Bị truy nã, vào tù, trốn trại, vào tù, và nghiện nặng, cho đến một ngày, khi đang "hành nghề" ở TP HCM, Lê Thừa Hùng nghe tin đại ca một thời Lê Lam đã từ bỏ giang hồ, quy y cửa Phật. Không tin, Hùng đến tận nơi để tận mắt chứng kiến đàn anh mình chọn con đường thoái ẩn, sống phần đời còn lại chốn thiền môn.
Tôi gặp anh Lê Thừa Hùng, chủ một doanh nghiệp điêu khắc tượng gỗ ở TP HCM năm ngoái. Anh Hùng quê ở Quảng Trị, vì không chịu nổi đòn roi của cha dượng nên từ nhỏ đã nhảy tàu vào Huế đi bụi. Cuộc đời cuốn anh vào con đường lang bạt và sau đó “đầu quân” cho Lê Lam - một đại ca chuyên đòi nợ thuê khét tiếng ở Huế. Dưới trướng của Lam, Hùng thể hiện mình là tay máu lạnh, với những chiến tích rợn người. Anh từng chém đứt lìa cánh tay một thanh niên khi thực thi nhiệm vụ đòi nợ mướn. “Ngày đó mình thật kinh khủng”, anh tự nhận về con người quá khứ của mình.
Bị truy nã, vào tù, trốn trại, vào tù, và nghiện nặng, cho đến một ngày, khi đang "hành nghề" ở TP HCM, Lê Thừa Hùng nghe tin đại ca một thời Lê Lam đã từ bỏ giang hồ, quy y cửa Phật. Không tin, Hùng đến tận nơi để tận mắt chứng kiến đàn anh mình chọn con đường thoái ẩn, sống phần đời còn lại chốn thiền môn.
Một buổi chiều năm 1997, tìm tới chùa Hang ở Hóc Môn, Hùng tự hỏi: "Những kẻ đã làm quá nhiều tội ác như mình liệu có quay đầu được?", "và đâu là bờ?". Hùng bước vào cửa chùa, quyết chí làm lại cuộc đời. Từ chỗ nghiện ngập, Hùng quyết cai. Thành công thoát nghiện, anh học nghề điêu khắc, dành dụm mở xưởng nhỏ, phát triển thành xưởng to. Không chỉ thế, cánh cửa xưởng nghề của Lê Thừa Hùng còn đón chào những thanh niên cơ nhỡ, những người từng lầm lỡ như anh quay đầu, muốn tìm ánh sáng cuộc đời.
"Phóng hạ đầu đao, lập địa thành Phật", tức ngay khi bỏ đao xuống, bỏ tham sân si, là lúc đó tâm người ta chuyển về hướng Phật. Chữ "tu" trong nhà Phật có nghĩa là sửa. Nhưng là sửa gì? Sửa ý - khẩu - thân (suy nghĩ, lời nói và việc làm) trong đời sống hằng ngày. Khi đó, người tu là người sẽ để tâm ý mình trong sạch, lời nói đoan chính và việc làm thiện lành.
Năm 2002, tôi có ý định xuất gia và về chùa An Lạc ở Hội An, Quảng Nam để tập tu. Một tối, thầy tôi hỏi đã sẵn sàng chưa. "Con đã sẵn sàng", tôi nói. Sáng sớm hôm sau, thầy dặn tôi lên chánh điện làm lễ quy y.
Sau khi lễ Phật, thầy cắt nghĩa: quy y tức quay về nương tựa Tam bảo là Phật-Pháp-Tăng. Phật là bậc Giác ngộ, thấy rõ sự thật và không còn dính mắc, Pháp là con đường sáng, là giáo lý giúp mình thoát mê lầm, Tăng là đoàn thể đẹp, cùng nhau đi trên con đường tu tập. Sau đó, thầy cho tôi phát nguyện nhận năm nguyên tắc sống cần giữ gìn, gọi là năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không nghiện ngập. Rồi thầy ân cần dặn, phải biết buông bỏ tham-sân-si, biết nói lời từ ái, tôn trọng sự sống mọi loài, không dính vào sự nghiện ngập. Đi con đường chánh tín, mình sẽ an vui.
Thầy tôi nhắc, cốt lõi của lời Phật dạy là ở giáo lý nhân quả: "Mình nghĩ, nói, làm điều thiện thì mình nhận quả lành, chính mình quyết định cuộc sống của mình chứ Đức Phật không có quyền năng ban cho mình điều gì cũng không trừng phạt ai".
Tôi hiểu và ghi nhận điều đó như hành trang làm người, ngay cả sau khi rời chùa vào lại TP HCM học tập, làm việc suốt nhiều năm qua.
Tâm mình cũng như một mảnh đất, nếu chăm cuốc cỏ, xới vun và gieo những hạt mầm tốt, rồi tiếp tục bón phân, tưới nước thì sẽ thu hoạch được hoa trái tốt đẹp. Đó là chánh tín. Tuy nhiên, nhiều người không đi theo quy trình đúng, không tìm hiểu kỹ, không thích nỗ lực và nhẫn nại mà muốn được ngay. Do vậy, họ luôn cầu cạnh những đối tượng thần quyền. Và đây là nguyên nhân dẫn tới có những nơi, những người lạm dụng ham muốn của số đông mà trục lợi. Người ta gọi đó là một biểu hiện của mê tín, thậm chí tà giáo.
Khi ấy, nhiều kịch bản sẽ được vẽ ra. Ví dụ, cúng một số tiền cho thánh thần hoặc Phật rồi các ngài sẽ làm cho người chi tiền tiêu hết mọi khổ đau, hay nộp tiền thỉnh vong ở cõi âm để giải quyết những việc ở cõi trần. Ngày nay, nhiều nơi đã diễn giải sai lạc ý nghĩa của Phật pháp chân phương, "lái" công chúng theo hướng cầu xin, giải oan, giải hạn với số tiền lớn.
"Y pháp bất y nhân" - Đức Phật đã căn dặn, chiếc áo không làm nên thầy tu, là bởi thầy tu phải được xây dựng từ chất liệu bên trong, có khả năng thực hành tâm linh chứ không phải từ y phục bên ngoài. Người đến cửa chùa vì thế phải tìm hiểu giáo lý, hiểu rồi tin và hành theo, không phải nghe người này, người kia nói rồi vội tin một cách mù quáng.
Niềm tin cũng như một khoản đầu tư. Tin vào người giả sư hay vào nhà sư hướng dẫn mình vào cái "thấy" không đủ chân chính - tà kiến - thì không lợi ích mà còn mất rất nhiều.
Với tính phổ quát của mình, Phật giáo và văn hóa đi chùa có lẽ cần được đưa vào trường học như một môn khoa học, như một môn học tự chọn, để có thêm nhiều người hiểu đúng và làm đúng. Khi công chúng hiểu rõ giá trị giản dị và chân phương của Phật pháp thì những người trục lợi tự khắc không còn đất sống.
Lưu Đình Long
Facebook tiếp tay cho quảng cáo mê tín dị đoan ở VN Những video về hình thức chữa bệnh bằng cách cúng dường oan gia trái chủ được chùa Ba Vàng mua quảng cáo trên Facebook tiếp ... |
Bà Phạm Thị Yến bị nhắc nhở vì hành nghề mê tín dị đoan 10 năm trước Phó ban Phật giáo Quảng Ninh cho biết ông đã nhiều lần làm việc với sư Trụ trì chùa Ba Vàng và bà Phạm Thị ... |
Công an xác minh dấu hiệu mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng Trước những biểu hiện hoạt động mê tín dị đoan ở chùa Ba Vàng, UBND TP Uông Bí giao cơ quan công an xác minh, ... |