Bộ Ngoại giao Mỹ đã “bật đèn xanh” với hợp đồng mua bán quân sự khẩn cấp trị giá 138 triệu USD cho Ukraine nhằm cung cấp phụ tùng quan trọng và giúp Kiev sửa chữa, nâng cấp hệ thống tên lửa HAWK của mình.

hawk_6217-1712703046741
Hệ thống tên lửa HAWK của Mỹ. Ảnh Quân đội Mỹ.

Động thái này được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 9/4, theo đó, Washington cho rằng Ukraine có nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ bảo trì để duy trì hoạt động của hệ thống tên lửa HAWK, theo AP. 

Thông báo này được đưa ra sau một đợt hỗ trợ đạn dược trị giá 300 triệu USD mà Lầu Năm Góc công bố vào tháng trước. Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều đang tìm mọi cách để tiếp tục sự hỗ trợ cho Ukraine trong khi gói viện trợ cho Kiev trị giá 60 tỷ USD vẫn bị đình trệ tại Quốc hội.

HAWK là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung có chức năng phòng không, một trong những nhu cầu an ninh hàng đầu của Ukraine.

“Ukraine có nhu cầu cấp thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga. Việc bảo trì và nâng cấp Hệ thống vũ khí HAWK sẽ nâng cao khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ người dân cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. 

Trong phiên điều trần ở trước Quốc hội ngày 9/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh rằng nếu không có sự hỗ trợ, Ukraine sẽ không thể đánh bại Nga.

Ông Austin nói: “Vấn đề của Ukraine và kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine cũng sẽ có tác động toàn cầu đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.

Nếu Kiev thất thủ, điều này có thể gây nguy hiểm cho các nước láng giềng thành viên NATO vùng Baltic và có khả năng kéo quân đội Mỹ vào một cuộc chiến tranh kéo dài ở châu Âu.

Mỹ bắt đầu gửi hệ thống HAWK đến Ukraine từ năm 2022, một phần trong nỗ lực nâng cấp cho hệ thống tên lửa phòng không Stinger có kích cỡ nhỏ hơn, tầm bắn ngắn hơn, theo Reuters. 

Duy Tiến / CAND