Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ các chính sách và hành động kinh tế của Trung Quốc nhằm tác động đến giá trị đồng tiền của nước này.
Trung Quốc là một trong 12 quốc gia bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, hiện không có quốc gia nào bị Washington cáo buộc thao túng tiền tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh.
Đây là báo cáo được Bộ Tài chính Mỹ gửi đến Quốc hội nước này xem xét các quốc gia có thặng dư thương mại lớn, tích cực can thiệp vào thị trường ngoại hối với để để giữ cho đồng tiền của họ không tăng giá - điều này giúp cho xuất khẩu của nước đó trở nên cạnh tranh hơn.
Bắc Kinh từ lâu đã là mục tiêu giám sát của Washington. Mỹ thường xuyên cáo buộc chính phủ Trung Quốc giữ tỷ giá hối đoái thấp thông qua việc mở rộng kho dự trữ USD khổng lồ, làm suy yếu các nhà sản xuất Mỹ.Tuy nhiên, quan chức Bộ Tài chính cho biết, các phát hiện trong báo cáo phần lớn mang tính biểu tượng và không dẫn đến các biện pháp trừng phạt.
"Bộ Tài chính đang làm việc không ngừng để thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu mạnh mẽ và cân bằng hơn, mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ, trong đó có cả thông qua cam kết chặt chẽ với các nền kinh tế lớn về các vấn đề liên quan đến tiền tệ", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết.
Báo cáo chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch về sự can thiệp ngoại hối. "Trung Quốc tạo điều kiện cho đồng tiền của họ bị định giá thấp thông qua sự can thiệp kéo dài, quy mô lớn vào thị trường ngoại hối. Ngày càng nhiều lo ngại rằng Trung Quốc đã không nâng cao tính minh bạch của các chính sách, ngoại hối của mình”, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ nêu.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Bắc Kinh đã triển khai các biện pháp kích thích khổng lồ trong đại dịch COVID-19 để hỗ trợ nền kinh tế, những khoản chi này "nhằm mục đích sớm khôi phục sản xuất hơn là hỗ trợ tiêu dùng của các hộ gia đình”.
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, "Trung Quốc nên tìm cách đảo ngược tình hình và củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn”.