Sau cuộc họp ba bên sáng 13/2 (giờ Việt Nam) tại thủ phủ Honolulu của Hawaii (Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui Yong đã ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề quốc tế mang tính toàn cầu.

Tuyên bố chung nêu rõ mục đích của cuộc gặp là nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 3 nước trong việc tìm hướng giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế kỷ XXI. Những quan hệ liên minh của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản đã kéo dài nhiều thập niên và quan hệ hữu nghị lâu bền cũng như các giá trị chung của 3 bên dẫn dắt 3 nước trong nỗ lực đạt được một tương lai thịnh vượng và an toàn.

Cũng theo tuyên bố chung, thế kỷ XXI không chỉ tồn tại những thách thức chưa từng có mà còn mang đến những cơ hội to lớn cho Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác với nhau. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác 3 bên trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi phức tạp, các ngoại trưởng đã cam kết mở rộng hợp tác và phối hợp trong hàng loạt ưu tiên về an ninh và kinh tế của khu vực và toàn cầu.

Các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh 3 nước cùng chung quan điểm về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm, đồng thời cùng tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật định cũng như cam kết mở rộng hơn nữa các quan hệ hợp tác. Các ngoại trưởng hoan nghênh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới được công bố của Mỹ.

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ra tuyên bố chung -0

Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tại cuộc họp ba bên ở thành phố Honolulu. Ảnh: Yonhap

Lưu ý quan ngại chung về những hoạt động gây tổn hại tới trật tự quốc tế dựa trên luật định, các Ngoại trưởng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tái khẳng định mong muốn về một khu vực hòa bình và ổn định cho phép tất cả các quốc gia phát huy được tiềm năng của mình. Các ngoại trưởng cũng bày tỏ phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Các quan chức ngoại giao hàng đầu này một lần nữa nhấn mạnh sự ủng hộ lâu bền của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đối với luật pháp quốc tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế được thể hiện trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Các ngoại trưởng cũng tái khẳng định ủng hộ sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Ngoại trưởng 3 nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác 3 bên nhằm tăng cường trật tự kinh tế dựa trên luật lệ và đảm bảo thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới. Giới chức các nước đã thảo luận về các cách tiếp cận chung để giải quyết các ưu tiên bao gồm khủng hoảng khí hậu; đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu; bình đẳng giới và nâng cao vị thế của nữ giới; tài chính phát triển; và an ninh y tế toàn cầu bao gồm nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID-19 và ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Các ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác nhằm tăng cường thông tin và đảm bảo an ninh mạng cũng như cải thiện an ninh kinh tế, bao gồm cả việc thúc đẩy đổi mới các công nghệ quan trọng và mới nổi.

Về vấn đề Triều Tiên, tuyên bố chung nhấn mạnh: "Ba ngoại trưởng lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới đây của Triều Tiên và bày tỏ quan ngại về bản chất gây bất ổn của hành động đó. Ba ngoại trưởng kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng những hành động trái phép và thay vào đó theo đuổi đối thoại. Các ngoại trưởng khẳng định không có ý định thù địch với Triều Tiên và nhấn mạnh việc tiếp tục để ngỏ đàm phán với Triều Tiên mà không kèm các điều kiện tiên quyết".

Các ngoại trưởng tái khẳng định cam kết đối thoại với Triều Tiên, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của hợp tác ba bên để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Bên cạnh đó, ngoại trưởng 3 nước còn thảo luận về việc Nga tăng cường quân đội tại các khu vực giáp giới với Ukraine, đồng thời cùng kiên quyết ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Các ngoại trưởng cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa.

Một lần nữa khẳng định cam kết hợp tác 3 bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản dựa trên các giá trị chung và mong muốn vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng, các ngoại trưởng cam kết sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng.

Trước thềm cuộc gặp 3 bên này, các nhà đàm phán hàng đầu của 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã có buổi thảo luận các cách thức nhằm kết nối với Triều Tiên. Phát biểu với báo giới sau các cuộc họp song phương và ba bên với người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk và người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim cho biết các bên đã có cuộc thảo luận rất chi tiết, thực chất về những diễn biến gần đây. Ông cho biết ba nước đã có sự đồng thuận rất lớn về tầm quan trọng của hợp tác và phối hợp ba bên trong tất cả các khía cạnh của chính sách hiện nay với Triều Tiên. Trong khi đó, đặc phái viên Noh Kyu-duk đánh giá nội dung các cuộc họp rất ý nghĩa và hữu ích.

Tại cuộc họp, các bên đã chia sẻ quan điểm về mức độ nghiêm trọng của tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và thảo luận một số phương thức liên lạc với Bình Nhưỡng. Ông cho biết các bên đã thảo luận về nhiều bước đi và đưa ra cả ý tưởng mới nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Một trong số các bước đi này có cả đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, ông cho rằng cần đánh giá xem biện pháp này có hiệu quả và khả thi hay không. Về phần mình, đặc phái viên Takehiro Funakoshi cũng đánh giá cuộc họp ba bên đã diễn ra tốt đẹp.

Khổng Hà

Trung Quốc nổi giận với tuyên bố chung của G7 Trung Quốc nổi giận với tuyên bố chung của G7
Trung Quốc "chùn tay" với Đài Loan sau tuyên bố chung Mỹ - Nhật Trung Quốc "chùn tay" với Đài Loan sau tuyên bố chung Mỹ - Nhật
Mỹ ngăn LHQ ra tuyên bố chung về xung đột Israel - Palestine Mỹ ngăn LHQ ra tuyên bố chung về xung đột Israel - Palestine

/ cand.com.vn