Nghỉ hè đúng nghĩa phải là khoảng thời gian để trẻ em nạp lại năng lượng, bồi đắp kỹ năng và sống trọn trong những trải nghiệm thực tế, thì với không ít gia đình, đây lại là giai đoạn “mệt mỏi” nhất trong năm.
- Nhiều gia đình cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì lịch trông con nghỉ hè
- 'Khối nghỉ hưu' khóc thét với những trò nghịch một không hai của 'khối nghỉ hè'
Nguyên nhân không chỉ bởi sự đảo lộn nhịp sống sinh hoạt trong gia đình mà sâu xa hơn là nỗi lo con trẻ đang ngày một lún sâu vào thế giới mạng, nơi tưởng chừng chỉ để giải trí nhưng lại âm thầm dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.

Đủ hệ lụy khó lường…
Trường hợp của chị L.T.P. (phường Bồ Đề, Hà Nội) là một trong hàng trăm gia đình đang loay hoay với câu chuyện “trẻ và chiếc điện thoại thông minh”. Chị P. cho biết, sau gần 2 tháng nghỉ hè, các con chị bắt đầu có dấu hiệu thay đổi tính cách, nói chuyện hay cáu gắt, làm việc qua loa, chỉ mong nhanh chóng quay lại với điện thoại hay tivi. Đặc biệt, cô con gái lớn 12 tuổi luôn dính chặt lấy chiếc điện thoại, đến mức ăn uống hay đi vệ sinh cũng không rời tay. Mỗi khi bị nhắc nhở, cháu lại giận dỗi, gào khóc, thậm chí nói những lời khó nghe với bố mẹ.
Câu chuyện của một nữ sinh trung học cơ sở được điều trị bởi bác sĩ Nguyễn Như Mạnh, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng, càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này. Nữ sinh có biểu hiện trầm cảm, thu mình, mất ngủ và gần như không tương tác với người thân trong gia đình. Sau khi tìm hiểu, bác sĩ phát hiện, bệnh nhân sử dụng điện thoại để chơi game 6-8 tiếng/ngày trong suốt 3 tháng. Ban đầu chỉ để giải trí, nhưng dần dần, game trở thành “lối thoát” mỗi khi trẻ bị phê bình hay cảm thấy căng thẳng.
Phân tích về mặt khoa học, theo bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), việc lạm dụng internet và trò chơi điện tử có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Nghiện game và internet có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng kéo dài. Ngoài ra, điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp xã hội, gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ và làm suy giảm hiệu quả học tập cũng như công việc.
Không chỉ vậy, Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân, chuyên gia tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên còn đưa ra cảnh báo, trẻ em sử dụng mạng xã hội có nguy cơ bắt chước hành vi xấu lan truyền trên mạng, hình thành niềm tin lệch lạc về giá trị đạo đức, giá trị sống. Một số trẻ tin rằng, mạng xã hội là nơi chứa mọi lời giải, thậm chí coi người nổi tiếng là “kim chỉ nam” về tư duy và hành vi hay tin rằng, sự giàu có là mục tiêu tối thượng… Đây chính là mảnh đất tiềm tàng cho ảo tưởng, lệch chuẩn giá trị và suy giảm khả năng sống thực.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu, Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, tình trạng sa sút trí tuệ tưởng chỉ xảy ra ở người cao tuổi, nhưng ngày càng có nhiều người trẻ có biểu hiện suy giảm trí nhớ, kém tương tác xã hội và đang bước vào ngưỡng sa sút trí tuệ sớm. Nguyên nhân là do sống trong môi trường ít tiếp xúc với những người xung quanh, lệ thuộc vào công nghệ, thiếu vận động và giao tiếp ngoài đời thực.
Không để trẻ “tự bơi” trong thế giới số
Trong đời sống hiện đại, công nghệ trở thành một phần không thể thiếu. Việc cấm tuyệt đối trẻ em sử dụng điện thoại hay mạng xã hội gần như không khả thi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cha mẹ nên buông lỏng. Theo các chuyên gia tâm lý, thay vì kiểm soát gắt gao, cha mẹ nên đồng hành, trò chuyện và định hướng để trẻ sử dụng công nghệ một cách an toàn, lành mạnh.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân cho biết, một sai lầm phổ biến của phụ huynh là la mắng hoặc cấm đoán khi thấy con tiếp xúc với nội dung xấu trên mạng. Phản ứng này dễ khiến trẻ phản kháng, che giấu hành vi, thay vì hợp tác. Với trường hợp như vậy, cha mẹ nên bình tĩnh cùng con phân tích vấn đề, giúp con hiểu đúng - sai và vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội.
Chuyên gia tâm lý cũng đưa ra lời khuyên, thay vì áp đặt, các bậc phụ huynh hãy bắt đầu từ việc quan sát và trò chuyện một cách chân thành với con. Những câu hỏi như: “Con đang quan tâm điều gì?”, “Hôm nay con có vui không?”, “Có điều gì khiến con buồn không?”… sẽ giúp trẻ mở lòng. Mỗi hành vi lạ của con có thể là tín hiệu cầu cứu mà con chưa biết cách diễn đạt. Ngoài ra, cha mẹ cần làm gương trong việc sử dụng mạng xã hội bằng cách hạn chế sử dụng điện thoại khi ở cạnh con, không đăng ảnh hay thông tin cá nhân của trẻ khi chưa có sự đồng ý và chia sẻ lối sống cân bằng giữa thực và ảo. Việc này giúp trẻ hiểu rằng mạng xã hội chỉ là một phần của cuộc sống, chứ không phải tất cả.
Trong dịp hè, theo Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Như Mạnh, thay vì để trẻ “dán mắt” vào màn hình, phụ huynh nên tạo điều kiện để con tham gia những hoạt động ý nghĩa như thể thao, học năng khiếu, kỹ năng sống, hoạt động cộng đồng… Khi trẻ được tiếp xúc với thế giới thật, có bạn bè, nụ cười và cả những va chạm nhỏ, nội lực và cảm xúc của trẻ sẽ được rèn luyện một cách tự nhiên.
Song song đó, cha mẹ nên xây dựng thời gian biểu linh hoạt nhưng hợp lý, cân bằng giữa giải trí, vận động thể chất, đọc sách và sinh hoạt ngoài trời… Nếu nhận thấy, trẻ có dấu hiệu thay đổi hành vi như cáu gắt, lo lắng, hay rối loạn giấc ngủ, kém tập trung, ngại giao tiếp, buồn chán, học tập sa sút…, cha mẹ cần nhanh chóng tìm đến chuyên gia tâm lý. Việc can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực và sớm cân bằng lại cuộc sống.
https://hanoimoi.vn/mua-he-giup-tre-tranh-bay-cong-nghe-709791.html