Tại Quảng Nam và Quảng Ngãi mưa lớn vẫn tiếp diễn, lũ trên các sông lên nhanh, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, các địa phương này đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Tại TP Tâm Kỳ, tỉnh Quảng Nam, chiều 10/10, theo quan sát của PV Báo CAND, mưa xối xả không ngừng trút xuống khiến nhiều đoạn trên các tuyến đường như Hùng Vương, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh,… bị ngập sâu, phương tiện đi lại hết sức khó khăn, nhiều xe máy bị chết máy khi qua đoạn ngập sâu. Khoảng 17h cùng ngày, nhiều khu vực tại TP Tam Kỳ đã bị cúp điện.

1
Đường Hùng Vương, TP Tam Kỳ bị ngập sâu.

Nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập sâu tại nhiều khu vực, khu dân cư ở các địa phương như Đại Lộc, Duy Xuyên, các vùng trũng thấp tại TP Tam Kỳ…

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết, đến 16h30 ngày 10/10, mưa lũ, sạt lở đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị chia cắt, cô lập nhiều khu vực.

Trong đó, QL14G bị tắc đường tại Km38+40, Km32+650 (cầu Sông Vàng, huyện Đông Giang), QL14D đoạn qua xã Tà Bhing, huyện Nam Giang tắc đường tại Km18+100 do sạt lở đất, đá; QL14H qua địa bàn TP Hội An, các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn bị tắc đường nhiều vị trí do nước và đất chảy tràn mặt đường… Các tuyến tỉnh lộ như ĐT609, ĐT611, ĐT6015, ĐT617… cũng bị lũ ngập sâu, chia cắt.

2
Đất đá và nước từ trên núi đổ về tràn trên QL14B đoạn qua xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia đang lên nhanh, trên sông Thu Bồn và Tam Kỳ đang lên. Trong 6-24h tới, lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa tiếp tục lên ở mức báo động (BĐ) III sau đó giảm dần; trên sông Thu Bồn khả năng lên mức BĐ II đến trên BĐ II; trên sông Tam Kỳ khả năng lên ở mức BĐI đến BĐ II. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt sâu những vùng trũng thấp, ven sông suối tại TP Tam Kỳ, TP Hội An, thị xã Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình và thị trấn Núi Thành.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Công an tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chủ động phương án phòng, chống, chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh; chú ý an toàn cho cán bộ chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ, đi lại; hướng dẫn, điều tiết giao thông, hỗ trợ giúp đỡ nhân dân trong lũ lụt…

Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn khiến nước lũ lên nhanh đã gây ngập sâu tại nhiều tuyến đường ở các huyện Nghĩa Hành, Trà Bồng, Sơn Hà… Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều 10/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện khẩn, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện thị xã, thành phố theo thực tế, các địa phương đang có mưa, lũ diễn biến phức tạp tạm hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung vào công tác phòng, chống mưa, lũ từ 17h ngày 10/10.

Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn (theo phương châm “4 tại chỗ” đã được phê duyệt trong phương án của địa phương, đơn vị).

Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; khu dân cư vùng trũng, thấp thường xuyên bị ngập sâu thuộc các xã ven sông Vệ, Trà Câu, Phước Giang, Thoa tại các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ.

3
Nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt. Ảnh: B.Đ

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vũ trang tại địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai công tác ứng phó mưa lũ và sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương và người dân khi có yêu cầu.

Sở GD&ĐT tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trước, trong và sau lũ; chủ động thông báo cho các cơ sở giáo dục cho giáo viên, học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng, đặc biệt là các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất.

Ngọc Thi / CAND