Đặc phái viên của Washington tại Kiev xác nhận các đợt huấn luyện về F-16 đang được tiến hành ở Arizona.

Đại sứ Mỹ tại Kiev Bridget Brink hôm 26/10 cho biết lực lượng vệ binh quốc gia không quân Arizona đã bắt đầu huấn luyện phi công từ Ukraine cho lái máy bay chiến đấu F-16. Trong khi đó, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ gửi thêm vũ khí và thiết bị trị giá 150 triệu USD tới nước này.

Brink gọi cuộc huấn luyện là “một phần thiết yếu trong việc xây dựng lực lượng phòng không của Ukraine” và cho biết Mỹ “tự hào” được hợp tác với “các đối tác châu Âu” để hỗ trợ Kiev.

Mỹ bắt đầu đào tạo phi công Ukraine.

Mỹ bắt đầu đào tạo phi công Ukraine. 

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington sẽ “giúp lãnh đạo liên minh” các nước cung cấp F-16 cho Ukraine, với “các đồng lãnh đạo” là Đan Mạch và Hà Lan. Hai nước đã khởi động sáng kiến F-16 vào đầu tháng 7 và được Mỹ cho phép tặng máy bay này cho Ukraine vào tháng 8. Washington cho biết họ sẽ không gửi bất kỳ máy bay nào của mình tới Kiev.

Các phi công Ukraine phải hoàn thành khóa học tiếng Anh trước khi bắt đầu huấn luyện bay. Austin ước tính những chiếc máy bay phản lực đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào khoảng “mùa xuân tới”.

 

Nga gọi đây là sự leo thang không thể chấp nhận được, vì các máy bay F-16 có thể mang vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ chiếc F-16 nào được gửi đến Ukraine đều “sẽ bị đốt cháy” giống như các khí tài khác của phương Tây.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc tiết lộ nội dung của gói “hỗ trợ an ninh” mới nhất cho Kiev. Danh sách này chủ yếu bao gồm đạn dược, bắt đầu bằng tên lửa dành cho hệ thống phòng không NASAMS và pháo phản lực HIMARS, đạn dành cho pháo ống 105 và 155, cũng như tên lửa chống tăng TOW và Javelin.

Theo Lầu Năm Góc, đây là “đợt thiết bị thứ 49 được cung cấp từ kho thiết bị cho Ukraine kể từ tháng 8/2021” – sáu tháng trước khi leo thang chiến sự với Nga vào tháng 2/2022.

Thông báo bao gồm các quan điểm mới của Nhà Trắng về việc viện trợ cho Ukraine là “một khoản đầu tư thông minh” nhằm củng cố cơ sở công nghiệp quân sự của Mỹ, và tạo ra “việc làm có tay nghề cao cho người dân Mỹ”. 

Trong một diễn biến khác, một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đã đưa ra dự luật độc lập nhằm ngăn chặn việc Washington gửi đề xuất 61 tỷ USD cho Ukraine, trong khi phê duyệt 14 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel. Các thượng nghị sĩ này tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng tận dụng sự ủng hộ của đảng Cộng hòa dành cho Tây Jerusalem và sự hoài nghi của họ đối với Kiev bằng cách ràng buộc viện trợ cho hai nước với nhau.