Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh châu Á chủ chốt đang chuẩn bị mở rộng chiến dịch ngăn chặn tàu bị nghi vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên, Reuters đưa tin ngày 23-2.
Giới chức cấp cao Mỹ cho biết kế hoạch nêu trên có thể bao gồm việc triển khai Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ để ngăn và lục soát các tàu ở châu Á – Thái Bình Dương.
Washington đã bàn bạc với các đồng minh khu vực - trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Singapore – về kế hoạch hợp tác nhằm mở rộng quy mô chiến dịch ngăn chặn Bình Nhưỡng sử dụng tàu buôn phục vụ cho chương trình tên lửa và hạt nhân của họ.
Chiến lược mới kêu gọi theo dõi sát sao hơn và ngăn chặn những tàu bị nghi chở thành phần vũ khí cấm cũng như các hàng hóa bị cấm ra vào Triều Tiên - các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, đồng thiết tiết lộ rằng Mỹ có thể cân nhắc tăng cường sức mạnh hải quân và không quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Cũng theo các quan chức này, kế hoạch chưa từng được công bố nói trên cho thấy sự khẩn trương của Washington trong việc ép Triều Tiên đàm phán từ bỏ chương trình vũ khí.
Tàu USCGC Sherman (WHEC 720) của lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ trở về căn cứ Hawaii sau chiến dịch tuần tra kéo dài 94 ngày ở Bắc Băng Dương và biển Bering. Ảnh: Reuters
Triều Tiên có thể phát triển thành công tên lửa đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Mỹ trong vài tháng tới bất chấp đang bị trừng phạt quốc tế. Những quan chức nói trên khẳng định Bình Nhưỡng có thể đã "qua mặt" các biện pháp trừng phạt nặng nề bằng cách sử dụng tàu thuyền vận chuyển và tiếp nhận hàng hóa bị cấm.
Kế hoạch này có thể nhằm vào các tàu thuyền di chuyển trên vùng lãnh hải quốc tế của những quốc gia đồng ý tham gia. Mặc dù chưa có thông tin chi tiết, Reuters nhận định phạm vi kế hoạch có thể mở rộng ra ngoài châu Á.
Kế hoạch này, vẫn đang được xây dựng, nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như rủi ro đáp trả từ Triều Tiên hoặc sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc và Nga, 2 quốc gia đã ngăn chặn Mỹ tìm kiếm sự cho phép của Liên Hiệp Quốc về sử dụng vũ lực trong các chiến dịch ngăn chặn Triều Tiên, nhiều khả năng sẽ phản đối kế hoạch mới nếu họ xem Mỹ vượt quá giới hạn.
Một quan chức Trung Quốc giấu tên khẳng định những động thái như vậy chỉ được thực hiện dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin công bố lệnh trừng phạt mới chống lại Triều Tiên trong buổi họp báo diễn ra ở Nhà Trắng hôm 23-2. Ảnh: Reuters
Trong động thái gây sức ép khác, Mỹ hôm 23-2 tuyên bố đang ban hành gói trừng phạt lớn nhất nhằm vào Triều Tiên.
Bộ Tài chính Mỹ khẳng định đã trừng phạt 1 người Đài Loan bên cạnh 27 công ty vận tải biển, năng lượng ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và 28 con tàu. Theo đó, lệnh trừng phạt sẽ phong tỏa tài sản ở Mỹ của cá nhân và những công ty nói trên, đồng thời cấm công dân Mỹ giao thương với họ.
Ngoài ra, Mỹ còn đề xuất các thực thể bị đưa vào danh sách đen dưới các biện pháp trừng phạt riêng biệt của Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Trump cảnh báo sẽ tiến hành "giai đoạn hai" nếu các biện pháp trừng phạt không phát huy tác dụng.
"Giai đoạn hai có thể là một giai đoạn rất quyết liệt, có thể rất, rất không may cho thế giới" – Tổng thống Trump tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền của ông không loại trừ biện pháp quân sự.
Tổng thống Donald Trump cảnh báo "giai đoạn hai sẽ rất, rất không may cho thế giới". Ảnh: Reuters
Ông Trump tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện đủ các nghị quyết chống Triều Tiên của ... |
Hé lộ cuộc tập trận của các \'chiến binh bàn phím\' Mỹ-Hàn chống Triều Tiên Trong những boongke được điều hòa không khí mát lạnh và tại các căn cứ quân sự trên khắp Hàn Quốc, những bàn phím máy ... |