Tổng thống Mỹ Donald Trump ghi điểm ấn tượng, giữa áp lực tứ bề, từ nội bộ trong nước, mạng xã hội cho đến cuộc đối đầu với Trung Quốc và gần đây là Berlin.
Những con số kỳ diệu thổi bùng lên hy vọng nước Mỹ sẽ hồi phục nhanh. TT Donald Trump ghi điểm giữa áp lực từ nội bộ trong nước, mạng xã hội cho đến cuộc đối đầu với Trung Quốc và gần đây là Berlin.
Một ngày chưa từng có
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua đã có một cú bứt phá hiếm có. Chỉ số Dow Jones có lúc tăng 1.000 điểm, vượt mốc 27.330, trước khi đóng cửa ở với mức tăng gần 830 điểm (+3,15%) lên 27.111 điểm.
Mỹ ghi nhận thêm một tuần tăng mạnh. Tính chung từ đáy hôm 23/3, chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 đã tăng hơn 45% và chỉ còn thấp hơn 6,5% so với đỉnh cao mọi thời đại xác lập hôm 19/2, trong khi đó chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 47%, chỉ còn kém đỉnh 1%.
Chứng khoán Mỹ tăng dữ dội ngay giữa lúc nước Mỹ đang đối mặt với nhiều bất ổn xã hội, từ đại dịch Covid-19 còn tiếp diễn cho tới những cuộc biểu tình trên khắp đất nước sau vụ người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết.
Trên CNBC, Trưởng bộ phận chiến lược tại TD Ameritrade JJ Kinahan cho rằng, các nhà đầu tư đã có “một ngày không thể tin nổi”.
Chứng khoán Mỹ hồi phục ấn tượng trở lại. |
Chứng khoán Mỹ bứt phá đi lên nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư bất chấp chưa có nhiều báo cáo lợi nhuận nào củng cố cho điều này. Tất cả những điều tốt đẹp đến từ những con số việc làm của nước Mỹ.
Đêm 5/6, báo cáo việc làm cho thấy, các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo ra 2,5 triệu việc làm trong tháng 5. Đây là mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận ở Mỹ. Nó giúp giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp tại nước này xuống chỉ còn 13,3%.
Đây là một diễn biến bất ngờ bởi tháng 5 vẫn là tháng mà phần lớn thời gian các bang của nước Mỹ còn đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Trước đó, các ước đoán cho rằng, nước Mỹ sẽ chứng kiến thêm 8 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên 20%, mức cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1930.
Con số 2,5 triệu việc làm được tạo ra trong một tháng 5 đầy khó khăn đã ngay lập tức làm dấy lên hy vọng kinh tế số 1 thế giới bắt đầu phục hồi trở lại từ đại dịch Covid-19. Nó trái với những lo ngại cho rằng, đợt sa thải sẽ còn kéo dài. Nó cũng cho thấy, các doanh nghiệp thực sự đang người lao động, có nhu cầu và cần phải nhanh chóng tuyển dụng trở lại. Việc làm đang trở về với nước Mỹ, đúng như mong muốn và những chính sách dân túy mà ông Donald Trump đưa ra từ khi vào Nhà Trắng cách đây hơn 3 năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức đã có một loạt các thông điệp được đăng trên Twitter, bày tỏ sự "đáng kinh ngạc", "phấn khích", “một con số kỳ diệu”,... đối với một dữ liệu kinh tế rất quan trọng đối với nước Mỹ.
Ông Donald Trump khoe 2,5 triệu việc làm mới trong tháng 5, thay vì dự báo mất 7,5 triệu của các chuyên gia. |
Tứ bề khó khăn, ông Trump có một điểm tựa
Cùng với niềm tin trở lại dòng tiền lớn từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), hàng loạt cổ phiếu các ngành của Mỹ tiếp tục bay cao, nhất là các cổ phiếu hưởng lợi từ việc mở cửa kinh tế trên diện rộng.
Cổ phiếu hàng không American Airlines có lúc tăng gần 29%, trong khi United Airlines tăng hơn 21%. Cổ phiếu nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng tăng thần tốc như: Norwegian Cruise Line và Carnival đều tăng 17% trong khi Royal Caribbean tăng 13,2%. Các cổ phiếu ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup, Wells Fargo và Bank of America đều tăng ít nhất 5%.
Tổng thống Donald Trump gần đây đối mặt với rất nhiều áp lực. Đó là sự trả đũa của chính quyền Bắc Kinh đối với những cáo buộc về trách nhiệm đối với đại dịch Covid-19, đối với vấn đề Hong Kong và Tổ chức Y tế thế giới (WHO),... Áp lực đến từ Đảng Dân chủ, từ những cuộc biểu tình trong nước, từ các mạng xã hội, cho tới cả những nước từng thân cận như Đức của bà Angela Markel.
Thủ tướng Đức vừa có những chỉ trích trực tiếp ông Trump về cách thức làm chính trị trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nước không còn tốt đẹp như trước. Trong một động thái mới nhất, theo Reuters, ông Trump đã ra lệnh cho quân đội rút 9.500 quân nhân khỏi Đức, giảm số lính Mỹ đồn trú tại quốc gia mạnh nhất châu Âu này xuống còn 25.000 quân.
Mục tiêu chính của ông Donald Trump là việc làm nước Mỹ và đối thủ Trung Quốc. |
Bất chấp những áp lực, ông Trump đang chứng kiến nền kinh tế hồi phục kỳ diệu. Hàng loạt các chính sách đã khiến dòng tiền đổ về nước Mỹ, từ Trung Quốc và cả các nước khác, trong đó có cả châu Âu.
Sắp tới, nhiều khả năng một dòng tiền không nhỏ từ Hong Kong có thể đổ về Mỹ trong bối cảnh ông Trump tính tước những ưu đãi đặc biệt đối với đặc khu kinh tế này, một phản ứng chính thức của Nhà Trắng về việc Trung Quốc phê chuẩn áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong.
Ngành dầu khí của Mỹ cũng đang ấm trở lại nhờ giá dầu tăng liên tục. Trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam), cả giá dầu Brent và WTI đều tăng thêm hơn 5% lên tương ứng hơn 42 USD/thùng và 39,5 USD/thùng. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định sẽ thảo luận sớm hơn vào ngày thứ Bảy để xem xét có nên gia tăng việc cắt giảm sản lượng hay không.
Trong một cuộc họp báo gần đây, ông Trump đã bày tỏ tin tưởng vào năm 2021, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19, và cơ sở là nhờ nền tảng sức mạnh của nền kinh tế số một thế giới.
Với Trung Quốc, mặc dù căng thẳng leo thang về các vấn đề Hong Kong, Covid, nhưng Bắc Kinh dường như vẫn đang âm thầm tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ.
Bắc Kinh đã chuyển quyền phụ trách việc mua các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, như đậu nành, từ Bộ Thương mại sang Bộ Nông nghiệp Nông thôn, mà theo đánh giá của giới quan sát là một sự nhìn nhận hoàn toàn khác: việc mua nông sản mang tính kinh tế, thị trường, dựa trên nhu cầu hơn là nhiệm vụ chính trị.
M. Hà