So với lúc mới thông xe toàn tuyến, tiền thu phí mỗi ngày của cao tốc nối TP HCM - Đồng Nai đã tăng từ 1,5 tỷ lên gấp đôi.

Sau vụ cướp tấn công trạm thu phí Dầu Giây lấy hơn 2,2 tỷ trong tổng số 3,23 có trong két sắt vào đầu năm Kỷ Hợi, nhiều nghi ngờ về tính minh bạch của việc thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được đặt ra khi số tiền mặt bị chiếm đoạt được cho là quá lớn so với một ca trực.

Cụ thể, trong một ca (8 giờ), trạm thu phí này thu được hơn 3 tỷ đồng, vậy với 3 ca mỗi ngày, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có thể thu được số tiền lên đến hơn 9 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo sơ bộ 2018 của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), doanh thu thu phí là 1.100 tỷ đồng, trung bình một ngày công ty thu hơn 3 tỷ đồng.

Trước nghi vấn này, VEC đã có văn bản nhằm làm rõ nghi ngờ về tính minh bạch. Theo đơn vị này, số tiền hơn 3,2 tỷ đồng trong két sắt là tổng thu của 8 ca trực chứ không phải là một ca; bao gồm doanh thu của 2 ca ngày 4/2, 3 ca ngày 5/2 và 3 ca ngày 6/2. Ngoài ra, còn có tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ phục vụ 10 ngày tết do ngân hàng không đổi tiền lẻ trong suốt dịp Tết. Còn đối với ca 3 ngày 7/2, trước lúc bị cướp chỉ thu được khoảng hơn 300 triệu đồng. Số tiền thực tế còn lại được kiểm đếm sau vụ cướp là hơn một tỷ đồng.

VEC ngừng bán vé thủ công để chuyển sang tổ chức thu phí kín có kiểm soát đầu vào và đầu ra thông qua hệ thống thẻ điện tử từ giữa tháng 5/2017. Biểu phí mỗi lượt dao động 40.000-380.000 đồng, tùy theo quãng đường và loại phương tiện.

Công việc thu phí chia làm 3 ca mỗi ngày. Sau đó, nhân viên ngân hàng trực tiếp đến thu tiền tại các trạm định kỳ một lần cho mỗi ngày thường và hai lần đối với dịp lễ Tết, hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty.

Báo cáo tài chính năm 2015 của VEC ghi nhận doanh thu thu phí cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hơn 565 tỷ đồng, chiếm hơn 33% doanh thu. Ước tính trong năm đầu tiên thông xe toàn tuyến, cao tốc nay thu bình quân mỗi ngày hơn 1,5 tỷ đồng.

Với hơn 13,13 triệu lượt phương tiện lưu thông trong năm tiếp theo, doanh thu toàn tuyến tăng vọt lên 783 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày khoảng 2,1 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn, chi phí phân bổ và quản lý, cao tốc này đóng góp gần 700 tỷ đồng lợi nhuận cho công ty mẹ.

Hoạt động của tuyến cao tốc này tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong năm 2017 khi có 971 tỷ đồng doanh thu thu phí được ghi nhận, tương ứng 2,57 tỷ đồng mỗi ngày. Bình quân mỗi lượt phương tiện qua tuyến đường này trả hơn 66.400 đồng.

Theo báo cáo mới nhất của VEC về tình hình hoạt động của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường này tiếp nhận hơn 14,7 triệu lượt phương tiện trong năm 2018 và mang về doanh thu 1.100 tỷ đồng. Bình quân tiền thu được của cao tốc và tiền tài xế phải trả khi qua trạm cũng đồng loạt tăng, lần lượt là 3 tỷ đồng mỗi ngày và 74.800 đồng mỗi lượt.

Sau bốn năm đưa vào khai thác, ban lãnh đạo VEC cho hay, mỗi ngày đêm tuyến cao tốc này phục vụ trên 40.000 lượt phương tiện. Riêng trong những ngày cuối kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2019, con số này lên đến 57.300 lượt. Đây là tuyến đường chỉ xếp sau cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình về lưu lượng phương tiện tiếp nhận trong số các tuyến đường doanh nghiệp này đang khai thác.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009 với quy mô bốn làn xe, dài hơn 55 km có điểm đầu tại quận 2 (TP HCM) và kết thúc tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Tổng vốn đầu tư dự án là 20.630 tỷ đồng, trong đó có sự tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.

Dự án được trích khấu hao tài sản cố định từ năm 2016 theo tỷ lệ tương ứng với doanh thu và đảm bảo phù hợp thời gian thu phí hoàn vốn trong vòng 25 năm.

Phương Đông

moi ngay cao toc long thanh dau giay thu bao nhieu tien Nghi ngờ doanh thu ‘khủng’, VEC lần đầu hé lộ quy trình thu phí

VEC hé lộ công tác thu phí cũng như quy trình giám sát thu phí trên các tuyến đường cao tốc sau khi mạng xã ...

/ VnExpress