Nếu Nga thực hiện cam kết, Washington sẽ đảm bảo rằng NATO sẽ không triển khai các lực lượng thường trực ở Đông Âu.
Rót lời mật ngọt
Trang The National Interest của Mỹ cho rằng ngoài mối quan hệ có phần xích lại gần nhau của hai Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin, thì về cơ bản mối quan hệ giữa hai nước Mỹ và Nga tồn tại những bất đồng gây tranh cãi về hàng loạt vấn đề như Syria, Ukraine, Crimea, những vi phạm của Moskva về Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), cáo buộc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở châu Âu và bầu cử Mỹ năm 2016.
Thế nhưng, Washington và Moscow lại có nhiều mối quan tâm chung: cuộc chiến chống khủng bố nói chung và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nói riêng, duy trì một khu vực Trung Đông ổn định, ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân và Triều Tiên thử tên lửa hạt nhân và đảm bảo một cán cân hạt nhân chiến lược vốn được duy trì trong hơn 50 năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức hồi tháng 7 |
Câu hỏi là làm thế nào để Mỹ và Nga vượt qua những khác biệt để thúc đẩy hợp tác về những lợi ích chung này?
Đề xuất được đưa ra là Tổng thống Mỹ Trump phải công khai phản đối những nỗ lực của Nga nhằm phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, còn Tổng thống Nga Putin cần thừa nhận hành động can thiệp này của Moscow đồng thời cần cam kết không tái diễn. Theo tờ báo Mỹ, ngay cả khi lời cam kết này chỉ là lời "hứa suông" thì đó vẫn là điều mà ông Putin cần phải làm.
Việc ông Trump không thừa nhận thực tế về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ đã làm dấy lên nhiều đồn đoán và nghi ngờ về động cơ của ông. Trong khi đó, việc ông Putin từ chối thừa nhận sự can thiệp của Moscow chỉ làm gia tăng những nỗ lực của Quốc hội Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Thực tế là hai nước đã có thể làm nhiều hơn thế nếu Washington tỏ rõ lập trường về các mục tiêu của mình giống như những gì mà Moscow luôn thể hiện. Ví dụ trong vấn đề Syria, Washington cần tăng cường bất kỳ nỗ lực nào mà nước này có thể đã triển khai để đảm bảo giảm thiểu các vụ va chạm trên không và trên mặt đất với các lực lượng của Nga. Nếu hai bên đạt được một thỏa thuận về giảm thiểu va chạm thì bước tiếp theo có thể là khả năng hai bên phối hợp thực hiện hoạt động tuần tra chung ở những vùng an toàn, để đảm bảo dòng người tị nạn hồi hương an toàn.
Về phần Nga, điều chắc chắn là Moscow sẽ yêu cầu Washington không tiến hành bất kỳ âm mưu nào nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nếu Mỹ thực sự từ bỏ ý định lật đổ ông Assad, và theo đó, ngừng hỗ trợ lực lượng phiến quân chống lại lực lượng Chính phủ Syria, thì Nga cần làm tất cả những gì có thể để gây sức ép buộc Iran rút lực lượng ra khỏi Syria.
Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria hạ cánh |
Cũng nhân đây, tờ báo Mỹ than phiền rằng chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama dù phản đối mạnh mẽ việc Nga sáp nhập Crimea và can thiệp vào Ukraine, song đã không hành động mạnh tay để hậu thuẫn Kiev bằng biện pháp cần thiết, ngoài việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vốn không giúp lay chuyển lập trường của Moscow về hai vấn đề này.
Chính quyền của Tổng thống Trump được đánh giá là còn nhẹ tay hơn đối với Nga so với Chính quyền tiền nhiệm. Có thể Washington không làm được gì nhiều về vấn đề Crimea, song việc đạt được một nhận thức chung với Moscow về vấn đề Ukraine là nằm trong tầm tay.
Để làm được điều này, giới phân tích Mỹ cho rằng Washington nên nhấn mạnh rằng Nga cần rút các lực lượng của mình và ngừng hỗ trợ các tay súng đòi độc lập ở Ukraine. Về phần mình, Mỹ có thể đảm bảo rằng Washington sẽ phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Kiev về gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cuối cùng, Washington cần tỏ rõ quan điểm đối với Moscow rằng Mỹ sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện các lực lượng của mình ở châu Âu nếu Nga không đảm bảo rằng nước này sẽ ngừng vi phạm hiệp ước INF cũng như mọi hành động của Moscow sẽ phải dựa trên sự cam kết đó. Nếu Nga thực hiện cam kết, Washington sẽ đảm bảo rằng NATO sẽ không triển khai các lực lượng thường trực ở Đông Âu.
The National Interest dẫn lời ông Zamay Khalilzad, cựu Giám đốc cơ quan hoạch định chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Liên hợp quốc, cho rằng Mỹ và Nga vẫn còn cơ hội cải thiện quan hệ song phương theo thời gian. Theo ông, có ba kịch bản cho sự phát triển của mối quan hệ này:
Kịch bản thứ nhất: Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục quan tâm tới việc hợp tác với Nga. Ông Trump muốn kiềm chế và xóa sổ mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, đạt tiến triển trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng tại Syria và Ukraine, cũng như đối phó với các thách thức từ nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn có giới hạn ở Syria mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đạt được bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, có thể là nền tảng để ông Trump duy trì và hiện thực hóa ý định cải thiện quan hệ với Nga, mục tiêu mà ông từng nhiều lần nhắc đến trong chiến dịch vận động tranh cử, bất chấp những nguy cơ từ chính trị trong nước.
Mỹ muốn hợp tác với Nga để tránh va chạm tại Syria |
Kịch bản thứ hai: Tổng thống Putin trở nên nghiêm túc hơn với việc hợp tác cùng Mỹ và bắt đầu đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn về những ý định của mình, trong từng lĩnh vực và vấn đề cụ thể.
Chuyên gia Mỹ cho rằng việc Tổng thống Putin thiếu "cụ thể" cho đến nay vẫn luôn là trở ngại chính trong việc cải thiện quan hệ song phương với Mỹ. Trong cuộc gặp với giới chức cấp cao Mỹ, ông Putin chủ yếu dành thời gian than phiền về các chính sách dưới thời chính quyền Barack Obama hoặc nhắc về các vụ không kích bằng tên lửa phi lý của Mỹ ở Syria. Ông Putin không đề cập cụ thể tới bất kỳ vấn đề nào, và thậm chí còn đột ngột hủy chuyến thăm Nga của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Shannon, sự kiện được dự kiến là cơ hội để hai bên thảo luận về hàng loạt vấn đề cùng quan ngại.
Chuyên gia Mỹ phỏng đoán có thể Tổng thống Putin đơn giản chỉ là không muốn nói chuyện với bất kỳ quan chức nào khác ngoài Tổng thống Mỹ. Cuộc gặp ở Hamburg giữa ông Putin với nhà lãnh đạo Mỹ đã mang lại hiệu quả với thuận ngừng bắn ở Syria.
Mỹ và Nga vẫn còn "cửa" để hợp tác? |
Kịch bản thứ ba: Chính quyền Donald Trump có thể đưa ra một chiến lược cân bằng và thực tế với Nga khi phải giải quyết những mâu thuẫn cụ thể như cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Washington nên nhạy cảm với các mối quan tâm của người Nga và tìm kiếm những lĩnh vực hai bên có thể được lợi từ việc cải thiện quan hệ song phương, chẳng hạn như đối phó với chủ nghĩa khủng bố; ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt, tên lửa và công nghệ thông tin, an ninh mạng...
Đáng chú ý, chuyên gia Mỹ cho rằng Nga cần hợp tac với Mỹ để thúc đẩy hiệu quả trong các hoạt động của Liên hợp quốc bằng việc có những lập trường chung trong các thách thức quan trọng và tránh phủ quyết khiến Hội đồng Bảo an rơi vào bế tắc!
Nhìn bề ngoài, những lời kêu gọi của Mỹ có vẻ rất chân thành và tạo cảm giác người Nga đang bất hợp tác, nhưng xem xét kỹ thì đó là những lời hô hào một chiều. Những đề xuất dù là "kịch bản" hay "cấp độ" nào cũng đều có điểm chung là muốn Moscow phục tùng theo ý muốn từ Washington trong mọi vấn đề.
Bộ ba Nga-Thổ-Iran tung hoành Trung Đông Quan hệ Thổ - Iran ngày càng thân thiết với sự điều tiết của Nga, sẽ góp phần tích cực mang lại hòa bình, ổn ... |
Việt Nam đứng đầu thế giới về chỉ số tin tưởng Nga Một cuộc khảo sát của truyền thông phương Tây đã cho thấy rõ quan điểm của nhân dân các nước về sự tin tưởng vào ... |