Ở nước mình trước nay chả mấy ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai cả, ngay cả ông đương nhiệm còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, hàng chục năm qua Nhà nước đã chi khoảng 20% ngân sách cho giáo dục mỗi năm, chưa kể đến nguồn kinh phí xã hội chi trả cho các dịch vụ giáo dục là không hề nhỏ.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận về giáo dục, vẫn còn nhiều bất cập và rào cản đến từ cơ chế, chính sách, đặc biệt là hiệu quả đầu tư cho giáo dục, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục còn nhiều vấn đề phải bàn.

Xoay quanh việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới thôi cũng cho thấy rất nhiều vấn đề.

Với tư cách một cử tri quan tâm đến giáo dục, hôm nay chúng tôi xin được nêu mấy vấn đề lớn về cách làm và cách tiêu tiền ngân sách cho chương trình sách giáo khoa, ngõ hầu cung cấp thêm thông tin cho quý Đại biểu Quốc hội giám sát, làm sao để hạn chế được tối đa những lãng phí trong đầu tư giáo dục.

Lãng phí trong kinh tế có thể chỉ gây thiệt hại nhất thời với con số nhất định, nhưng lãng phí trong giáo dục không chỉ mất tiền, mà có thể đánh mất cả tương lai.

1. Chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã tiêu hết bao nhiêu tiền và được Bộ làm cẩu thả như thế nào?

Theo nhà văn Vũ Ngọc Tiến, người đấu tranh không khoan nhượng với các vấn đề tiêu cực trong giáo dục suốt chục năm trời, việc làm sách Chương trình năm 2000 tốn hàng ngàn tỉ mà kết quả sách chưa làm xong đã phải thay.

mong quoc hoi giam sat lam ro hang ngan ti lam chuong trinh sach giao khoa

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình một số vấn đề thắc mắc của Đại biểu Quốc hội, ảnh: quochoi.vn.

Ông Tiến cho biết, chương trình và sách giáo khoa hiện hành được biên soạn theo các dự án vay vốn ODA:

Dự án “Đổi mới chương trình sách giáo khoa tiểu học” trị giá 77 triệu USD do Thứ trưởng Lê Vũ Hùng (đã mất) quản lý;

Dự án “Đổi mới chương trình trung học cơ sở” trị giá 71,5 triệu USD do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng quản lý.

Đi theo là các dự án “con” như “Bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới của trường tiểu học” trị giá 145 triệu USD do Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai phụ trách;

Dự án “Bồi dưỡng giáo viên dạy theo cách mới của trung học cơ sở” trị giá 35 triệu USD do nguyên Thứ truởng Nguyễn Tấn Phát phụ trách. [1]

Để phục vụ đổi mới chương trình - sách giáo khoa (chương trình hiện hành), phóng sự điều tra của Báo Công an Nhân dân ngày 03/10/2005 cho biết:

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thì dự kiến tổng kinh phí đầu tư cho thiết bị dạy học từ năm 2002 - 2007 là hơn 14 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD. [2]

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã có một loạt bài phanh phui về dự án mua sắm thiết bị dạy học đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ, nhưng cuối cùng mọi việc cũng không đi đến đâu.

Còn chính những người trong cuộc nói gì?

Tiến sĩ Nguyễn Huy Đoan, chủ biên và tác giả của một số sách giáo khoa toán bậc trung học được Báo Thanh Niên dẫn lời kể lại:

“Làm sách theo dự án, có một lượng tiền khá lớn dùng cho việc đào tạo cán bộ, tức là những người viết sách.

Nhưng khi viết sách giáo khoa hiện hành đã xảy ra tình trạng thế này: viết xong xuôi đâu đấy rồi mới cho đi nước ngoài học, đào tạo vuốt đuôi.

Không chỉ có một đoàn mà đến mấy đoàn, đoàn thì đi Đức, đoàn đi Thụy Điển… Người ta kháo nhau: chủ yếu là để tiện giải ngân tiền dự án mà thôi”.

Yếu tố "chủ yếu để giải ngân tiền dự án" có thể tìm thấy qua "quy trình ngược" của chương trình, sách giáo khoa hiện hành:

Viết sách giáo khoa trước, viết chương trình tổng thể sau để hợp thức hóa, như chia sẻ của Giáo sư Trần Đình Sử - Tổng chủ biên sách giáo khoa môn ngữ văn, với báo Thanh Niên:

"Nhờ sách giáo khoa mà có chương trình chuẩn. Tức chương trình đó không có tác dụng chỉ đạo gì cả mà chỉ có tác dụng hợp thức hóa quy trình làm chương trình - biên soạn sách giáo khoa.

Họ làm rất cơ giới, họ chỉ ghép lại trong một cái khung bao gồm 12 năm. Họ thấy tác giả nào xuất hiện nhiều quá thì bớt đi, đưa tác giả khác vào."

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Đoan:

“Sau khi hoàn thiện sách giáo khoa, đem ra giảng dạy, thậm chí đã giảng dạy đại trà rồi thì Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới được Bộ giao nhiệm vụ “xâu lại”... chương trình của 3 cấp với nhau.

Đấy là việc làm đã rồi chứ không phải việc làm khoa học”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên sách giáo khoa tiếng Việt - ngữ Văn từ lớp 2 đến lớp 9 của chương trình hiện hành được Báo Thanh Niên dẫn lời thuật lại quá trình làm sách giáo khoa hiện hành:

“Tiền đổ vào các khâu nào đó có thể lớn nhưng tiền thù lao cho các tác giả, thành viên hội đồng thẩm định rất ít”.

Ông Thuyết lấy ví dụ, một phó giáo sư được giao viết 2 tiết khái quát về văn học Việt Nam. Người này đã phải sửa đi sửa lại bài viết tới 6 lần trong khi thù lao (khoảng năm 2005 - 2006) là 300.000 đồng/tiết.

Cũng theo Giáo sư Thuyết, do quy định máy móc về kinh phí nên hội đồng nào thẩm định càng kỹ, hội đồng đó càng… thiệt về kinh phí.

“Bộ sách giáo khoa trung học phổ thông ngữ văn chúng tôi thẩm định đến 3 vòng trong khi tiền chỉ chi cho 2 vòng.

Thế nên mới có thảm cảnh các ủy viên hội đồng thẩm định phải nằm nghỉ trưa trên băng ghế ngoài hành lang vì không có kinh phí thuê phòng nghỉ.

Trong đó có những người ngót nghét 80 tuổi như Phó giáo sư Bùi Duy Tân ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, thù lao thẩm định chỉ được 100.000 đồng/ngày thì cụ Tân đi taxi mất 80.000 đồng/lượt”, ông Thuyết ngậm ngùi.

Giáo sư Trần Đình Sử, cũng nhận định: do những chương trình này làm theo dự án, họ chỉ cần đủ chứng từ để giải ngân. Họ không quan tâm đến nội dung chương trình.

“Toàn bộ chương trình tôi làm gồm 8 người do tôi điều hành, tổng số tiền chúng tôi được 30 triệu đồng, chia ra tức mỗi người được 4 triệu đồng thôi”, Giáo sư Trần Đình Sử kể. [3]

Chuyện đổi mới giáo dục bằng dự án kiểu này cũng đã từng đến tai một Đại biểu Quốc hội nổi tiếng cương trực - ông Nguyễn Đức Dũng.

Đại biểu Dũng đã chất vấn thẳng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó - ông Nguyễn Minh Hiển, rằng:

“Việc chuyên gia trong các dự án giáo dục được trả 12.000-15.000 USD/tháng/người (tương đương 200 triệu đồng) trong khi lương tháng của một công chức bình thường chỉ khoảng 1 triệu đồng, Bộ trưởng có biết?

Bây giờ ngành giáo dục đi làm dự án là chủ yếu, quản lý dự án chứ không quản lý giáo dục, đúng không?” [4]

Phần Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nguyễn Đức Dũng không đúng trọng tâm câu hỏi, và còn thêm vào một số từ ông Dũng cho rằng "rất nhạy cảm và dễ kích động" để biện minh cho tuyên bố:

"Nếu được, tôi đã khước từ trả lời đồng chí Nguyễn Đức Dũng". [5]

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng đã đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời điều tra chất lượng giáo dục, nhưng việc này đã không diễn ra. [6] [7]

Sau đó không ai nhắc đến việc này nữa. Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển về hưu, và xin đi du học ở Anh mấy tháng bằng tiền ngân sách của Đề án 322 khiến dư luận bức xúc.

Sau này Thủ tướng phải chỉ đạo ông Hiển hoàn trả khoản tiền nói trên cho ngân sách nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có 4 lần tổng kết chương trình – sách giáo khoa hiện hành, nhưng chỉ tổng kết chuyên môn.

Không ai tổng kết việc này đã ngốn hết bao nhiêu ngàn tỷ ngân sách và tuổi thọ của chương trình, sách giáo khoa hiện hành sao lại “yểu mệnh” thế, chưa kịp mới đã cũ? [8]

Đây có phải là một sự lãng phí khủng khiếp trong giáo dục, lợi dụng chiến lược giáo dục là quốc sách hàng đầu và sự quan tâm, ưu ái hết mức của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cho giáo dục để làm dự án?

2. Chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ tiêu hết bao nhiêu tiền, và sẽ dùng ổn định trong bao nhiêu năm?

Sau lần xin 70 ngàn tỉ làm chương trình, sách giáo khoa mới năm 2011 không thành, tháng 4/2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo rút xuống 34 ngàn tỉ.

Con số này vẫn bị Quốc hội bác và dư luận phản ứng gay gắt. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin rút tờ trình.

Đúng ngày 20/11/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại trình Quốc hội Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, xin kinh phí 462 tỉ. [9]

Sau đó, trong khi Chính phủ đã duyệt 778,8 tỷ đồng theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối cùng Bộ lại xin đi vay 77 triệu đô la vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, và ngân sách nhà nước phải chi thêm 3 triệu đô la vốn đối ứng là 80 triệu đô la tất cả.

Tính theo tỉ giá thời điểm đó, 80 triệu đô la Mỹ tương đương 1819 tỉ đồng, nhiều gấp đôi con số được duyệt.

Đi kèm đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này còn đề án bồi dưỡng đào tạo giáo viên 100 triệu USD vay Ngân hàng thế giới [10]; Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình mới.

Vậy cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo định xin bao nhiêu tiền để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới?

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cam kết trước Quốc hội và nhân dân cả nước, với bằng đó tiền ngân sách, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng ổn định, liên tục trong bao nhiêu năm?

Sở dĩ phải đặt câu hỏi này không chỉ vì bài học nhãn tiền từ việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa năm 2000 (chương trình hiện hành);

Mà ngay bản thân Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông để vay 77 triệu USD của Ngân hàng Thế giới đã tiềm ẩn nguy cơ tuổi thọ chương trình - sách giáo khoa được sắp đặt cho đúng vòng đời dự án.

Trong đề án Chính phủ trình Quốc hội để xin ban hành Nghị quyết 88, Bộ Giáo dục khẳng định "các nước tiên tiến trên thế giới chương trình giáo dục phổ thông chỉ duy trì trong khoảng 5-7 năm".

Điều này được (nguyên) Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định [11], Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Nguyễn Minh Thuyết xác nhận lại rõ ràng [12].

Trong 4 thành phần Dự án vay 77 triệu USD của Ngân hàng thế giới và đối ứng 3 triệu USD, Thành phần 3:

Đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải cách chương trình và chính sách giáo dục phổ thông

dự kiến tiêu 37,545 triệu USD. [13]

Vậy phải chăng đây là kẽ hở để các nhà dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên sửa sách, làm lại sách giáo khoa sau mỗi chu kỳ dự án kết thúc?

Điều này có mâu thuẫn với Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành, quy định chương trình và sách giáo khoa phải được sử dụng "ổn định, thống nhất" trên cả nước?

Rất mong Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ cho các cử tri được biết, “các nước tiên tiến cứ 5-7 năm thay chương trình một lần” là các quốc gia nào?

Khái niệm "chương trình" và "sách giáo khoa" cũng như quy trình làm và kinh phí của họ là bao nhiêu?

Có nước "tiên tiến" nào trên thế giới này cứ 5-7 năm lại tiêu tốn hàng trăm triệu đô la Mỹ để làm chương trình, sách giáo khoa mới hay không?

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chương trình - sách giáo khoa mới thất bại, hoặc “cơ bản thành công nhưng phải làm lại” như chương trình - sách giáo khoa hiện hành?

Sở dĩ phải đặt những câu hỏi này là vì, ngay Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông Tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng không biết chắc chương trình - sách giáo khoa mới sẽ “thọ” bao nhiêu năm.

Thầy Thuyết cho hay:

"Tôi tin rằng đường hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có “vòng đời” dài hơn so với những lần thay đổi trước đó.

Còn về chi tiết thì chương trình phải thường xuyên cập nhật với cuộc sống để có những điều chỉnh cho phù hợp.” [14]

Như vậy có thể thấy các nhà biên soạn chương trình vẫn chưa xác định được đâu là cái "bất biến" để giúp học sinh thích nghi và phát triển trong cái "vạn biến" của thời cuộc, nhất là khoa học công nghệ.

Thậm chí cái "vạn biến" ấy có thể trở thành lý do rất tốt để các nhà dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo tranh thủ lập các dự án mới.

Nói nôm na, việc này cũng giống như chạy theo công nghệ thì vay tiền mua xong chiếc iPhone 6, iPhone 8 đã ra đời, trong khi nhu cầu cũng chỉ có nghe gọi, lướt web.

Khi chương trình "thường xuyên phải cập nhật", liệu có dẫn đến tình trạng "thường xuyên chỉnh sửa sách giáo khoa" còn nhân dân năm nào cũng phải bỏ tiền mua sách mới cho con em mình?

Điều này sẽ tác động thế nào đến ngân sách và có làm phiền người dân hay không?

Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu đề án thay chương trình, sách giáo khoa thất bại?

Nên chăng làm rõ những vấn đề này ngay từ đầu, kẻo để khi “ván đã đóng thuyền” sẽ không ai chịu trách nhiệm, như chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã cảnh báo năm 2014 khi bàn về Đề án 34 ngàn tỷ của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thay đổi chương trình, sách giáo khoa:

"Ở nước mình trước nay chả mấy ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai cả, ngay cả ông đương nhiệm còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!" [15]

Như vậy vấn đề không chỉ nằm ở số tiền ngân sách phải chi cho việc thay chương trình, sách giáo khoa, mà quan trọng hơn là cách tiêu tiền làm chương trình, sách giáo khoa và hiệu quả của nó rõ ràng đang có nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng lâu dài đến giáo dục nước nhà.

Những đổi mới theo cách dự án chồng dự án không phải chuyện mới xảy ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đang phải rất vất vả để thay đổi.

Bởi vậy, thiết nghĩ việc Quốc hội vào cuộc giám sát, làm rõ dòng tiền đầu tư cho giáo dục chảy về đâu và hiệu quả ra sao sẽ giúp ích cho Bộ trưởng rất nhiều trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tìm ra các hướng đi mới hiệu quả mà không lãng phí hàng ngàn tỉ.

/ Theo Hồng Thủy/Giáo dục Việt Nam