Mỹ là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn và là nhà cung cấp chính cho châu Âu. Do đó, việc nước này đang phải hứng chịu trận bão tuyết lớn trong mùa đông có thể ảnh hưởng mạnh đến thị trường LNG, nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong đó có châu Âu.

Dọn tuyết bằng máy xúc tại một con đường ở Buffalo, New York (Mỹ) ngày 26-12.

Theo trang oilprice.com, lốc xoáy vùng cực ở Mỹ đã khiến hàng triệu hộ gia đình bị gián đoạn nguồn cung điện và làm gián đoạn kế hoạch đi lại của hàng triệu người do hàng nghìn chuyến bay bị hủy. Ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh cuối tuần trước, gần 250 triệu người dân Mỹ và Canada đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão tuyết, trong đó, hàng chục người thiệt mạng.

Mỹ đã ban hành cảnh báo về “đóng băng cứng” cho tất cả các bang dọc theo duyên hải Vịnh Mexico như Texas, Louisiana, Alabama và Florida. Đóng băng cứng xảy ra khi nhiệt độ giảm xuống -2 độ C hoặc thấp hơn trong một thời gian dài, khiến hầu hết các loại cây trồng không thể tồn tại. Do tình hình thời tiết trong nước bất lợi, sản lượng khí đốt của Mỹ cho nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu đã giảm mạnh. Tình hình như vậy không xảy ra trong hơn một thập kỷ qua.

Mặc dù lưới điện bang Texas cố gắng tránh được những sự cố thảm khốc trong cơn bão, nhưng các đơn vị vận tải biển cảnh báo có thể xảy ra gián đoạn giao thông trên các tuyến đường thủy phục vụ trạm xuất khẩu LNG lớn nhất của bang, đặt tại khu vực Sabine Pass. Nhiệt độ đóng băng, có thể trì hoãn hoặc làm ngừng các dịch vụ hoa tiêu cho tuyến đường thủy Sabine - Neches phục vụ việc vận chuyển LNG từ Sabine Pass. Ngoài ra, thời tiết cực đoan cũng làm gián đoạn quá trình sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại nhà máy Cameron LNG ở bang Louisiana (Mỹ). Hiện các nhân viên tại cơ sở 12 triệu tấn mỗi năm đang cố gắng khôi phục sản lượng...

Sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ dự kiến sẽ giảm mạnh nhất kể từ mùa đông năm ngoái do thời tiết lạnh giá khiến các khu vực sản xuất chính phải đóng cửa các giếng. Trong ngày 26-12, nguồn cung cấp khí đốt tại Mỹ đã giảm 2,8 triệu mét khối, chiếm 10% tổng sản lượng. Hơn 1,5 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp bị mất điện, các nhà máy lọc dầu ở Texas cắt giảm sản lượng xăng và dầu diesel do lỗi thiết bị, giá sưởi ấm và điện tăng do mất điện. Thiệt hại sản xuất dự kiến sẽ không kéo dài, nhưng sự việc này đã làm tăng giá nhiên liệu.

Mỹ đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm 2022, lấp đầy khoảng trống do Nga để lại. Phó Chủ tịch điều hành phụ trách thương mại toàn cầu của Cheniere Energy Corey Grindal cho biết, nguồn cung từ Nga giảm đã “thực sự thay đổi động lực dòng chảy” đối với khí đốt ở châu Âu. Giá LNG đã tăng kỷ lục vào đầu năm nay khi châu Âu đang chạy đua để dự trữ nhiên liệu này trước mùa đông. Việc EU khuyến khích ngừng phụ thuộc khí đốt Nga và tìm nguồn thay thế đã khiến châu Âu trở thành điểm đến ưa thích của các nhà xuất khẩu LNG theo hợp đồng linh hoạt, đặc biệt là từ Mỹ. Mỹ đã vận chuyển khoảng 70% tổng lượng xuất khẩu LNG đến châu Âu trong những tháng gần đây.

Theo ước tính từ Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford (OIES), từ tháng 1 đến tháng 11-2022, nhập khẩu LNG vào Liên minh châu Âu (EU) và Anh cộng lại đã tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng nhập khẩu từ Mỹ đã tăng 176%. Đầu tháng này, nhà giao dịch hàng hóa Trafigura cho biết, do tình hình sụt giảm vận chuyển khí đốt qua đường ống dẫn của Nga, châu Âu sẽ cần khối lượng khổng lồ LNG vào năm tới, đồng thời dự đoán thị trường khí đốt tự nhiên và LNG sẽ tiếp tục biến động.

LNG của Mỹ là xương sống trong chính sách độc lập với năng lượng Nga của EU. Tuy nhiên, trận bão tuyết khắc nghiệt đã khiến sản lượng LNG từ Washington bất ngờ sụt giảm. Các nhà phân tích nhận định sự kiện này khiến thị trường năng lượng vốn đã biến động mạnh về giá trong năm nay sẽ càng thêm khan hiếm.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1051615/my-hung-chiu-bao-tuyet-nguy-co-tram-trong-them-khung-hoang-nang-luong

THÙY DƯƠNG / HNM.com.vn