Quân đội Mỹ sẽ xây dựng một cảng biển tạm thời ven bờ Địa Trung Hải ở Gaza để tiếp nhận viện trợ qua đường biển, trong bối cảnh tình hình nhân đạo diễn biến thảm khốc tại khu vực này.
Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 7/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quân đội nước này sẽ xây dựng cảng tạm thời trên bờ biển Địa Trung Hải của Gaza để nhận viện trợ nhân đạo bằng đường biển, trong bối cảnh nguồn hàng cứu trợ vào Gaza không đủ để xoa dịu thảm họa nhân đạo.
Một quan chức Mỹ cũng xác nhận ông Biden sẽ báo cáo với Quốc hội về chỉ đạo quân đội “thực hiện sứ mệnh khẩn cấp nhằm thiết lập một cảng ở Gaza, hợp tác với các quốc gia cùng chung chí hướng và các đối tác nhân đạo”.
Song, tuyệt đối không có binh sĩ Mỹ hiện diện tại Dải Gaza - ông Biden nhấn mạnh.
Cảng Larcana trên Đảo Síp cách bờ biển Gaza khoảng 210 hải lý, là nơi tập kết hàng viện trợ trước khi được chuyển tới cảng tạm ở Gaza.
Theo đó, hàng viện trợ sẽ được tập kết tại cảng Larnaca trên Đảo Síp, tạo điều kiện cho quân đội Israel kiểm tra trước khi vận chuyển tới bến cảng mới tại Gaza.
Cảng biển này sẽ có khả năng tiếp nhận các tàu lớn chở thực phẩm, nước uống, vật tư y tế và nơi trú ẩn tạm thời.
Washington sẽ hợp tác với các đối tác, đồng minh ở châu Âu và trong khu vực, thiết lập một liên minh quốc tế gồm các quốc gia có khả năng đóng góp năng lực và kinh phí xây dựng, vận hành cảng biển. Trong đó, Israel có vai trò phối hợp duy trì an ninh cùng Mỹ tại cảng tạm.
Phản ứng trước kế hoạch xây dựng cảng biển tiếp nhận viện trợ ở Gaza của Mỹ, một quan chức Israel cho biết nước này hoàn toàn ủng hộ việc triển khai một bến cảng tạm thời có sự tham gia phối hợp vận hành giữa hai bên.
Về phía Liên hợp quốc, ngày 7/3, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của tổ chức bày tỏ nhất trí cao khi có thêm phương thức vận chuyển hàng viện trợ tới Dải Gaza.
Tuy nhiên ông nhấn mạnh vận tải đường bộ tiết kiệm chi phí và thuận tiện hơn, do đó cần mở thêm hành lang cho phép nhiều xe tải hơn nữa vận chuyển hàng cứu trợ vào khu vực này.
Quyết định xây cảng tạm thời của ông Biden được công bố trong bối cảnh Liên hợp quốc cảnh báo về nạn đói khốc liệt đối với 2,3 triệu người dân Palestine sau gần 5 tháng xảy ra xung đột.
Ông cũng đang phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng gay gắt nhằm chấm dứt cuộc tấn công của Israel, bao gồm cả phong trào phản đối của các cử tri Đảng Dân chủ từ chối ủng hộ ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Đến nay, gần 31.000 người Palestine đã thiệt mạng sau các cuộc tấn công dữ dội của Israel, gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng tại Gaza đã bị phá hủy, hầu hết người dân phải rời bỏ nhà cửa.
Trong khi đó, thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel đang lâm vào bế tắc khi Israel từ chối yêu cầu của Hamas về việc chấm dứt các hoạt động quân sự và rút quân khỏi lãnh thổ Gaza.