Tương lai viện trợ Ukraine, lập trường của Washington trong vấn đề toàn cầu sẽ là bài toán mà các nhà lập pháp Mỹ phải tìm lời giải sau bầu cử giữa nhiệm kỳ.
- Ngày trước bầu cử giữa kỳ Mỹ: Vì sao đảng Dân chủ không mấy lạc quan?
- Mỹ cảnh báo Nga - Trung can thiệp bầu cử giữa nhiệm kỳ
Các vấn đề như lạm phát, tội phạm và tiếp cận quyền phá thai được xem là chủ đề chi phối bầu cử giữa kỳ Mỹ. Song, lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử ngày 8/11 sẽ còn tác động, ảnh hưởng đến sự can dự, giải quyết các vấn đề đối ngoại của Nhà Trắng trong 2 năm tới.
Sau nhiều năm rạn nứt, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có sự đồng thuận mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại đối với Trung Quốc và xung đột Nga - Ukraine. Nhà Trắng được cho sẽ duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh, thế nhưng, viện trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ khó đoán định hơn nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội Mỹ.
Viện trợ Ukraine
Theo Andrew Bennett, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown của Washington, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có thể tác động đáng kể đến chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó vấn đề có tính cấp thiết được tính đến là “giảm sự ủng hộ của Washington đối với Kiev”.
Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại nước này hồi tháng 2. (Ảnh: Reuters)
Trước khi diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden bày tỏ lo ngại về tương lai viện trợ của Mỹ cho Ukraine nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội.
Nỗi sợ hãi của ông Biden đã được củng cố bởi những tuyên bố của cựu Tổng thống Donald Trump về vấn đề này. Ông Trump chỉ trích Quốc hội phê duyệt gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine khi “các bậc cha mẹ Mỹ đang phải vật lộn để nuôi con của họ”.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa của Quốc hội Mỹ cũng nói rằng nên cắt giảm, thậm chí dừng lại khoản viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cho rằng: “Tôi nghĩ mọi người sẽ chứng kiện sự suy thoái của kinh tế Mỹ và họ sẽ không sẽ không chấp nhận việc ký séc viện trợ cho Ukraine".
Nếu Hạ viện rơi vào tay đảng Cộng hòa, hạ nghị sĩ McCarthy được cho sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện. Vị trí này đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định dự luật nào sẽ được đưa ra bỏ phiếu.
“Sự ủng hộ dành cho Ukraine trong Quốc hội thời gian qua vốn rất mạnh mẽ và mang tính lưỡng đảng”, ông Bennett nói, song nhận định viện trợ của Mỹ cho Ukraine phải đối mặt với “những giới hạn từ Quốc hội”. “Tất cả những điều này có nghĩa là sau cuộc bầu cử, sự ủng hộ tốt nhất đối với Ukraine sẽ vẫn được giữ nguyên, nhưng nhiều khả năng các khoản chi sẽ giảm xuống”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Bennett, thậm chí một số thành viên đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích về quy mô viện trợ của Mỹ cho Ukraine. “Tất cả 11 thượng nghị sĩ tại Thượng viện đã bỏ phiếu chống viện trợ cho Ukraine vào mùa xuân năm ngoái đều là đảng viên Cộng hòa, và 57 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng bỏ phiếu chống viện trợ vào tháng 5”, ông cho hay.
“Nếu đảng Cộng hòa giành được đa số trong Hạ viện hoặc Thượng viện, họ có thể bắt đầu hạn chế viện trợ cho Ukraine hoặc sử dụng các khoản viện trợ như con bài thương lượng với chính quyền Tổng thống Joe Biden cho những mục tiêu trong nước hoặc mục tiêu khác”, ông Bennett cho biết thêm.
Đồng quan điểm, Scott Anderson, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nghiên cứu viên tại Viện Brookings, nói rằng việc phản đối các gói viện trợ lớn cho Ukraine có thể diễn ra tại Hạ viện nếu đảng Cộng hòa kiểm soát song điều đó khó có thể xảy ra trong “một sớm một chiều”.
Ông Anthony Cordesman, Chủ tịch danh dự tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), cho rằng những vấn đề kinh tế có thể thách thức sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine trong thời gian tới.
“Số tiền Mỹ đổ vào Ukraine vẫn còn khá hạn chế so với những gì đã chi cho Afghanistan. Nhưng nếu lạm phát gia tăng kéo theo đó là loạt vấn đề kinh tế phát sinh, khi đó áp lực chi tiêu dân sự sẽ đè nặng lên chi tiêu quốc phòng”, ông Anthony Cordesman nói.
Ả Rập Xê-út: Bạn hay thù?
Tháng trước, OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng dầu. Động thái này được cho sẽ đe dọa khả năng giành phiếu của đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nhiều thành viên của đảng Dân chủ kêu gọi Nhà Trắng trừng phạt, dừng bán vũ khí cho Riyadh hoặc rút quân Mỹ khỏi nước này.
Sau đó, Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ buộc Ả Rập Xê-út phải gánh hậu quả bởi quyết định ủng hộ giảm sản lượng dầu trong OPEC+. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có hành động rõ ràng từ phía Nhà Trắng. Giới chức chính quyền Mỹ nhấn mạnh lợi ích Washington ở Ả Rập Xê-út vượt ra ngoài nhu cầu năng lượng.
Theo chuyên gia Anderson, dù cho kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ thế nào, hành động đáp trả của Washington đối với Riyadh cũng khó có thể xảy ra.
Không dễ để chính quyền Tổng thống Joe Biden xử lý mối quan hệ với Ả Rập Xê-út sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. (Ảnh: Reuters)
"Ngay cả khi có những tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đảng Dân chủ trong việc gây áp lực trừng phạt đối với Ả Rập Xê-út, sẽ khó có sự đồng thuận hoàn toàn đối với chính quyền Biden. Phía Mỹ chỉ muốn nhắn gửi đến Ả Rập Xê-út rằng nước này cần nhượng bộ hơn”, ông cho biết.
Trong khi đó, nhà phân tích Taleblu dự đoán cho dù đảng Dân chủ có đủ động lực và số phiếu cần để thông qua các đề xuất vào năm tới, thì các biện pháp mạnh tay của Nhà Trắng đối với Ả Rập Xê-út hay Trung Đông sẽ không thực sự có lợi cho Washington.
“Nếu mối quan hệ với Ả Rập Xê-út và các quốc gia khác trong Vịnh Ba Tư bị chính trị hóa nhiều hơn và lợi ích của mối quan hệ an ninh quốc gia hiện tại không được đánh giá cao, Washington sẽ gặp khó trong việc xử lý mối quan hệ với những nước trong khu vực”, ông Taleblu cho hay.
Còn chuyên gia Cordesman lập luận, hành xử của chính quyền Biden đối với Ả Rập Xê-út thời gian tới sẽ phụ thuộc vào việc liệu chi phí năng lượng trong mùa đông tới có tăng hay không. Vị này cho rằng, kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ không quá ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ với Ả Rập Xê-út.
“Giá dầu càng tăng, càng có nhiều người Mỹ cho rằng chính quyền Biden phải hành động nhiều hơn, tạo áp lực để Ả Rập Xê-út tăng mức xuất khẩu dầu nhiều hơn”, ông Cordesman nói.
"Mối đe dọa" từ Iran
Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, phe Cộng hoà có thể thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden dành sự quan tâm nhiều hơn đến Iran, thậm chí là cứng rắn hơn trong vấn đề hạt nhân của Tehran.
Trong thời gian qua, chính quyền Biden có cách tiếp cận mềm dẻo với Iran nhằm kêu gọi nước này kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân, mở ra cơ hồi hồi sinh thỏa thuận hạt nhân dưới thời ông Obama. Trước đó, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này dưới thời ông Trump vào năm 2018.
Cách tiếp cận của chính quyền Biden trong vấn đề Iran là vậy, song sau nhiều tháng đàm phán, mục tiêu ông Biden cũng như cộng sự đặt ra ban đầu bất thành. Dẫu vậy, Nhà Trắng không chính thức tuyên bố rằng sẽ kết thúc đàm phán với Iran.
Behnam Ben Taleblu, chuyên gia phân tích về Iran tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (FDD) có trụ sở tại Washington, cho rằng có sự khác biệt giữa lời nói và hành động của chính quyền Biden trong chính sách đối với Iran. Theo ông, Nhà Trắng vẫn đang theo đuổi, mặc cả với Tehran về việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Washington.
Bều cử giữa nhiệm kỳ được xem là "cuộc trưng cầu dân ý" đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: EPA-EFE)
Bất kể đảng nào đang nắm quyền kiểm soát Quốc hội, ông Behnam Ben Taleblu cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của Quốc hội Mỹ tiếp theo là phải yêu cầu Nhà Trắng có chiến lược rõ ràng đối với Iran, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Tehran và Moskva ngày càng được thắt chặt.
“Có rất nhiều thứ để giải quyết, Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ mới cần câu trả lời để tiếp tục xây dựng đối sách với Iran”, chuyên gia Behnam Ben Taleblu cho hay.
Trong khi đó, nhà phân tích McConnel cho biết Quốc hội do đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ phản đối việc chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran. “Việc quay trở lại thỏa thuận đó thậm chí còn trở nên khó khăn hơn so với hai năm qua”, ông nói.
Tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng sẽ không có thay đổi lớn về chính sách, cho dù kết quả bầu cử giữa kỳ như thế nào.
“Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện đều ủng hộ chính sách kinh tế cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Do vậy, căng thẳng gia tăng trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc trong những năm qua có thể sẽ tiếp diễn cho dù đảng nào giành chiến thắng trong bầu cử giữa nhiệm kỳ”, ông Bennett cho biết.
Nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng, ông Bennett cho rằng Mỹ sẽ thực thi chính sách chặt chẽ đối với nhập cư, ít hỗ trợ cho các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu, có chính sách quyết đoán đối với Iran và ít ủng hộ hơn cho NATO. Những điều này cho thấy động thái Mỹ quay trở lại chính sách dưới thời chính quyền ông Trump.
“Thái độ của Quốc hội Mỹ đối với Israel và Ả Rập Xê-út sẽ quay lại lập trường truyền thống”, chuyên gia McConnel nhận định, đồng thời cho rằng quan điểm của Washington đối với Trung Quốc, Venezuela cũng như Triều Tiên sẽ không có thay đổi.