Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa tránh được kịch bản tồi tệ nhất là một cuộc chiến thương mại toàn diện, đe dọa đẩy giá hàng hóa lên cao và làm chậm đà tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thỏa thuận đạt được mang lại cảm giác "nhẹ nhõm" cho cả hai bên, nhưng rất ít người thực sự hào hứng với nội dung của nó.

Mỹ - EU bắt tay phút chót: Tránh được chiến tranh thương mại nhưng chưa thoát rủi ro
Mỹ - EU bắt tay phút chót: Tránh được chiến tranh thương mại nhưng chưa thoát rủi ro

Theo thỏa thuận, Mỹ áp mức thuế 15% với phần lớn hàng hóa từ châu Âu, cao hơn mức 10% mà ông Trump đưa ra ngày 2/4 và vượt xa mức trung bình khoảng 2% trước khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, mức thuế này vẫn thấp hơn nhiều so với các mức "kịch trần" mà Trump từng đe dọa sẽ áp dụng nếu không đạt được thỏa thuận.

Trước đó, hồi cuối tháng 5, khả năng EU đạt được thỏa thuận với Mỹ gần như là điều không tưởng. Bức xúc trước tiến độ đàm phán với 27 nước thành viên EU, ngày 24/5, ông Trump tuyên bố trên Truth Social rằng: “Chúng ta chẳng đi đến đâu cả!” và “Tôi không cần một thỏa thuận nào hết. Chúng tôi đã định sẵn rồi, mức thuế là 50%”.

Tuyên bố này khiến giới đàm phán thương mại châu Âu chấn động, buộc các lãnh đạo EU phải hành động nhanh chóng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen điện đàm cho ông Trump, cam kết EU sẽ “hành động nhanh chóng và dứt khoát”. Tổng thống Mỹ sau đó rút lại lời đe dọa và đồng ý tiếp tục đàm phán.

Trong nhiều tháng, hai bên vẫn bế tắc do Mỹ kiên quyết giữ mức thuế cao với thép và nhôm, đe dọa áp thuế với dược phẩm và đề xuất nâng sàn thuế với hầu hết mặt hàng lên 15%. Hạn chót ngày 9/7 bị bỏ lỡ, khiến chính quyền Trump phải lùi thời điểm áp thuế đối ứng sang 1/8.

Ngay trước hạn chót, ông Trump trong chuyến thăm Scotland đã gặp trực tiếp bà von der Leyen và hoàn tất khung thỏa thuận. Dù thiếu chi tiết và kèm theo nhiều điều kiện, thỏa thuận vẫn được xem là bước đột phá quan trọng.

Tránh được điều tồi tệ nhất

Hai nền kinh tế lớn đã tránh được một cuộc chiến thương mại có thể gây tổn thất lớn. Mỹ từng đe dọa áp thuế 50% với hàng hóa châu Âu, trong khi EU cũng chuẩn bị gói đáp trả chiến lược nhắm vào các ngành trọng yếu của Mỹ.

“Chúng tôi đã làm được. Thỏa thuận này sẽ mang lại kết quả rất tốt”, ông Trump phát biểu. Trong khi đó, bà von der Leyen nói rằng: “Chúng tôi đạt đúng mục tiêu. Tái cân bằng nhưng vẫn duy trì thương mại, mang lại việc làm và thịnh vượng cho hai bên bờ Đại Tây Dương”.

Thị trường phản ứng tích cực sau thông tin này, hợp đồng tương lai Dow Jones tăng 150 điểm, tương đương 0,3%. S&P 500 và Nasdaq futures cũng tăng lần lượt 0,3% và 0,4%.

“Có vẻ như Mỹ và EU vừa tránh được một cuộc chiến thương mại "tự hủy diệt" trong mối quan hệ thương mại - đầu tư lớn nhất toàn cầu”, chuyên gia Jörn Fleck tại Atlantic Council nhận định.

Chi tiết còn mơ hồ, lo ngại vẫn còn

Theo thỏa thuận, EU sẽ tăng đầu tư vào Mỹ thêm 600 tỷ USD và cam kết mua 750 tỷ USD năng lượng Mỹ. Hai bên xóa bỏ thuế quan với loạt mặt hàng gồm máy bay và linh kiện, chip bán dẫn, thuốc generic, hóa chất và một số nông sản.

Các ngành được miễn thuế hưởng ứng tích cực. Hiệp hội Airlines for America cho biết: “Chế độ thuế 0% sẽ tạo việc làm, củng cố an ninh kinh tế và hỗ trợ vai trò dẫn đầu của Mỹ trong sản xuất và an toàn hàng không”.

Tuy nhiên, phần lớn hàng hóa vẫn chịu mức thuế cơ sở 15%, gây áp lực chi phí cho cả doanh nghiệp châu Âu và người tiêu dùng Mỹ.

“Thuế cao hơn đồng nghĩa giá cả cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ và sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp EU”, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Đức, Alex Altmann cảnh báo và thêm rằng: “Các công ty châu Âu sẽ phải cân nhắc lại việc sản xuất hoặc lắp ráp tại Mỹ”.

Ngành ô tô Mỹ, đặc biệt là các hãng tại Detroit tiếp tục phản đối sau khi từng bất mãn với thỏa thuận tương tự với Nhật Bản. Thuế 15% với xe EU vẫn thấp hơn nhiều so với 25% mà các hãng Mỹ phải chịu nếu sản xuất tại Mexico.

Dù bà von der Leyen nói rằng dược phẩm nằm trong thỏa thuận, bà cũng thừa nhận ông Trump vẫn có thể áp thuế cao hơn với mặt hàng này, khiến thỏa thuận bị suy yếu.

Dù vậy, với các nhà đàm phán và vì lợi ích của kinh tế toàn cầu, “có thỏa thuận vẫn tốt hơn không có gì”. Thách thức bây giờ là hiện thực hóa các điều khoản còn mơ hồ đó.

 https://thoibaonganhang.vn/my-eu-bat-tay-phut-chot-tranh-duoc-chien-tranh-thuong-mai-nhung-chua-thoat-rui-ro-167908.html

Đại Hùng / thoibaonganhang.vn