Quân đội Pháp nã bom vào trại tập trung Noong Nhai giết chết 444 người dân vô tội, hàng trăm người khác bị thương.
Di tích Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) không thuộc quần thể các di tích lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ ở Điện Biên, nhưng nó là mảnh ghép không thể không nhắc đến.
Ngày 25/4/1954, thực dân Pháp trong cơn hoảng loạn vì vỡ trận ở các mặt trận chủ lực đã nã bom vào trại tập trung Noong Nhai với khoảng 3.000 dân.
444 người dân vô tội thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương. Ngày đẫm máu ấy đã trở thành ngày giỗ chung ở Noong Nhai, và thêm quyết tâm để quân đội cách mạng sớm chấm dứt hoàn toàn sự có mặt của Pháp tại Điện Biên bằng chiến thắng lịch sử 7/5.
“Bia căm thù Noong Nhai” nằm ở ngay quốc lộ 279, thuộc xã Thanh Xương. Từ đây sang cửa khẩu Tây Trang chỉ vài trăm mét. Thời điểm tháng 4, quốc lộ này đang được nâng cấp mở rộng, xứng danh “con đường xuyên Á” nối với nước bạn Lào ở mảnh đất Tây Bắc.
Di tích Noong Nhai sừng sững tượng đài một người phụ nữ Thái to lớn và mạnh mẽ, đang bồng trên tay một đứa trẻ. Hai bức phù điêu hai bên tái hiện cảnh tan hoang, điêu tàn của trận ném bóm phi nghĩa.
Hành động phi nhân tính ấy không những không làm giảm nhuệ khí của quân ta, mà còn tiếp thêm sức mạnh, lòng căm thù, quyết tâm chấm dứt sự có mặt của thực dân Pháp tại vùng Tây Bắc bằng chiến dịch Điện Biện Phủ và chiến thắng chiều 7/5/1954 chưa đầy 2 tuần sau đó.
Ông Vì Văn Phái, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Thanh Xương chia sẻ: “Để tìm nhân chứng thời điểm ấy rất khó, các cụ ai còn sống cũng gần 100 tuổi, không thì chết hết rồi. Những người lúc ấy còn bé quá thì không nhớ”.
Khi đến nhà mẹ Lò Thị Pướu, bản thân ông Phái vẫn hy vọng cụ còn khỏe để kể lại thời khắc kinh hoàng của cuộc thảm sát.
Cụ Pướu nay bước sang tuổi 96, để trò chuyện với cụ, phải có chị Đương Thị Hồng (SN 1969, con dâu thứ của cụ) làm phiên dịch. Chị Hồng bảo: "Từ trước tết đến giờ, cụ yếu mệt, thi thoảng mới xuống dưới sân ngồi chơi, còn lại toàn nằm trên giường".
Cụ nhớ lại, khi đó, cả bản chừng 40 hộ dân sinh sống. Cuối năm 1953, sau khi nhảy dù xuống Điện Biên để tái chiếm thung lũng Mường Thanh lần thứ 2, để ngăn không cho đồng bào tiếp tế, giúp đỡ bộ đội, giặc Pháp đã dồn dân vào 4 trại tập trung, có hơn 3.000 người.
Sáng 25/4/1954, như hàng ngàn người dân khác, cụ Pướu cùng đàn con thơ bị “lùa” vào trại tập trung lợp tranh tre nứa lá tạm bợ, chật chội và hôi hám, cuộc sống không khác gì cầm tù. Bên ngoài trại, giặc Pháp rào thép gai, đào hào công sự, gài mìn, lập bốt canh gác không cho dân trốn ra ngoài.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đang ở đợt tấn công thứ hai, quân Pháp đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc. 14h cùng ngày, 4 máy bay Pháp dội trận mưa bom xuống trại tập trung Noong Nhai.
Tại trại tập trung đang có một đám tang của một người dân vừa nằm xuống. 444 người chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em đã chết trong vụ thảm sát. Có những gia đình chết không còn một ai, như nhà ông Lường Văn Cu chết 7 người, nhà ông Lù Văn Inh chết cả 6; gia đình ông Lường Văn Puốn có 22 người, chỉ có một người duy nhất sống sót…
Ở trong tình thế giãy chết, giặc Pháp muốn gây ra cuộc thảm sát nhắm xuống những người dân vô tội hòng phân tán tinh thần của quân cách mạng. Thế nhưng, tội ác Noong Nhai càng làm sâu lòng căm thù, khiến chúng ta hạ quyết tâm sớm đuổi giặc Pháp ra khỏi vùng Tây Bắc chưa đầy 2 tuần sau đó…
“Mùa lạc” trên quê hương Noong Nhai
Mảnh đất năm xưa nơi in vết thù, chính là nguyên mẫu của tác phẩm “Mùa lạc” mà nhà văn Nguyễn Khải viết về cuộc sống nơi lòng chảo Điện Biên thời kỳ xây dựng CNXH.
Phó chủ tịch xã Thanh Xương Lò Văn Chung nhớ lại: Đầu thập niên 1980, bia căm thù Noong Nhai được dựng trên hố bom cũ của bản để tưởng niệm những người dân vô tội, nhắc nhớ tội ác của thực dân Pháp. Dần dà, theo thời gian, tượng đài được tôn tạo, lấy biểu tượng người phụ nữ Thái mặc áo cón bồng trên tay đứa trẻ đã chết vì trúng bom.
Năm 1982, chủ trương thành lập nông trường Điện Biên, hàng ngàn hộ dân được di dân tại chỗ lên các bản khác, đồng thời hàng vạn hộ dân đi xây dựng kinh tế mới từ các tỉnh dưới xuôi lên. Noong Nhai trở thành đại nông trường sản xuất tập trung, với những “chị Đào” hăng say lao động, được nhà văn Nguyễn Khải xây dựng thành nguyên mẫu.
“Trong một thời gian dài, Nông trường C17, HTX nông nghiệp Thanh Xương là những điển hình của phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội của tỉnh Lai Châu (cũ). Giai đoạn những năm 93-94, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lên “ba cùng” với bà con và rất hài lòng. Khen ngợi HTX và thưởng cho 1 chiếc xe tải Zin H12 để làm phương tiện chở nông sản sau thu hoạch" - ông Chung chia sẻ.
Thanh Xương hiện có 26 thôn bản với hơn 2.000 hộ gồm 8.000 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%. Theo ông Chung, chủ lực của một xã miền núi này lại là sản xuất nông nghiệp, trong đó có lợi thế cánh đồng Mường Thanh màu mỡ năng suất khoảng 70 tạ/ha; 4 trường học đạt chuẩn quốc gia; thuận tiện về điện lưới, nước sạch và đường giao thông…
65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2019): Những 'lát cắt' lịch sử Những cựu binh trận Điện Biên Phủ khi xưa ngày càng vắng bóng. Nhưng những tìm tòi, phát hiện về trận chiến nơi “thung lũng của những ... |
Ai là người sáng kiến ra xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ? Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phương tiện xe đạp thồ được xem là sáng tạo đặc biệt góp phần rất quan trọng vào việc ... |
Điện Biên Phủ - Câu chuyện không chỉ của một thế hệ Sau chiến thắng Điện Biện Phủ nhìn lại lịch sử để cùng đi tiếp trong tương lai là suy nghĩ và mong mỏi của nhiều ... |
Ngoại binh giành áo vàng sau chặng 3 cúp đua xe đạp 'Về Điện Biên Phủ' Sáng 5/5, tay đua Mirsamad Pourseyed người Iran trở thành chủ nhân mới của áo vàng tại chặng 3 dài 157 km ở cuộc đua ... |