Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), quy định các cá nhân không được đồng thời làm chủ tịch ngân hàng kiêm doanh nghiệp. Hiện, nhiều người đang lợi dụng việc sở hữu chéo vốn giữa các ngân hàng, doanh nghiệp để khuếch trương, tạo vốn ảo, dẫn đến nguy cơ nợ xấu tăng cao, gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều hành tài chính, tiền tệ vĩ mô của Chính phủ. Dư luận kỳ vọng với “cây gậy” này sẽ không còn xảy ra những vụ đại án kinh tế tại các ngân hàng nữa. Dù muộn cũng còn hơn không.

muon con hon khong
Hoạt động ngân hàng ngày càng lành mạnh hơn. Nguồn: Congthuong.

Theo quy định mới của Luật, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, TGĐ (GĐ) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, TGĐ (GĐ) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

TGĐ (GĐ), Phó TGĐ (Phó GĐ) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên BKS của tổ chức tín dụng khác (trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng), cũng không được đồng thời là TGĐ (GĐ), Phó TGĐ (Phó GĐ) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Với quy định này, hàng loạt sếp ngân hàng đồng thời là ông chủ của các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách chuyển đổi vị trí của mình ở một trong hai đơn vị, hoặc ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi mình làm chủ, như: Ngân hàng Việt Á, SHB, ABBank, Seabank, TPBank...

Đương nhiên là không ai muốn từ bỏ một trong 2 vị trí trên, song vấn đề đã được luật hóa thì dù thích hay không cũng phải lựa chọn. Các chuyên gia kinh tế, ngân hàng đánh giá rất cao quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đồng thời kỳ vọng đây sẽ là lời giải cho bài toán minh bạch hóa trong hệ thống các tổ chức tín dụng mà lâu nay vẫn mờ mờ, ảo ảo.

Quy định cấm “kiêm nhiệm” trên của Luật Các tổ chức tín dụng khiến một số ông chủ ngân hàng không còn cơ hội để lợi dụng tạo ra vốn ảo, rút tiền thật để thâu tóm chiếm đoạt ngân hàng khác phục vụ lợi ích nhóm. Khi tồn tại sở hữu chéo, nếu trong quá trình hoạt động gặp khó khăn, một số ngân hàng giúp đỡ lẫn nhau bằng cách cho nhau gửi tiền thông qua thị trường liên ngân hàng không đúng quy định để đảo nợ, che giấu nợ xấu nhằm tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Không cần phải học chuyên sâu lý thuyết tài chính, ngân hàng thì ai cũng có thể hiểu được, việc nợ xấu bị che giấu, ngày càng tăng cao sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế quốc dân.

Trên thực tế những năm qua đã diễn ra hiện tượng dùng cổ phần của ngân hàng này thế chấp vay vốn ngân hàng khác, dùng khoản vốn vay này để mua cổ phiếu của ngân hàng khác, doanh nghiệp khác... Cứ như vậy làm cho tổng vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP cộng lại là rất lớn, song trong đó lại có rất nhiều vốn ảo. Sự sở hữu chéo càng nhiều thì số vốn ảo càng lớn dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản tăng cao, nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng.

Khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân góp vốn sở hữu ngân hàng TMCP tạo khe hở cho một số ông chủ tăng vốn ảo ngân hàng, doanh nghiệp sân sau, dùng “mỡ nó rán nó”, rút vốn thật thâu tóm bất động sản, những ô đất vàng đắc địa, chứng khoán, vàng... để thu lợi bất chính cho bản thân.

Việc một số cá nhân lợi dụng sở hữu chéo tạo ra vốn ảo còn phá hoại chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước. Bởi nếu cộng lại thì hệ thống ngân hàng có số vốn rất lớn nhưng trong đó có không ít vốn ảo, kéo theo hệ lụy là các chỉ số tài chính khác cũng không trung thực, làm cho đánh giá của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về nguồn lực không chính xác, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định chính sách quản lý kinh tế, chính sách tài chính, tiền tệ để phát triển kinh tế - xã hội.

Với mánh khóe dùng vốn ảo rút tiền thật nêu trên, nhóm cổ đông lớn có ảnh hưởng chi phối tại ngân hàng TMCP hoàn toàn có thể dần chiếm đoạt ngân hàng khác, doanh nghiệp khác cho mình và lợi ích của một nhóm người, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Sở hữu chéo tạo ra vốn ảo là thủ phạm chính gây ra cuộc chạy đua lãi suất vô cùng lộn xộn

.Tiền không vào sản xuất, kinh doanh mà chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Các ông chủ ngân hàng và nhóm thân hữu đầu tư bất động sản càng có lãi. Còn hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp khác thì điêu đứng, vì không thể vay vốn ngân hàng, hoặc bởi doanh nghiệp không thể sản xuất kinh doanh gì có lãi cao đến mức đáp ứng được lãi suất ngân hàng.

Điều đó lý giải vì sao trong những năm qua, các cơ quan tố tụng đã phải hết sức vất vả, “xoay trần”, “đánh vật” với nhiều vụ đại án kinh tế, đại án tham nhũng tại các ngân hàng. Nói có sách, mách có chứng, vụ án bầu Kiên là một ví dụ sinh động cho hệ lụy xấu của sở hữu chéo.

Bằng động tác thành lập tới 6 công ty, dùng tiền ảo đưa vào ngân hàng để rút tiền thật, rồi dùng tiền thật rút được mua lại cổ phần, tiếp tục đem thế chấp tại ngân hàng khác, tạo thành dòng vốn ảo. Trong khi dòng vốn ảo cứ chạy loanh quanh từ ngân hàng này sang ngân hàng khác thì bầu Kiên ngày càng nắm giữ nhiều cổ phần tại nhiều ngân hàng, doanh nghiệp.

Đáng buồn là vụ án bầu Kiên không phải là duy nhất, mới đây TAND TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đã phải xử các vụ án tương tự với các Ngân hàng TMCP Xây dựng, OceanBank... Tất nhiên những vụ đại án trên sẽ chưa phải là những vụ án cuối cùng nếu không kịp thời bịt ngay lỗ hổng về quản lý trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Đó là lý do mà không chỉ các chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng, mà cả cộng đồng xã hội hết sức ủng hộ vả đánh giá cao quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Mặc dù quy định cấm sở hữu chéo có hơi trễ khiến phát sinh nhiều vụ đại án gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, song muộn còn hơn không.

muon con hon khong Quỹ tín dụng mất khả năng chi trả 50 tỷ: Sẽ tịch thu tài sản của giám đốc quỹ tín dụng để xử lý

Trước việc quỹ Tín dụng Thái Bình mất khả năng chi trả 50 tỷ đồng cho 80 người, ngân hàng Nhà nước đã đề nghị ...

muon con hon khong Dòng vốn đang dịch chuyển đúng hướng

Đến nay, tín dụng toàn hệ thống tăng 13,68% so với cuối năm 2016. Mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) hiện nay đang phù hợp ...

muon con hon khong Thống đốc Ngân hàng: Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm

Thống đốc Ngân hàng khẳng định, chúng ta có thể thực hiện giữ ổn định lãi suất và giảm được lãi suất cho vay thời ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/muon-con-hon-khong-386888

/ Lê Anh Đức/daidoanket