Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm “kịch sàn” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 11.7 thay vì từ ngày 22.7 như đề xuất của Chính phủ để góp phần hạ nhiệt giá các mặt hàng thiết yếu này. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để báo cáo Quốc hội xem xét có biện pháp phù hợp. Chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội hết sức xác đáng, bởi muốn giữ vững được tăng trưởng thực sự, cần giảm giá đầu vào thông qua chính sách thuế chứ không phải chỉ dựa vào đầu tư công.

Thật vậy, tỷ trọng đầu tư công chiếm khoảng trên dưới 30% trong vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Như vậy, giả sử đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước tăng 10% sẽ khiến tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện tăng 3,1%, với khoảng 78,5% trong số đó (như năm 2020) đi vào được tới sản xuất, làm tích lũy gộp tài sản (khoản được tính vào GDP) tăng khoảng 4%.

Khi đó GDP theo phương pháp chi tiêu tăng 1,04% ngay khi tăng đầu tư và ảnh hưởng lan tỏa đến chu kỳ sản xuất sau khoảng 0,5%. Chú ý rằng, nếu đầu tư đi vào những công trình như cổng chào, tượng đài, đào đường lên rồi lại lấp đường, những công trình xây dựng mà không sử dụng… có thể làm tăng GDP ngay tại thời điểm đó nhưng sẽ không có lan tỏa đến chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư công là vốn mồi để lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, nhưng thực ra ý kiến kiểu này là hơi khó hiểu! Vấn đề là lan tỏa đến thành phần kinh tế nào? Và lan tỏa như thế nào (bao nhiêu)? Theo lý thuyết về “cực tăng trưởng” của Hirschman (1958) và ý niệm về sự lan tỏa của Leontief (1936, 1941), có thể thấy đầu tư công vào các công trình hạ tầng sẽ lan tỏa đến sự mở rộng sản xuất của các ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, vận tải…

Nhưng những sản phẩm đầu vào là sắt thép cơ bản là nhập khẩu (khoảng 70%), chỉ 30% sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu. Để ý rằng sản xuất sắt thép trong nước cũng cơ bản là gia công. Có thể thấy giá thép trong nước sản xuất cũng tương đương giá nhập khẩu, thậm chí có những sản phẩm giá còn cao hơn một chút. Nếu không nghiên cứu kỹ thì vốn mồi có thể chỉ kích thích (mồi) nhập khẩu, kích thích sản xuất của nước khác. Với xăng dầu cũng tương tự!

Như vậy đầu tư công chỉ làm tăng GDP được một chút trong khi giá đầu vào như xăng dầu, sắt thép tăng cao thì việc tăng đầu tư công không bù đắp được cho tăng trưởng khi giá đầu vào tăng như hiện nay. Lưu ý rằng, nếu GDP theo giá so sánh tính theo phương pháp giảm phát một lần hoặc cố định hệ số thì sẽ không thấy được sự ảnh hưởng của thay đổi giá đầu vào tới tăng trưởng. Ngoài ra, đầu tư công cần phải hiệu quả và bảo đảm tất cả lượng tiền đầu tư đến được với sản xuất.

Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành, sắt thép chiếm trong chi phí trung gian ngành xây dựng hạ tầng khoảng 7% và chiếm trong giá trị sản xuất khoảng 9%; khi sắt thép tăng 10% sẽ khiến giá thành xây dựng tăng khoảng 0,7%, điều này có thể dẫn đến tăng trưởng do đầu tư công mang lại thấp hơn so với dự kiến. 

Tính toán cũng cho thấy, xăng dầu chiếm trong giá trị sản xuất khoảng 5,8% và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng 10% thì tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể giảm khoảng 2% và chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế tăng xấp xỉ 1%.

Rõ ràng, muốn giữ vững được tăng trưởng thực sự, cần giảm giá đầu vào. Các sản phẩm đầu vào đương nhiên phụ thuộc vào giá thế giới và chính sách thuế. Giá thế giới thì khó hoặc không thể can thiệp hoặc kiểm soát, do đó chỉ có thể giải quyết bằng chính sách thuế như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo với mặt hàng xăng dầu.

https://daibieunhandan.vn/van-de-hom-nay/muon-giu-tang-truong-phai-giam-gia-dau-vao-i294618/

 
TS. Bùi Trinh