Hiếm có địa phương nào lại có nhiều lợi thế so sánh nổi trội như vậy.

Một tỉnh vừa có cảng, vừa có khoáng sản, vừa mạnh du lịch lại có kinh tế cửa khẩu

Khi giới thiệu với các nhà đầu tư về các lợi thế so sánh nổi trội của Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn cho biết, Quảng Ninh có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế với những tiềm năng khác biệt; là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc.

Quảng Ninh không chỉ có diện tích lớn, tài nguyên thiên nhiên giàu có, hệ sinh thái tự nhiên phong phú, mà còn có địa hình đa đạng vừa có biển, vừa có rừng, núi cùng với di sản thiên nhiên thế giới và nhiều di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc; có bờ biển dài 250km cung cấp nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng, độc đáo và nguồn lợi thủy sản dồi dào.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh cũng dần được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước phát triển đột phá, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế với các công trình động lực kết nối đường bộ, đường thủy và đường không.

Có thể thấy, Quảng Ninh là tỉnh hiếm hoi khi sở hữu nhiều lợi thế so sánh nổi trội như vậy.

Khoáng sản

Than đá: Quảng Ninh có trữ lượng than đá khoảng 3,6 tỷ tấn, phần lớn tập trung tại 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí – Đông Triều; mỗi năm cho phép khai thác khoảng 30 – 40 triệu tấn.

Các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh…: Trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp các địa phương trong tỉnh như: Mỏ đá vôi ở Hoành Bồ, Cẩm Phả; Các mỏ cao lanh ở các huyện miền núi Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, thành phố Móng Cái; Các mỏ đất sét phân bố tập trung ở Đông Triều, Hoành Bồ và TP. Hạ Long là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các mỏ nước khoáng: Quảng Ninh có nhiều điểm nước khoáng uống được ở Quang Hanh (Cẩm Phả), Khe Lạc (Tiên Yên), Đồng Long (Bình Liêu). Ngoài ra, còn có nguồn nước khoáng không uống được tập trung ở Cẩm Phả có nồng độ khoáng khá cao, nhiệt độ trên 35oC, có thể dùng chữa bệnh.

Du lịch

Quảng Ninh có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc vào loại nhất của cả nước, có nhiều bãi biển đẹp, có cảnh quan nổi tiếng như vịnh Hạ Long - 2 lần được UNESCO xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới và trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Ninh, năm 2022, tỉnh đón được khoảng 11,6 triệu lượt khách, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ, tăng 21,7% kế hoạch đầu năm (9,5 triệu khách). Tổng doanh thu du lịch đạt ước đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ, tăng 32,5% kế hoạch đầu năm.

Hạ tầng phát triển đồng bộ

Từ một địa phương có hạn chế lớn nhất là hạ tầng giao thông, Quảng Ninh nay đã nằm trong top đầu cả nước về hệ thống giao thông đồng bộ, tính kết nối cao. 

Trong năm 2022, hạ tầng giao thông Quảng Ninh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng), cầu Cửa Lục 1 (vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng), cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế. 

Quảng Ninh khởi công mới Dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 342. Các dự án chuyển tiếp như cầu Cửa Lục 3, giai đoạn II đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và một số công trình quan trọng khác đang được đẩy nhanh tiến độ.

Với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh hoặc ứng vốn cho Trung ương để giải phóng mặt bằng các dự án, công trình động lực nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Đặc biệt, nói về cảng, ven biển Quảng Ninh có nhiều khu vực nước sâu, kín gió là lợi thế đặc biệt quan trọng thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, nhất là ở thành phố Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Tiên Yên, TP Móng Cái và huyện Hải Hà.

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 5 cảng biển (9 khu bến) thuộc Danh mục cảng biển trong Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Kinh tế cửa khẩu

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 19/2012/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. 

Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là khu vực có ranh giới địa lý xác định, thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, có không gian kinh tế riêng biệt. Toàn bộ diện tích tự nhiên khu kinh tế gồm khoảng 121.197 ha, trong đó diện tích đất liền là 66.197 ha và diện tích mặt biển là 55.000 ha.

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng như: khu cửa khẩu quốc tế, các khu công nghiệp, trung tâm tài chính, khu đô thị, khu trung tâm hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác. Quy mô, vị trí từng khu vực được xác định trong quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Năm 2021, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 16/3/2021, trong đó định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm Quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của Vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc)…

https://markettimes.vn/mot-tinh-vua-co-cang-vua-co-khoang-san-vua-manh-du-lich-lai-co-kinh-te-cua-khau-17571.html