Mỹ lên án Liên Hợp Quốc phá hoại triển vọng hoà bình ở Trung Đông, sau khi bị nhiều nước phản đối việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc trong phiên họp ngày 8/12. Ảnh: AP.
Một số đồng minh lâu đời nhất của Mỹ đã quay lưng với quyết định của Washington về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 8/12, theo VOA.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft nói tình trạng của Jerusalem nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa Israel và Palestine. "Chúng tôi không nhất trí với quyết định của Mỹ về việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem và đơn phương công nhận nó là thủ đô của Israel trước khi có thoả thuận cuối cùng", ông Rycroft nói.
Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ mang nguy cơ về xung đột chính trị, có thể chuyển thành xung đột tôn giáo không thể khắc phục được.
Nhiều thành viên của Hội đồng Bảo an đã chỉ trích quyết định của chính quyền Trump, cho rằng nó gây nguy cơ về việc sớm xét đoán kết quả tình trạng cuối cùng của Jerusalem, đe doạ toàn bộ tiến trình hoà bình. Các nước cũng bày tỏ quan ngại nó có thể khiến các nhóm cực đoan gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.
Đại sứ Ai Cập Amr Aboulatta nêu rõ quyết định của Mỹ là "tiền lệ nguy hiểm", hành động đơn phương vi phạm tính hợp pháp quốc tế. Đại diện của Thụy Điển chỉ trích quyết định của Mỹ trái ngược với luật quốc tế và các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, tình trạng Jerusalem cần được hai bên liên quan đàm phán giải quyết.
Trước phản ứng của các nước, Đại sứ Mỹ Nikki Haley vẫn bảo vệ quan điểm của Washington, cho hay việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel phản ánh "ý chí của người Mỹ", chỉ công nhận "thực tế trên thực địa".
Đại sứ Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Liên Hợp Quốc có nhiều hoạt động "phá hoại triển vọng hoà bình" cho Trung Đông, hơn là thúc đẩy nó. "Chúng tôi sẽ không là một phần trong đó", bà Haley nói.
Đại diện của Mỹ cũng khẳng định chủ quyền với Jerusalem vẫn do Israel và Palestine quyết định, thông qua đàm phán. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở biên giới và vẫn cam kết đạt được thoả thuận hoà bình lâu bền, ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu các bên nhất trí.
Đại sứ Israel Danny Danon hoan nghênh tuyên bố của Mỹ, cho rằng nó cần được coi là "bài kiểm tra thực tế" đối với người Palestine và các nước khác. Ông đánh giá quyết định của Mỹ là bước tiến quan trọng cho tiến trình hoà bình.
Đại sứ Palestine Riyad Mansour nêu rõ tuyên bố của Mỹ "cực kỳ đáng tiếc", làm gia tăng căng thẳng và đe doạ sự ổn định của tình hình.
Sau phiên họp, 4 nước thành viên của Hội đồng châu Âu là Anh, Pháp, Italy và Thuỵ Điển, cùng Đức, đã đưa ra tuyên bố chung, nhấn mạnh sự bất đồng với quan điểm của chính quyền Trump với Jerusalem. Họ cho rằng động thái mới của Mỹ đi ngược với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và không giúp ích gì cho việc bảo đảm hoà bình ở khu vực.
Cuộc họp này diễn ra sau khi hơn một nửa trong số 15 thành viên của Hội đồng yêu cầu họp khẩn.
Người Hồi giáo khắp Trung Đông biểu tình chống Trump Hàng chục nghìn người ở Trung Đông biểu tình, thể hiện sự đoàn kết với người Palestine, phản đối Tổng thống Trump công nhận Jerusalem ... |
Thánh địa Jerusalem dậy sóng Vị thế cuối cùng của Jerusalem luôn là một trong những vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột Israel - ... |