"Em quá ngọt ngào và không dành cho anh" hay "Nghe nói anh đã kết hôn" là những dòng chữ dán cạnh kỷ vật bày trong bảo tàng Mr. Lovelorn.
Tháng 12 năm ngoái, bảo tàng Mr. Lovelorn ra đời ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) trưng bày kỷ vật tình yêu của những người thất tình, kèm câu chuyện về chúng. Nơi này lập tức thu hút lượng lớn khách đến chụp ảnh, quay video. Công ty chủ quản nhanh chóng mở thêm bảo tàng tại 20 thành phố khác, gồm Bắc Kinh và Thiên Tân.
Khách tham quan đọc tâm sự về những mối tình tan vỡ. Ảnh: Rednet. |
Zhu Zhaowei, giám đốc công ty tiết lộ, anh đồng cảm với những bạn trẻ đang mất hương phướng sau cuộc chia tay và muốn tạo một không gian để họ giãi bày.
Tại bảo tàng Mr. Lovelorn ở Quảng Châu, một chiếc bật lửa, túi xách, máy massage mặt, ốp điện thoại nằm trong số những vật dụng được trưng bày - bên cạnh những dòng chia sẻ. "Em quá ngọt ngào đối với anh và không dành cho anh" là dòng chữ dán cạnh chiếc móc chìa khóa sờn cũ. Một câu nói khác: "Thực lòng, em không thích anh lắm khi anh ngỏ lời mời hẹn hò, nhưng em đã dần xiêu lòng".
Đọc những dòng trên, một cặp đôi ngoài 20 tuổi có phản ứng trái ngược nhau. Cô gái phá lên cười, còn chàng trai lại có vẻ không thoải mái.
Một khách nữ khác ghé bảo tàng cùng bạn thân nói: "Chẳng có gì khiến tôi hứng thú như những câu chuyện tình của người khác".
Chiếc váy cưới chưa kịp mặc của một người gửi trong bảo tàng. Ảnh: Weibo. |
Không phải khách tham quan nào cũng vui vẻ. Một người cho rằng vé vào cửa giá 30 nhân dân tệ (khoảng 100.000 đồng) là đắt đỏ. "Nội dung quá nông, bạn chẳng cần tốn quá 5 phút để xem hết một vòng", cô nói.
Zhu kể bảo tàng của anh lấy cảm hứng từ Bảo tàng của Những cuộc tình tan vỡ ở thủ đô Zagreb, Croatia. Anh từng đến buổi triển lãm di động của bảo tàng này ở Thượng Hải vào năm 2018.
"Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng phần lớn chỉ nói về những người ở nước ngoài và thiếu cảm giác thực với khách tham quan Trung Quốc", anh nói. Điều này thôi thúc anh mở ra một phiên bản Trung Quốc nhưng nó không có mối liên quan nào với phiên bản Croatia.
Hiện mối lo của Zhu là cuộc đua với những bản sao của Mr. Lovelorn khắp Trung Quốc với lối trưng bày và giá vé tương tự. Thông thường, khi một mô hình thành công, nhiều đối thủ sẽ chạy đua để cạnh tranh với họ. Khi cơn sốt nguội đi, khách tham quan lại đổ xô tới nơi khác. Câu hỏi đặt ra cho các công ty và chủ doanh nghiệp, mà ngay cả Zhu cũng đau đáu, là làm sao để giữ sức hút với khách.
Zhu thừa nhận tình hình hiện nay không quá thoải mái và nói rằng mô hình kinh doanh của anh không thể được cấp giấy chứng nhận độc quyền. Dù đăng ký thương hiệu Mr. Lovelorn, anh không thể ngăn những người khác sao chép ý tưởng. Ít nhất một đối thủ tuyên bố họ đã thành lập bảo tàng trước khi mô hình của Zhu ra đời.
Phòng vô cực là một góc cho khách "sống ảo" bên cạnh những không gian trầm buồn trong bảo tàng. Ảnh: China News. |
Câu chuyện này đã xảy ra nhiều lần tại Trung Quốc. Một doanh nhân sở hữu chuỗi nhà hàng tại Thượng Hải nói rằng những cơ sở kinh doanh của anh bị cạnh tranh khốc liệt. "Không quan trọng ai là người đầu tiên nảy ra ý tưởng. Nhiều nhà hàng cạnh tranh nhau là điều tốt cho khách hàng, dù cho họ có lấn át người đầu tiên", ông chủ này nói.
Zhu cho rằng cơn sốt bảo tàng chia tay có thể lụi tàn trong vài tháng. Công ty anh dự định nhân thời gian này để củng cố hệ thống bảo tàng, với hy vọng mối quan tâm của công chúng với những mảnh tình dang dở sẽ dài lâu hơn một thú vui thoáng qua.
Bảo Ngọc (Theo Nikki)