Giá gà công nghiệp bán tại chuồng chỉ 11.000 đồng/kg, nhưng khi bán tới tay người tiêu dùng, giá tăng vọt lên 50.000-60.000 đồng/kg tùy loại. Người chăn nuôi gà đang lỗ nặng.
Giá gà công nghiệp bán tại chuồng chỉ 11.000 đồng/kg, nhưng khi bán tới tay người tiêu dùng, giá tăng vọt lên 50.000-60.000 đồng/kg tùy loại. Người chăn nuôi gà đang lỗ thê thảm, còn người tiêu dùng thì đang phải mua thịt gà giá đắt.
Bán 15.000 con gà lỗ trên 300 triệu đồng
Cuối năm 2019, gia đình ông Út Hồng (ở Sông Ray - Cẩm Mỹ - Đồng Nai) nuôi 15.000 con gà ta thả vườn với hy vọng bán vào dịp Tết và Rằm tháng giêng, lấy tiền trang trải ăn học cho con. Thế nhưng, từ sau Tết giá gà bất ngờ giảm mạnh, bán cả đàn gà gia đình ông lỗ luôn hơn 300 triệu đồng.
“Giá thành nuôi đã 45.000 đồng/kg rồi, nhưng bán chỉ được 40.000 đồng. Cứ bán 1.000 con gà tôi lỗ từ 20-30 triệu đồng” – ông Út Hồng buồn rầu chia sẻ.
Không riêng gì hộ chăn nuôi nhà ông Út Hồng, hàng chục hộ chăn nuôi gà ta thả vườn tại Bàu Tre (Long Thành – Đồng Nai) cũng trong tình cảnh không có đầu ra, khi giá gà ta đã giảm xuống 40.000 đồng nhưng thương lái vẫn lắc đầu quầy quậy.
Tuy nhiên, theo ông Út Hồng, những người nuôi gà ta thả vườn như ông còn đỡ. Những hộ nuôi gà công nghiệp mức lỗ còn thê thảm hơn. Gà lông trắng hiện giờ chỉ bán được với giá 11.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi đã lên đến 23.000 đồng/kg, có nơi còn cao hơn.
“Gia đình tôi cầm cự thêm 1 tuần để đợi giá gà lên, không ngờ càng về sau giá gà càng giảm. Con đi học, mẹ già đi viện cũng chỉ trông vào đàn gà. Nay thương lái thấy giá gà thấp, còn bày đặt trả giá rồi bỏ đó không bắt, khiến mỗi ngày chúng tôi còn bị lỗ hàng trăm nghìn tiền thức ăn” – ông Võ Văn Bảy – hộ chăn nuôi tại Ấp 7 xã Bàu Tre (Long Thành – Đồng Nai) chia sẻ.
"Tỉnh Đồng Nai có khoảng 8-10 triệu con gà ta thả vườn, riêng huyện Long Thành và huyện Cẩm Mỹ đàn gà cũng lên đến 2 triệu con là các huyện có quy mô chăn nuôi gà ta lớn nhất tỉnh Đồng Nai, với quy mô trang trại cao nhất lên đến 30.000 con, bình quân khoảng 2.000-3.000 con/trang trại. Giá gà rớt thảm khiến về đến 2 địa phương này, ở đâu cũng thấy cảnh người dân chán ngán vì chăn nuôi gà thua lỗ" - một cán bộ thú y tại tỉnh Đồng Nai cho biết.
Thịt gà công nghiệp đang được bán cho người tiêu dùng với giá quá đắt. Ảnh: Kh.V
Giá gà giảm sát “đáy”, người tiêu dùng vẫn phải mua giá đắt
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, giá gà công nghiệp (gà trắng) ở nhiều trang trại trên địa bàn hiện đã xuống dưới 11.000 đồng/kg. Trong khi giá chăn nuôi gà lông trắng tại các nông hộ là 23.000 đồng/kg, tại các doanh nghiệp là 25.000 đồng/kg (vì phải thuê trang trại). Tính ra, cứ bán 1kg gà, người chăn nuôi lỗ 12.000 đồng.
“Giá gà lông 11.000 đồng/kg, chở về nhà máy mất 1.000 đồng/kg, thêm công giết mổ 3.000 đồng/kg, tổng chi phí cho con gà là 15.000 đồng/kg. Làm thịt ra bỏ lòng, bỏ lông, bỏ đầu còn 0,7kg. 0,7kg thịt gà x 15.000 đồng thì giá thành chỉ 21.000 đồng/kg. Thế nhưng trên thị trường có sản phẩm gà nào bán dưới dưới 40.000 đồng/kg đâu, kể cả những thứ "bỏ đi" như lòng và đầu gà cũng đều bán được” – ông Nguyễn Văn Ngọc phân tích.
Cũng theo lời ông Nguyễn Văn Ngọc, vì không biết giá thành chăn nuôi, nên khi đưa ra thị trường, tiểu thương ra giá bao nhiêu người tiêu dùng đều phải cắn răng mua. Trong khi đó, khi mua vào, thương lái ra sức ép giá nông dân. Cuối cùng, chỉ người chăn nuôi và người tiêu dùng là chịu thiệt.
Theo khảo sát của PV tại các chợ dân sinh, ngày 4.4.2020, giá thịt gà công nghiệp bán nguyên con khoảng 55.000 đồng/kg, giá thịt đùi (tỏi) và cánh: 75.000 đồng/kg. Lườn: 60.000 đồng/kg.
Giá gà ta cũng ở mức cao, khoảng 120.000-130.000 đồng/kg, chênh lệch so với giá bắt tại chuồng khoảng 70.000 đồng/kg.
Khi viết bài viết này chuẩn bị lên khuôn, thông tin từ Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết: Gà công nghiệp đang tiếp tục rớt giá. “Với 27.000 đồng, có thể mua được 3kg gà công nghiệp” – ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ thông tin vào trưa 4.4.2020.
Lo chợ truyền thống đóng cửa, nhiều người Hà Nội đổ xô mua thực phẩm Một số chợ truyền thống tại khu vực quận Hoàng Mai, Hà Nội “cháy hàng”, tăng giá vì người dân đổ xô mua thực phẩm ... |
Bộ Công Thương: Thực phẩm dư thừa, dân không lo thiếu Bộ Công Thương cho biết, gạo, thịt, rau củ, thuốc men đều có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. |