Mỹ và Anh ngày 11/1 đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu liên quan đến phong trào Houthi ở Yemen, đây là cuộc tấn công đâu tiên nhằm vào lực lượng được Iran hậu thuẫn kể từ khi Houthi nhắm đến các tàu trên Biển Đỏ.
- Xung đột tại Trung Đông: Houthis tiến hành cuộc tấn công lớn nhất từ trước tới nay tại biển Đỏ
- Mỹ xem xét tấn công trực diện phiến quân Houthi
Quan chức Houthi đã xác nhận các “cuộc đột kích” trên khắp lãnh thổ Yemen, bao gồm cả Thủ đô Sanaa cùng với các thành phố Saada và Dhamar, gọi động thái này là “sự xâm lược của Mỹ”.
Các cuộc tấn công này là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về nguy cơ cuộc chiến Israel-Hamas mở rộng ở Trung Đông kể từ khi nổ ra vào tháng 10/2023.
Một số nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết, các cuộc tấn công được thực hiện bằng máy bay, tàu thủy và tàu ngầm. Australia, Canada, Bahrain và Hà Lan đã hỗ trợ cho hoạt động này. Hơn 10 địa điểm đã bị nhắm mục tiêu và các cuộc tấn công không chỉ nhằm mục đích mang tính biểu tượng.
Houthi, lực lượng kiểm soát phần lớn Yemen, đã bất chấp lời kêu gọi của Liên hợp quốc yêu cầu ngừng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ và cảnh báo từ Mỹ về hậu quả nếu không dừng hành động này.
Phía Houthi khẳng định các cuộc tấn công của họ thể hiện sự ủng hộ đối với Hamas, nhóm Hồi giáo Palestine đang kiểm soát Gaza. Israel đã tiến hành một cuộc tấn công quân sự khiến hơn 23.000 người Palestine ở Gaza thiệt mạng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng 10/2023.
Cho đến nay, Houthi đã tấn công 27 tàu, làm gián đoạn thương mại quốc tế trên tuyến đường huyết mạch giữa châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 15% lưu lượng vận tải biển trên thế giới.
Trước đó trong ngày 11/1, lãnh đạo của Houthi tuyên bố sẽ phản ứng với bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ.
Lực lượng hải quân Mỹ và Anh đã bắn hạ 21 máy bay không người lái và tên lửa do lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen phóng hôm 9/1 về phía Nam Biển Đỏ, đây là cuộc tấn công lớn nhất trong khu vực của phiến quân.
Vào tháng 12/2023, hơn 20 quốc gia đã đồng ý tham gia liên minh do Mỹ lãnh đạo, được gọi là “Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng”, nhằm bảo vệ giao thông thương mại ở Biển Đỏ.