Bốn tuổi, mắt ướt, Tiểu Yến đứng trong đám trẻ đang nắm tay tôi. Đôi mắt mí lẩn của con bé cố căng rộng thêm, hóng chằm chằm vào mặt khách. “Cô có phải là mẹ con”, nó hỏi.
mẹ con
Tôi ngần ngừ, trì hoãn câu trả lời bằng việc sửa lại bộ quần áo đồng phục của một trường mầm non nào đó nó đang mặc. Mối chỉ ở vai đã bung vài nốt. Hai chữ tên trường in trước ngực đã bợt. Tôi nhìn xuống đất, thắt lòng khi đôi chân con bé chỉ có một chiếc giày nhựa màu hồng. Đôi giày đó do đoàn từ thiện nào đó đem tới. Con bé đi một chiếc giày hồng chơi khắp sân, không hề băn khoăn tẹo nào với chiếc giày kia không biết đang nằm ở đâu.
Bộ quần áo đồng phục Yến đang mặc là do được phát năm ngoái, khi ông Hiệp, chủ mái ấm nơi nó sống, cho gần các bé đi học ở lớp mầm trường làng. Nhưng học phí phát sinh làm đội chi phí cho mái ấm lên cao quá, lại không có người đưa rước lũ trẻ đi về mỗi ngày. Ông lo hơn, sau khi cô giáo giới thiệu trước lớp “đây là các bạn mồ côi đến từ mái ấm Thiên Thần”, bọn trẻ trong lớp nhao nhao hỏi “Mồ côi là gì?”. Cô giáo giải thích “Mồ côi là không cha không mẹ, được mái ấm đem về nuôi”. Thế là ngay lập tức, ra chơi, chúng bị trêu chọc “Ê, đồ mồ côi không cha không mẹ”.
Mấy ngày sau đó ở mái ấm nổ ra cuộc truy cứu câu trả lời. Mấy đứa lớn túm lấy ông Hiệp. Bố ơi, mẹ là gì hả bố? Mồ côi là gì, tại sao con không có bố mẹ? Con không đi học nữa đâu. Ông Hiệp lấy cớ: “Bố bận nấu cơm, các con ra sân chơi mai bố trả lời”. Mấy đứa kia tạm tin ra leo cầu trượt. Riêng thằng bé Giáp – chuyên gia lý sự, nhất định không bỏ cuộc. Nó bám lẵng nhẵng theo chân ông:
- Bố không phải bố Giáp…
- Bố không phải bố Giáp thì sao bố nuôi Giáp, sao bố ôm Giáp ngủ?
- Nhưng anh kia bảo bố đấy không phải bố chúng mày, bố chỉ là bố nuôi.
- Giáp “nhiều chiện” quá đi, sao Giáp không tin lời bố?
Nó im một lúc, nhưng đầu nó vẫn cứ nghĩ. Nó lại hỏi:
- Cô kia tới chơi dắt theo một bạn, tại sao cô ấy dắt bạn ấy về, sao bạn ấy không ở lại đây?
- Vì bạn ấy là con cô ấy, cô ấy phải dắt bạn về nhà với cô
- Mẹ con đâu, sao mẹ con không đón con về?
“Tôi đuối lý lắm, chỉ muốn nổi quạo”. Kể lại chuyện cho phóng viên, hai hạt nước lại ăm ắp dâng đầy khóe mắt người cha.
Ông bảo, hầu hết bọn trẻ đến đây từ vài ngày tuổi, chúng không hề có ý niệm về một người mẹ ruột. Nhưng chúng vô cùng để ý các chi tiết dường như liên quan đến tình mẫu, phụ tử: “Ủa, tại sao cô kia dắt bạn đó đi khỏi đây?”, “Bố ruột là gì?” Các câu hỏi đó, tự bọn chúng quan sát, nghe đâu đó rồi “tự phát sinh”.
Tôi hỏi sao ông không dặn nhà trường, cô giáo phải tế nhị với bọn trẻ của mái ấm đi học hòa nhập? Ông thú thực mình cũng chưa bao giờ lường trước tình huống “mồ côi” lại trở thành một từ có tính kỳ lạ đến thế, dù trong trí óc của trẻ con mẫu giáo, tiểu học. Có đứa trẻ của mái ấm đi học lớp một cũng bị tình trạng này, nên ông phải “thu” các cháu về, tạm thời nhờ các xơ tới dạy. Tất cả 3 tuổi tới 13 tuổi, đều học chung chương trình mẫu giáo lớn.
Tôi cũng hỏi một số người làm công tác trẻ em, họ không lạ lẫm khi ý niệm về cha – mẹ luôn là một vấn đề của trẻ mồ côi. Nhiều trẻ mồ côi trong các trung tâm bảo trợ xã hội chỉ thôi hỏi người lớn những câu tương tự chỉ tới khi chúng đủ lớn để hiểu.
Có bao nhiêu đứa trẻ như thế? Tôi thú thực mình không biết. Ngày 1/7/2017, khi Luật trẻ em mới của Việt Nam chính thức có hiệu lực, UNICEF phát đi một thông cáo nhấn mạnh “sự quan ngại về những số liệu không xác thực liên quan đến tính chất, mức độ của việc trẻ em chăm sóc trong các cơ sở tập trung”. Các thống kê tại Việt Nam, theo UNICEF, dao động trong khoảng từ 11.365 đến 22.000 trẻ sống ở các trung tâm nuôi dưỡng, là một khoảng dao động quá lớn.
Lần gần nhất con số được thống kê chính xác (năm 2011), thì cứ 200 trẻ em tại Việt Nam lại có 1 bé mồ côi hoặc không nơi nương tựa; có nguy cơ lớn lên cùng những tổn thương lâu dài cả về thể chất và tinh thần. Chúng ta có một vấn đề xã hội chưa được nhìn nhận đủ nhiều.
Mong ước hồn nhiên của lũ trẻ khi bá cổ người lạ nhận làm mẹ, thật ra cũng là một khuyến nghị với xã hội của UNICEF, về việc “tìm kiếm những gia đình cho trẻ em cần được chăm sóc thay thế”. Đó là một mong muốn giản đơn nhưng không phải là một giải pháp dễ dàng, khi nhận con nuôi chưa phải là một thói quen phổ biến trong xã hội Việt Nam.
Nhưng mỗi thành viên của cộng đồng – trong lúc chờ chính phủ thực hiện trách nhiệm - vẫn có đầy đủ lý do và khả năng để cùng giúp lũ trẻ có một cuộc sống tốt hơn. Cho dù nhìn nhận rằng đây là một vấn đề xã hội, hay chỉ nhìn vào đôi mắt của từng đứa trẻ, tôi tin mỗi người sẽ tìm ra cách riêng.
“Cô là mẹ à?”, lại một đứa trẻ khác. Tôi không đủ bản lĩnh để chối từ ánh nhìn trên khuôn mặt Quang. Thằng bé hơn 2 tuổi đang mở to mắt hóng lời hồi đáp, không thèm quẹt chỗ nước mũi chạm tới viền môi. Cảm giác bất lực nhói lên. “Cô có phải mẹ không?”, nó hỏi lại, tưởng người đối diện chưa nghe thấy.
Chẳng cần đợi, thằng bé leo ngay lên ôm cổ khách: “Mẹ ơi con đây nè”.
Đó là một ngày cuối năm, giữa sân một mái ấm. Tết sắp đến, một cái Tết mà đám trẻ nơi này sẽ đón nhận như mọi ngày bình thường. Chúng không có háo hức, chưa từng có một gia đình đúng nghĩa để biết Tết là gì.
Nếu không có Tết, sẽ buồn biết bao! “Sao năm nào cứ đến gần dịp Tết cổ truyền của người Việt thì người ta lại rần rần bàn chuyện bỏ Tết thế các ... |
Ông Chờ nhấp vội chén nước chè sau bữa cơm trưa, rồi vác cuốc ra đồng làm đất. Hôm ấy, các cánh đồng đang đổ ... |