Ông Lê Như Tiến: “Vấn đề quan trọng của công cuộc chống tham nhũng là phải thu hồi được tài sản do tham nhũng để trả lại cho nhân dân và đất nước”.
Việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau gần một năm bỏ trốn ra nước ngoài khiến dư luận có ý kiến nhiều chiều.
Trong đó, không ít người cho rằng, Trịnh Xuân Thanh không xứng đáng được nhận khoan hồng vì những gì ông ta đã gây ra.
Không chỉ tham nhũng, Trịnh Xuân Thanh còn làm ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh đất nước.
Để có cái nhìn sâu sắc hơn xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội - ông Lê Như Tiến.
Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Bản thân Trịnh Xuân Thanh và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam đã làm thất thoát của nhà nước 3.725 tỉ đồng.
Đây là con số rất lớn trong khi đất nước còn rất khó khăn. Đó cũng là tiền thuế của nhân dân.
Việc Trịnh Xuân Thanh khi mà các phương tiện thông tin đại chúng công bố, ra đầu thú ở cơ quan an ninh điều tra đó là dấu hiệu rất đáng mừng. Vì sau thời gian bỏ trốn ra nước ngoài thì Trịnh Xuân Thanh chính thức đầu thú.
Tuy nhiên, cái quan tâm của tôi ở đây tại sao để Trịnh Xuân Thanh trốn được ra nước ngoài. Thời gian từ khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn rồi ra đầu thú là gần một năm, tôi cho đó là quá dài”.
Qua phân tích của ông Lê Như Tiến cho thể thấy, đặt việc Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú bên cạnh với những gì hắn gây ra làm thiệt hại kinh tế, gây khó khăn cho quá trình điều tra quả thực là rất nhỏ bé.
Cũng theo ông Lê Như Tiến:“Gần đây có hiện tượng một số tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài khá nhiều, có những tội phạm cho đến nay chưa bắt được và chưa di lý được về nước để xử lý.
Đôi khi, người đó chỉ một người thôi nhưng đó là cả một mắt xích. Cho nên, khi Trịnh Xuân Thanh đầu thú, các cơ quan điều tra sẽ có điều kiện mở rộng điều tra để xem xét rõ ràng hơn những người có liên quan”.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Đứng sau Trịnh Xuân Thanh là ai để ông này có thể bỏ trốn được. Sau Trịnh Xuân Thanh là cả một hệ thống chứ không riêng gì Trịnh Xuân Thanh mà làm thất thoát gần 3.275 tỉ đồng.
Do đó, cần mở rộng điều tra và đó là những câu hỏi bỏ ngỏ mà dư luận cả nước đang chờ các cơ quan điều tra, cơ quan bảo vệ pháp luật có tiếng nói và câu trả lời cho cử tri và nhân dân được biết để tăng lên niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta”.
Trịnh Xuân Thanh đầu thú sau 300 ngày bỏ trốn (ảnh Infonet).
Muốn hưởng khoan hồng phải thành khẩn khai báo
Bàn luận xoay quanh việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú để nhận được khoan hồng. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh có nhận được khoan hồng hay không là vấn đề dư luận đang đặt ra?
Với những gì Trịnh Xuân Thanh gây ra, riêng việc cá nhân Trịnh Xuân Thanh vì bỏ trốn mà làm xấu hình ảnh đất nước đã là một tội lớn nên dư luận cho rằng việc xin khoan hồng của hắn rất khó chấp nhận.
Nêu ý kiến này, Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: “Việc đầu thú trong Bộ luật Hình sự của chúng ta đó là một tình tiết giảm nhẹ.
Bộ luật Hình sự cũng có những tình tiết tăng nặng, nếu cố tình bỏ trốn, cố tình không khai báo, không hợp tác với cơ quan điều tra, hoặc chối tội.
Trong quá trình đang điều tra mà tiếp tục phạm tội nữa thì tội chồng lên tội.
Trịnh Xuân Thanh đã chủ động thấy được mình cần phải ra đầu thú đó cũng là tình tiết giảm nhẹ. Còn giảm nhẹ đến đấu, cụ thể thế nào phải đợi cơ quan điều tra, xét xử.
Chính sách luật của chúng ta vừa nghiêm khắc, răn đe nhưng cũng nhân đạo với những người biết ăn năn hối lỗi”.
Điều mà ông Lê Như Tiến quan tâm ngoài việc mở rộng điều tra vụ án, thì việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng là vấn đề cần thiết phải được chú trọng. Ông Lê Như Tiến chia sẻ: “Bây giờ điều quan trọng không chỉ cá nhân Trinh Xuân Thanhmà mở rộng điều tra có ai có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh không.
Cái quan tâm hơn nữa, cũng chính là việc đồng chí Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “Cái quan trọng phải thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có”.
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh có thất thoát tham nhũng 3.275 tỉ sẽ thu hồi được bao nhiêu. Cần tập trung để thu hồi tài sản ấy vì đó chính là tài sản của nhân dân, của đất nước.
Vì, xử lý một người, đưa người ta vào tù, nặng hơn nữa cũng chỉ là xử lý được cá nhân người đó.
Vấn đề quan trọng của công cuộc chống tham nhũng là phải thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có để trả lại cho nhân dân và đất nước.
Phải làm sao thu hồi được tài sản đó là cái đặt ra của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án”.
Cũng liên quan đến vấn đề Trịnh Xuân Thanh đầu thú, trả lời báo chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - ông Đặng Thuần Phong cho rằng: “Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn được 300 ngày, đây là mắt xích hết sức quan trọng.
Từ con người này, từ sự việc này có thể phát hiện ra, mở rộng điều tra để phát hiện ra nhiều vấn đề lớn hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.
Từng đường đi nước bước của Trịnh Xuân Thanh từ khi ở Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam đến khi về Bộ Công thương, rồi về Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, rồi ứng cử vào đại biểu Quốc hội… khá lạ lùng so với nhiều người.
Tới giờ phút này có được Trịnh Xuân Thanh mới có thể phát hiện nhiều vấn đề lớn hơn giúp cho phòng chống tham nhũng đạt được hiệu quả”.
Qua ý kiến trao đổi của hai vị chuyên gia này có thể thấy, việc Trịnh Xuân Thanh xin đầu thú là bước ngoặt của vụ án.
Từ Trịnh Xuân Thanh sẽ có cơ hội làm rõ hơn nhiều vấn đề khúc mắc trong vụ án mà trước đó dư luận đặt ra. Điều này phụ thuộc vào việc ông Trịnh Xuân Thanh có khai báo thành khẩn hay không.
Việc khai báo thành khẩn của Trịnh Xuân Thanh sẽ tạo điều kiện cho việc điều tra mở rộng vụ án. Đây cũng là căn cứ để thấy Trịnh Xuân Thanh đã thực tâm “đối diện với sự thật và nhận khuyết điểm” hay không...