Đang rất được mong chờ, cuộc tranh luận giữa ông Mike Pence và bà Kamala Harris được đánh giá là không giống bất cứ cuộc tranh luận Phó Tổng thống Mỹ nào trước đây, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump nhiễm COVID-19.

Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Mike Pence (phải) và Thượng nghị sĩ Kamala Harris. (Ảnh: AP)

Các biện pháp phòng ngừa COVID-19 sẽ được thực hiện nghiêm ngặt hơn so với cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden hồi tuần trước. Hai ứng viên sẽ đứng cách nhau 3,7 mét thay vì 2,2 mét như kế hoạch ban đầu, và được ngăn cách với nhau bằng tấm chắn thủy tinh trong suốt cuộc tranh luận. Ngoài ra, sẽ không có quá 200 người được ngồi trong Hội trường Kingsbury của Đại học Utah và bất cứ ai có mặt tại hội trường đều phải đeo khẩu trang, trừ các ứng viên và người điều phối.

Trong lịch sử Mỹ, các cuộc tranh luận Phó Tổng thống thường không thu hút nhiều chú ý như các cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống. Theo công ty xếp hạng truyền hình Nielsen, cuộc tranh luận năm 2016 giữa ông Pence và Thượng nghị sĩ Tim Kaine chỉ thu hút 37 triệu người xem. Cuộc tranh luận đầy gián đoạn vào tuần trước giữa ông Trump và ông Biden đã thu hút khoảng 73,1 triệu người.

Tuy nhiên, năm nay, sự kịch tính của chiến dịch tranh cử được lại được nhiều người theo dõi, đặc biệt là về cách mà các đối thủ sẽ đối đầu với nhau như thế nào. Do vậy, cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Phó Tổng thống lần này dự kiến ​​sẽ rất “nóng” và có thể sẽ tác động lớn đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

John Hudak, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Washington, hôm 5/10 cho rằng phiên tranh luận Pence – Harris sẽ là "quan trọng nhất của loại hình này kể từ khi các cuộc tranh luận ứng viên Phó Tổng thống bắt đầu 40 năm trước, nhất là khi Tổng thống Donald Trump bị nhiễm COVID-19 - điều làm cả nước Mỹ “thức tỉnh” về vai trò của Phó Tổng thống.

Patrick Cronin, Chủ tịch Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Hudson ở Washington, cho biết cuộc tranh luận sẽ là cơ hội duy nhất để nghe quan điểm của hai ứng viên về các chủ đề quan trọng.

“Cả ông Pence và bà Harris cần phải chứng tỏ năng lực của mình để trấn an cử tri và thế giới, thậm chí là về việc sẵn sàng tiếp quản vị trí Tổng thống Mỹ nếu cần thiết. Điều đó ít nhất sẽ làm tăng thời gian để nghe câu trả lời của họ cho các câu hỏi về nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong và ngoài nước”, ông Cronin cho hay, đồng thời phân tích rằng “bà Harris có cơ hội tuyệt vời để chứng tỏ sự thông minh và cứng rắn”, còn ông Pence “có cơ hội để thể hiện một số sắc thái và lòng trắc ẩn ... tính nhân văn và sự khiêm tốn".

Ông Pence được coi là một trong những người ủng hộ quan điểm chống Trung Quốc của chính quyền Trump. “Trung Quốc đã sử dụng một loạt các chính sách không phù hợp với thương mại tự do và công bằng, bao gồm thuế quan, thao túng tiền tệ, chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp, xây dựng cơ sở sản xuất của mình ‘bằng cái giá của các đối thủ cạnh tranh - đặc biệt là Mỹ’”, ông Pence phát biểu tại Viện Hudson hồi tháng 10-2018.

“Ông Pence sẽ sử dụng các quan điểm của chính quyền hiện tại về Trung Quốc và cố gắng miêu tả cặp đối thủ Biden-Harris là những người yếu thế. Bà Harris có thể đối phó bằng cách cho thấy chiến lược tốt nhất của Mỹ là chiến lược có mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được, tập hợp sự thống nhất thay vì phân tán đồng minh”, chuyên gia Patrick Cronin nhận định.

Về phần mình, Edward Alden, thành viên cấp cao tại Hội đồng tư vấn về Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, kỳ vọng hai ứng cử viên sẽ vẽ nên những bức tranh khác nhau về sự phát triển quan hệ với Trung Quốc.

"Ông Pence sẽ lập luận rằng chính chính sách của chính quyền Trump đã giúp thế giới nhận ra 'mối đe dọa từ Trung Quốc', chẳng hạn như việc nhiều đồng minh ngày càng sẵn sàng theo sát sự dẫn dắt của Washington về việc cấm hãng công nghệ Trung Quốc”, Edward Alden nói, đồng thời cho rằng “bà Harris có thể sẽ lập luận rằng chính quyền đã tự bắn vào chân mình bằng cách chống lại các cuộc chiến thương mại với châu Âu, Nhật Bản, Canada, Mexico và những nước khác thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc”.

“Về mặt đối ngoại, tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ là bên quan tâm nhất. Câu hỏi lớn ở đây là chính quyền Biden sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào đối với mối quan hệ Mỹ-Trung. Tôi thực sự nghĩ rằng sự khác biệt là không rõ ràng… Một chính quyền Biden sẽ dễ dự đoán hơn chính quyền Trump, nhưng sự chuyển dịch cơ bản từ mối quan hệ hợp tác sang mối quan hệ đối đầu hơn dường như chắc chắn sẽ tiếp tục”, chuyên gia Alden nhận định thêm.

Bonnie Glaser, Cố vấn cấp cao về châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết Trung Quốc sẽ là vấn đề trọng tâm nếu các câu hỏi về chính sách đối ngoại được đặt ra tại cuộc tranh luận tối 7/10, trong đó bà Harris sẽ tìm ra sự khác biệt bất lợi hiện nay trong cách tiếp cận với Bắc Kinh để trình bày các cách hiệu quả để thúc đẩy lợi ích của Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia Glaser bày tỏ hy vọng rằng “các vấn đề trong nước sẽ chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận Phó Tổng thống, trong đó chắc chắn sẽ có cuộc thảo luận về COVID-19”.

Trung Quốc: Chủ đề Trung Quốc: Chủ đề "đinh" trong tranh luận Phó Tổng thống Mỹ
Có gì đáng chú ý trong buổi tranh luận Phó Tổng thống Mỹ? Có gì đáng chú ý trong buổi tranh luận Phó Tổng thống Mỹ?
Buổi tranh luận Phó tổng thống Mỹ phòng chống Covid-19 ra sao? Buổi tranh luận Phó tổng thống Mỹ phòng chống Covid-19 ra sao?

/ cand.com.vn