Người dân và du khách mãn nhãn với màn trình diễn võ thuật, các bài huấn luyện ngựa đỉnh cao tại khu vực đường Lê Lợi (Quận 1, TP.HCM).
- Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội chứng kiến Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh ra mắt
- Các đội kỵ binh trên thế giới xử lý chất thải của ngựa như thế nào?
Tiếp nối chương trình mừng lễ kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 79 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 19 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chúc mừng Công an TP.HCM vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, sáng 18/8, tại tuyến đường Lê Lợi (Quận 1), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động chủ trì, phối hợp Công an TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao... tổ chức chương trình biểu diễn võ thuật, nhạc kèn Công an nhân dân và diễu hành kỵ binh trên đường phố.
Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an, có chức năng trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý, chăm sóc, huấn luyện và sử dụng ngựa; thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau hơn 4 năm thuần phục và huấn luyện, dưới sự điều khiển của cán bộ, chiến sĩ, những chú ngựa hoang dã đã trở thành ngựa nghiệp vụ, thực hiện nhuần nhuyễn động tác, kỹ năng phục vụ công tác tấn công trấn áp các loại tội phạm.
Những chú ngựa có khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt; có thể tác chiến, vận chuyển vũ khí, quân trang, quân lương, cứu nạn, cứu hộ ở các địa bàn có địa hình phức tạp, mà các phương tiện khác không thể cơ động được...
Kỹ thuật điều khiển ngựa chạy nhanh, giải phóng 2 tay là kỹ thuật khó, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần dũng cảm, thường xuyên luyện tập mới có thể vừa điều khiển ngựa, vừa sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ khi ngồi trên lưng ngựa
Màn trình diễn với những kỹ thuật khó, có độ nguy hiểm cao, yêu cầu những chiến sĩ kỵ binh cần phải có bản lĩnh, quyết tâm cao, trải qua quá trình luyện tập công phu, sử dụng kỹ thuật điêu luyện, chính xác để điều khiển ngựa nghiệp vụ đảm bảo an toàn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đây là những động tác thể hiện sự phối hợp kỹ thuật nhịp nhàng giữa cán bộ, chiến sĩ và ngựa nghiệp vụ, với kỹ thuật giữ thăng bằng trên lưng ngựa giúp cán bộ, chiến sĩ có thể tự tin, linh hoạt sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tấn công, truy bắt các đối tượng trong mọi tình huống mà không ảnh hưởng đến quá trình di chuyển trong thực tiễn chiến đấu.
Ngoài màn diễu hành, biểu diễn của kỵ binh thì màn trình diễn võ thuật khí công của các chiến sĩ cảnh sát cơ động cũng thu hút sự chú ý của du khách, người dân TP.HCM.
Lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm biểu diễn những pha võ thuật khí công như: dùng tay chặt gạch, lưng trần nằm trên bàn chông công phá đá, tay xách vật nặng đi chân trần trên mảnh vỡ thuỷ tinh, dùng bụng đỡ dao phóng từ trên cao...
Màn biểu diễn dùng búa công phá tảng đá nặng hàng trăm kg được đặt trên cơ thể chiến sĩ, phía dưới là bàn chông sắc nhọn.