Trong khi chờ đợi kịch bản tươi sáng, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại canh cánh nỗi lo mất lũ. Đã có những dấu hiệu rất rõ ràng. Trong những ngày vừa qua, mực nước sông Mekong chảy qua đất 9 rồng đã giảm 10 – 20 cm mỗi ngày ngay trong mùa mưa. Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, tại Vientiane (Lào), mực nước là 0,70m, thấp hơn 5,54m so với trung bình cùng kỳ và 1,36m so với mực nước tối thiểu. Trong ba ngày từ 16 đến 18-7, mực nước tại trạm đo này rút xuống 5,58m.

Ở tỉnh Kratie (Campuchia), nước sông cao 9,31m, thấp hơn 5,4m so với trung bình nhiều năm và nhỉnh hơn một chút (0,16m) so với mức thấp nhất trong lịch sử trước đây.

Bên cạnh đó, mực nước tại tất cả các phụ lưu của sông Mekong cũng ở mức rất thấp. Cộng với lượng mưa ít, tháng 6-2019 chỉ bằng 67% so với trung bình lượng mưa cùng kỳ từ 2006-2018, lượng nước ngầm và nước mặt đều giảm khiến cho khả năng tiếp thêm nước cho dòng sông mẹ rất khó khăn.

mekong can nuoc viet nam chu dong ung pho the nao
Sông Mekong đoạn qua Thái Lan thấp mức kỷ lục trong vòng 100 năm. Ảnh Bangkok Post

Một nhóm dân sự của Thái Lan, mới đây, đặt ra một giả thuyết về những mối liên quan giữa những con đập ở thượng nguồn Mekong với sự suy giảm lượng nước trên dòng sông này đã được nhóm này chỉ ra.

Mực nước sông Mekong ở Thái Lan xuống thấp nhất khi đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc giảm mức xả chỉ còn 500 m3/giây. Khi mức xả lên tới 1000m3/giây, mực nước Mekong có cải thiện nhưng không đáng kể.

Đối với Việt Nam, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo nguồn nước mùa khô năm 2019 cho vùng ĐBSCL đến nay vào khoảng 7.000 m3/giây. Dự báo trong tuần cuối tháng 7, đầu tháng 8, nguồn nước về có khả năng ở mức khoảng 9.000-10.000 m3/giây, thấp hơn cùng thời kỳ mùa khô năm 2018.

Đối với ĐBSCL, tình hình sẽ không được cải thiện nhiều ngay cả trong trường hợp sẽ có mưa vào cuối tháng 7 như dự báo của Trung tâm Khí tượng châu Á. Theo tính toán của chuyên gia Việt Nam, trung bình sông Mekong có tổng lượng nước là 475 tỉ m3. Trong đó, tại khu vực ĐBSCL, lượng mưa tại chỗ chỉ chiếm 11%. Do đó, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc vào lượng nước từ thượng nguồn chảy về. Nói cách khác, mưa xuống chi khiến người dân mưu sinh cùng với sự vơi đầy của con nước Mekong tại ĐBSCL bớt phần nào lo âu.

Dẫu vậy, căng thẳng lượng nước như trên sẽ lặp lại, thậm chí, phải lường tới mức độ khốc liệt hơn do biến đổi khí hậu toàn cầu. Khai thác bền vững dòng sông Mekong không phải là vấn đề mới được đặt ra tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung trong câu chuyện này, vẫn còn nhiều trở ngại.

Trở lại với vấn đề sụt giảm lượng nước Mekong trong những ngày cuối tháng 7 này, trong một phản ứng đầu tiên, Thái Lan đã đề nghị Lào ngưng chảy thử nhà máy Xayaburi. Tất nhiên, không thể đòi hỏi sự đồng tình ngay lập tức từ phía Lào đơn giản bởi Xayaburi nằm trong đại kế hoạch sản xuất thủy điện vừa để cung ứng trong nước, vừa để phục vụ xuất khẩu. Vào thời điểm năm 2011, một vị quan chức ngành năng lượng Lào khi nói về dự án Xayaburi với Bloomberg đã thẳng thắn, “dự án này là cần thiết với một đất nước còn kém phát triển như Lào, chúng tôi không có nguồn thu khác để tăng doanh thu". Vả lại, khi Thái Lan là một khách hàng lớn mua điện từ Lào, đề xuất Lào trì hoãn việc vận hành thử nghiệm dự án Xayaburi có điều gì đó… chưa thuyết phục.

Về phía Thái Lan, đầu năm 2016, dự án tuyến Mê Kông – Huai Luang – Nong Han – Lam Pao cũng đã được Thái Lan với việc xây dựng khoảng 30 hồ chứa gần hợp lưu các sông nhánh với sông Mê Kông để chuyển nước sông Mekong vào trữ tại các hồ chứa.

Tiếp bước Thái Lan, Campuchia cũng xây dựng các công trình chuyển nước phục vụ nông nghiệp, điển hình là dự án tưới Vaico do nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện với mục đích chuyển nước lũ sông Mê Kông qua sông Samdei (một nhánh của sông Mekong) vào trữ tại hồ Krapik (dung tích trữ khoảng 800-1000 triệu m 3) để dẫn nước tưới cho các vùng trồng lúa ở Kampong Cham, Prey Veng và Svey Rieng.

Trong tình thế này, để các nước ngồi lại với nhau và đưa ra một thỏa thuận chung trong việc khai thác dòng Mekong không hề đơn giản.

Thách thức không nhỏ khác nằm ở phía thượng nguồn. Theo số liệu từ các tổ chức phi chính phủ, 8 con đập của Trung Quốc chặn 40 tỷ m3 nước sông Mekong. Quốc gia này lại không thuộc Ủy hội sông Mekong quốc tế, mà thay vào đó, Trung Quốc đề ra cơ chế hợp tác Lancang – Mekong vào năm 2016. Tiếc là, cơ chế này không tập trung vào việc phát triển bền vững sông Mekong.

Rắc rối hơn, bản thân doanh nghiệp Trung Quốc đang là nhà đầu tư của các dự án chặn nước dòng Mekong tại các quốc gia hạ nguồn sông Mekong. Thế đan cài lợi ích càng thêm phức tạp và bài toán nguồn nước sông Mekong lại càng khó tìm lời giải.

Thế nhưng, cách duy nhất ứng phó với vấn đề này lại là đoàn kết. Một Ủy hội sông Mekong đồng lòng nhất trí mới tạo ra tiếng nói đủ sức nặng để thương thảo với đối tác Trung Quốc về việc sử dụng có trách nhiệm nguồn nước sông Mekong.

Trở lại với Việt Nam, không thể phủ nhận thực tế rằng, chúng ta là nước chịu tác động nặng nề nhất trong những biến đổi tiêu cực của sông Mekong. Trong khi chờ đợi kịch bản tươi sáng, khi mà lợi ích về nguồn nước giữa các quốc gia nằm bên dòng Mekong được cân đối hài hòa, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm.

Trước hết, chủ động thích ứng với sự thất thường, bị tác động lớn bởi nhân tố con người trên sông Mekong. Theo đó, việc thường xuyên là xây dựng hợp tác chia sẻ dữ liệu nguồn nước giữa các quốc gia và chủ động quan sát lưu lượng nước sông Mekong để có những biện pháp ứng phó kịp thời. Tính toán những giải pháp trữ nước, tích nước ngọt để phục vụ tưới tiêu cho các vùng canh tác ngọt.

Về lâu dài, phân vùng sản xuất phù hợp với thay đổi độ mặn, ngọt của đất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tương ứng, khuyến cáo và hỗ trợ người dân có biện pháp chuyển đổi trong sản xuất và đời sống. Song song với đó, khuyến khích tạo ra những giống cây trồng có độ chịu mặn cao hơn, sử dụng ít nước hơn và hỗ trợ người dân giải pháp trồng trọt tiết kiệm nước, đã từng được áp dụng thành công ở những nước có sa mạc như Israel.

Quan trọng nhất, những người có trách nhiệm phải có tâm và tầm để không chạy theo tư duy dự án. Đừng để ngàn tỷ đồng đầu tư của nhà nước trở thành lãng phí, trong khi, đời sống của hàng chục triêu nông dân nơi đây vẫn chìm nổi theo nhịp điệu nước về. Chúng ta đã có nhiều bài học và những trải nghiệm cay đắng đó không thể lặp lại. Kim chỉ nam phải là lợi ích lâu dài của người dân ĐBSCL.

mekong can nuoc viet nam chu dong ung pho the nao

EU chi 10 triệu euro bảo tồn động vật hoang dã vùng Mekong

Dự án ưu tiên bảo tồn hổ, voi châu Á, rùa nước ngọt tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

mekong can nuoc viet nam chu dong ung pho the nao

Nỗi lo Trung Quốc kiểm soát nước của người dân hạ nguồn sông Mekong

Các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn là một phần lý do khiến mực nước sông Mekong giảm và chúng cũng gây lo ngại ...

mekong can nuoc viet nam chu dong ung pho the nao

Mekong khô hạn, Thái Lan yêu cầu TQ, Lào, Myamar xả nước

Chính phủ Thái Lan yêu cầu Trung Quốc, Lào, Myanmar xả nước nhiều hơn cho khu vực hạ nguồn sông Mekong.

Khánh Nguyên

/ baodatviet.vn