Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/8 ký sắc lệnh trừng phạt Nga vì nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ đầu độc một cựu điệp viên ở Anh. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: USA Today.

Chính quyền Trump tháng 8 năm ngoái áp vòng trừng phạt đầu tiên với Nga theo một đạo luật năm 1991, sau khi cáo buộc Moskva đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok, vốn được coi là vũ khí hóa học, để ám sát cựu điện viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái của ông này, Yulia, tại Anh hồi tháng 3/2018.

Vụ tấn công khiến hai cha con Skripal hôn mê và một phụ nữ Anh thiệt mạng. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ các cáo buộc, khẳng định Nga không liên quan trong vụ này.

Đạo luật kiểm soát và loại bỏ vũ khí sinh học và hóa học năm 1991 yêu cầu tổng thống Mỹ phải áp vòng trừng phạt thứ hai nếu không khẳng định được quốc gia bị cấm vận đã ngừng sử dụng vũ khí hóa học. Tình báo Mỹ đến nay chưa thể khẳng định được điều này.

Dù vậy, Trump suốt nhiều tháng qua do dự không ký sắc lệnh áp vòng trừng phạt thứ hai với Nga. Khi tới Ohio vận động tranh cử hôm 1/8, ông vẫn tiếp tục tìm cách giảm nhẹ mối đe dọa từ nguy cơ Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Nhưng các nghị sĩ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gia tăng áp lực lên Tổng thống. Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Hạ viện hôm 29/6 gửi kiến nghị lên Tổng thống, yêu cầu phải áp vòng trừng phạt thứ hai đối với phía Nga.

"Sau vòng trừng phạt đầu tiên nhằm đáp trả Nga sử dụng chất độc thần kinh trong vụ ám sát nhằm vào công dân tự do ở Anh, Nga đã không đưa ra được những đảm bảo theo quy định của luật pháp Mỹ. Vì vậy, chúng tôi sẽ áp vòng trừng phạt thứ hai", một quan chức cấp cao chính quyền Trump cho biết.

Động thái được cho là miễn cưỡng từ phía Trump, trong bối cảnh chính quyền ông đang nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Washington và Moskva. Trump hôm 31/7 đã gọi điện cho Tổng thống Putin, đề nghị giúp Nga chiến đấu với các vụ cháy rừng đang diễn ra ở Siberia. Moskva cảm ơn đề nghị của Trump nhưng cho hay đã có đủ lực lượng ứng phó.

Skripal, 66 tuổi, từng phục vụ trong Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU). Ông bị bắt năm 2004 và lĩnh án 13 năm tù năm 2006 vì tội hoạt động gián điệp cho Anh, sau đó được thả tự do trong một cuộc trao đổi điệp viên. Skripal chuyển tới Anh tị nạn và sống âm thầm cho tới khi bị đầu độc.

Mai Lâm (Theo CNN)

Khám phá các vũ khí giết người tinh vi của điệp viên
Iran tung tin bắt loạt điệp viên CIA, Tổng thống Trump phản ứng mạnh
Iran tuyên bố xử tử điệp viên trong mạng lưới tình báo Mỹ
Vụ xử tử cặp vợ chồng 'điệp viên' 60 năm gây tranh cãi
Cái chết của cô gái bị nghi là điệp viên ở Na Uy thời Chiến tranh Lạnh

/ vnexpress.net