử phạt 24 trường hợp trông giữ phương tiện trái phép...
Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, hiện có nhiều bãi gửi xe nằm trong quy hoạch đã bị biến tướng. Giao thông tĩnh mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thực tế trên địa bàn Thủ đô, trong khi yêu cầu đặt ra là 20%.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chỉ rõ, ngoài cơ sở hạ tầng, khó khăn lớn nhất liên quan tới việc đáp ứng nhu cầu về điểm đỗ phương tiện là sự bùng nổ của các phương tiện cá nhân. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân ở Hà Nội tăng trung bình khoảng 15%/năm. Đến nay, đã có 3,8 triệu xe máy, 40 vạn ô tô, 1 triệu xe đạp, chưa kể lượng xe ở các tỉnh khác ra vào Hà Nội. Số lượng phương tiện khổng lồ này đã tác động mạnh tới hệ thống giao thông vốn đã không đạt yêu cầu.
Thực tế cho thấy, để tránh tình trạng lạc vào "ma trận" trông giữ xe như hiện nay, cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các phương tiện công cộng, có sự tính toán hợp lý khi di chuyển, dừng đỗ trong nội đô. Khi có nhu cầu gửi phương tiện, chủ xe cần yêu cầu chủ bãi xe phải xuất vé hợp quy, trả phí theo mức được niêm yết công khai...