Các chuyên gia đặt câu hỏi về cách Trung Quốc thực hiện chương trình không gian khi sự cố rơi mảnh vỡ tên lửa không phải lần đầu xảy ra.
Cho đến nay, khả năng mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống khu dân cư gây nguy hiểm được đánh giá là rất thấp, nhưng vẫn có thể xảy ra.
Tầng trung tâm tên lửa lớn nhất Trung Quốc này đang rơi mất kiểm soát trên quỹ đạo, sau khi nó mang theo một phần của trạm vũ trụ mới lên không gian vào tuần trước. Vật thể dự kiến sẽ rơi xuống Trái đất trong "lần tái nhập không kiểm soát" vào ngày 8 hoặc 9/5.
Dù nó rơi xuống đại dương vô hại hay ảnh hưởng đến đất liền nơi con người sinh sống, lý do chương trình không gian Trung Quốc để điều này xảy ra - một lần nữa - vẫn chưa rõ ràng. Và với lịch trình phóng được lên kế hoạch của Trung Quốc, việc các vụ tái nhập không kiểm soát như vậy tiếp tục xảy ra là hoàn toàn có thể.
Tên lửa Trường Chinh 5B trong một vụ phóng năm 2020. (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Chương trình không gian Trung Quốc có một loạt thành tựu lớn về tàu vũ trụ trong 6 tháng qua, bao gồm việc mang đá mặt trăng về và đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo xung quanh sao Hỏa. Tuy nhiên, các chương trình dường như tiếp tục tạo ra mối nguy hiểm, dù nhỏ, cho mọi người trên khắp hành tinh khi không kiểm soát được đường đi của tên lửa phóng ra.
Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại trung tâm Vật lý thiên văn ở Cambridge, Massachusett, người theo dõi đường đi của các vật thể trong không gian, nhận định: “Tôi nghĩ là do sự lơ là của họ. Tôi nghĩ điều đó là vô trách nhiệm".
Phần rơi mất kiểm soát là tầng lõi tăng cường của Trường Chinh 5B, được thiết kế để nâng các phần lớn, nặng của trạm vũ trụ.
Đối với hầu hết các tên lửa, các tầng thấp hơn thường rơi trở lại Trái đất ngay sau khi phóng. Các tầng phía trên khi đến quỹ đạo thường kích hoạt động cơ trở lại (sau khi giải phóng bớt tải trọng), hướng chúng tái nhập vào các khu vực vắng người như đại dương.
Trong ba thập kỷ qua, chỉ có Trung Quốc nâng các tầng tên lửa lớn như vậy lên quỹ đạo và để chúng rơi bừa xuống một nơi nào đó, tiến sĩ McDowell nói.
“Đó là một quyết định kỹ thuật dựa trên các khả năng". Ông nói rằng các kỹ sư Trung Quốc đã có thể thiết kế đường đi của tầng tên lửa để nó vẫn ở dưới quỹ đạo, rơi trở lại Trái đất ngay sau khi phóng, hoặc họ có thể đã lên kế hoạch kích hoạt động cơ bổ sung để đưa nó ra khỏi quỹ đạo theo cách không gây nguy hiểm.
Ted J. Muelhaupt, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quỹ đạo và tái nhập mảnh vỡ hàng không vũ trụ nói: “Không thể xem nhẹ chuyện thiết kế tái nhập theo ý muốn, đó là thứ mà cả thế giới nói chung đã làm vì chúng ta cần".
Đối với tầng tăng cường của Trường Chinh 5B, nó có thể nằm ở bất kỳ đâu trong khoảng 41,5 độ vĩ Bắc và 41,5 độ vĩ Nam. Điều đó có nghĩa là Chicago, nằm xa hơn về phía Bắc, an toàn, nhưng các thành phố lớn như New York có thể bị ảnh hưởng.
Hôm 6/5, Aerospace Corporation, một tổ chức phi lợi nhuận được chính phủ liên bang tài trợ phần lớn thực hiện nghiên cứu và phân tích, dự đoán việc tái nhập sẽ xảy ra vào 8/5 lúc 23h43 giờ miền Đông (10h43 9/5 giờ Việt Nam). Nếu điều đó là chính xác, các mảnh vỡ có thể rơi xuống Đông Bắc châu Phi, tại Sudan.
Sự không chắc chắn về thời điểm - dao động 16 tiếng - và vị trí vẫn còn lớn. Một ngày trước, Aerospace dự đoán địa điểm tái nhập trước một giờ tại phía Đông Ấn Độ Dương.
Các tính toán bị phức tạp hóa bởi nhiều yếu tố, ví dụ, mặt trời. Sự gia tăng cường độ của gió mặt trời - các hạt mang điện do mặt trời phun ra - sẽ thổi phồng bầu khí quyển của Trái đất, làm tăng lực của khí quyển lên vật thể và tăng tốc độ rơi của nó. Sự chuyển động của vật thể cũng ảnh hưởng.
Bộ tư lệnh không gian Mỹ và cơ quan vũ trụ của Nga đều đang theo dõi bộ phận tên lửa này. Tuyên bố của Nga lưu ý rằng việc tái nhập sẽ không "ảnh hưởng đến lãnh thổ của Liên bang Nga". Cơ quan Mỹ trong khi đó hứa sẽ cập nhật thường xuyên trước khi sự kiện có khả năng diễn ra.
Hiện vật thể đang di chuyển ở với vật tốc khoảng 29.868 km/h, nên việc dự đoán vị trí cũng thay đổi theo từng phút.
Trung Quốc có kế hoạch phóng thêm nhiều lần nữa trong những tháng tới khi hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ thứ ba của nước này, được gọi là Thiên Cung, hay "cung điện trên trời". Điều đó sẽ đòi hỏi các chuyến bay bổ sung của tên lửa khổng lồ và khả năng xảy ra nhiều lần tái nhập không kiểm soát hơn khiến mọi người trên mặt đất lo lắng theo dõi, ngay cả khi rủi ro từ những bộ phận đơn lẻ rất nhỏ.
Jen Psaki, Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết hôm 5/5: “Vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia, cần hành động có trách nhiệm trong không gian để đảm bảo an toàn, ổn định, an ninh và bền vững lâu dài của các hoạt động ngoài vũ trụ”. Mỹ hy vọng sẽ thúc đẩy “các hành vi không gian có trách nhiệm”.
Tên lửa rơi trúng căn cứ quân sự, 70 lính thiệt mạng Một tên lửa đạn đạo nghi của phiến quân Houthi bắn trúng căn cứ quân sự ở thành phố Marib, khiến ít nhất 70 binh ... |
Tên lửa rơi trúng lễ diễu binh Một tên lửa đạn đạo đánh trúng lễ diễu binh của nhóm ly khai tại Dhale khiến 10 người chết và ít nhất 21 người ... |