Ra giêng là mùa của lễ hội. Thiên hạ nô nức đi trẩy hội, kèm theo đó là viếng đền chùa, dâng lễ cúng bái và cầu may.
Tất cả hoạt động này - xét theo nguyên bản - là tín ngưỡng văn hóa của người Việt, được truyền đời từ cổ chí kim. Tín ngưỡng dựa trên đức tin và đức tin làm nên sức mạnh tinh thần cho con người, giúp con người vui sống, mong được thuận lợi trong công việc hoặc chí ít cũng vượt qua được nghịch cảnh nếu gặp chuyện chẳng lành...
Nhưng niềm tin nếu được thể hiện thái quá, đến mức mất kiểm soát hoặc do thiếu kiến thức thì sẽ trở thành sự cuồng tín. Mê tín dị đoan hẳn nhiên đi ngược với truyền thống đạo lý của người Việt, với lối sống văn minh của nhân loại.
Lối sống phản cảm, phản khoa học ấy không phải hiếm gặp, mà ngược lại, khá phổ biến dù thế kỷ XXI đã đi được chặng đường gần tròn 20 năm. Ở đâu đó, người ta trói "ông Ỉn" lại, khiêng ra chốn đông người rồi tranh nhau vặt lông "ông" để lấy hên; ở đâu đó người ta vung đao chém lợn rồi lấy tờ tiền quệt lên máu nó nhằm cầu may. Những tập tục dã man như thế không thể được gọi là bản sắc văn hóa. Nên nhớ, trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt, hai chữ "văn hóa" (文化) mang nét nghĩa: trở nên đẹp đẽ, hướng tới sự tiến bộ và văn minh!
"Chính danh" hơn, tầm vóc hơn là lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) sẽ diễn ra trong ít ngày nữa (14 tháng giêng âm lịch hằng năm). Lễ khai ấn của nhà Trần chính sử biên rằng có từ thế kỷ XIII, để phụng tế tiên tổ và ban tước bổng cho chư hầu khanh tướng lập nhiều công trạng, xiển dương tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, đồng thời bắt đầu ngày làm việc của một năm mới sau kỳ nghỉ Tết, chứ đâu có chuyện phàm nhân hễ ai được ấn là sẽ lên hương. Thế mà chẳng hiểu tự bao giờ người ta kháo nhau vào ngày 14 tháng giêng nếu nhận được tờ giấy vàng trên đó có đóng dấu đỏ thì sẽ được thăng quan tiến chức. Và vì thế nên thiên hạ mới ùn ùn kéo đến, vật vạ chờ, tranh giành và giẫm đạp, kể cả sẵn sàng choảng nhau, để có được lá ấn vì số lượng phát ra có hạn, từ đó làm méo mó đi một hoạt động văn hóa cổ truyền giàu ý nghĩa.
Từ suy nghĩ lệch lạc đến hành động sai trái rất gần. Như những ngày này, tại nhiều chùa chiền trong Nam ngoài Bắc, người ta kéo bầu đoàn thê tử sắm lễ vật, đưa vàng mã tới cúng, đốt hoặc cúng sao giải hạn. Người đơn giản thì bày heo, gà; kẻ "sân si" hơn thì điện thoại di động, nhà lầu, xe hơi, thậm chí du thuyền (mô hình) dâng lên thần, Phật hòng cầu được - ước thấy. Giáo lý nhà Phật đâu dạy mấy chuyện đó. Đến thánh thần mà người ta cũng muốn mua chuộc thì trong đời thường, hành vi hối lộ có sá gì!
Giữa đám đông mê muội ấy, dân tình từng bắt gặp cả quan chức ngành này, sở nọ. Họ khấn vái cũng khá cung kính, thành tâm. Xin ơn trên ban danh thưởng lộc cho bản thân hay độ trì cho quốc thái dân an, chẳng rõ? Nhưng mà, thật tình là người dân không cần ai cầu khấn thay cho mình cả. Họ chỉ mong cán bộ làm việc tận tụy, liêm chính, phụng hiến là đủ rồi!
Các bộ, ngành hữu quan năm nào cũng tuyên bố sẽ nghiêm trị các hoạt động mê tín dị đoan nhưng giải pháp hành chính chỉ là cắt ngọn, căn cơ là phải làm sao tẩy trừ sự mê muội từ trong tư tưởng của con người.
Lên chùa cầu gì? Sau Tết, lại bắt đầu mùa lễ hội. Nhiều người chọn đi chùa đầu năm để cầu cho mình và gia đình. Vậy, lên chùa ... |
Cát Tường