Mỹ sẽ giúp 3 quốc đảo Micronesia, Palau và Marshall nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khuôn khổ chuyến công du khu vực châu Á - Thái Bình Dương kéo dài một tuần, hôm qua (5/8), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thủ đô Palikir, Liên bang Micronesia, nhằm tái khẳng định cam kết hỗ trợ của Chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với một số quốc đảo Thái Bình Dương và đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tại Palikir, Ngoại trưởng Pompeo đã gặp Tổng thống nước chủ nhà David W. Panuelo, Tổng thống Cộng hòa quần đảo Marshall - Hilda C. Heine, và Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa Palau - Raynold B. Oilouch nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung đối với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Mỹ khởi xướng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Nguồn: EPA). |
Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố, chuyến thăm lịch sử của ông đến Micronesia nhằm tái khẳng định cam kết, rằng Mỹ sẽ giúp ba quốc đảo Thái Bình Dương bảo vệ chủ quyền, an ninh, quyền được sống trong tự do và hòa bình. Mỹ sẽ phản đối mưu toan của bất kỳ quốc gia lớn hơn nào nhằm biến các quốc đảo Thái Bình Dương thành chỗ đứng vững chắc cho sự thống trị khu vực.
Bên cạnh lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Mỹ sẽ tiếp tục đề xuất hỗ trợ ba nước đối phó với những thảm họa thiên nhiên và tiếp tục giúp xây dựng các xã hội mạnh thông qua Sáng kiến các nhà lãnh đạo trẻ Thái Bình Dương. Mỹ cũng sẽ chung tay với ba quốc đảo để giải quyết các thách thức y tế và duy trì khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết, Mỹ đã bắt đầu đàm phán về việc gia hạn Thỏa thuận Hiệp hội Tự do (CFA) với từng nước. Theo ông Pompeo, những thỏa thuận này giúp duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng mà các nước tự do liên kết đã có với Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai. Những thỏa thuận này cũng sẽ duy trì sự hỗ trợ kinh tế quan trọng của Mỹ dành cho người dân Micronesia, Marshall và Palau trước những nỗ lực của Trung Quốc lôi kéo các quốc đảo Thái Bình Dương vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, đến thời điểm này, hầu hết các khoản vay ưu đãi của Bắc Kinh đều chảy vào các nền kinh tế quốc đảo Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao mạnh mẽ với Trung Quốc, gồm Fiji, Papua New Guine, Tonga, Samoa và Vanuatu.