Chính phủ Mỹ ngày 28/9 (giờ địa phương) đã bắt đầu thông báo cho nhân viên về nguy cơ đóng cửa nếu Quốc hội không phê chuẩn kế hoạch ngân sách chi cho các hoạt động của chính phủ trước ngày 1/10, thời điểm bắt đầu tài khóa 2024. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ gây gián đoạn hàng loạt dịch vụ, trong khi hàng trăm nghìn nhân viên liên bang và quân nhân phải tạm thời nghỉ việc hoặc bị chậm trả lương.

Cụ thể, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát ngày 28/9 đã bỏ phiếu để mở cuộc thảo luận về dự luật chi tiêu tạm thời nhằm ngăn nguy cơ chính phủ đóng cửa. Dự luật gia hạn chi tiêu liên bang cho đến ngày 17/11, qua đó các bên sẽ có thêm thời gian đàm phán về các dự luật ngân sách cho cả năm. Văn kiện này cũng đề xuất cấp khoảng 6 tỷ USD cho quỹ ứng phó thảm họa trong nước và viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phản đối giải pháp này, đồng thời muốn thúc đẩy Quốc hội thông qua biện pháp của riêng Hạ viện.

Mỹ phải làm gì để tránh kịch bản chính phủ đóng cửa? -0
Bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters

Bất đồng ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ đang đẩy nước Mỹ đến nguy cơ gián đoạn chi trả cho quân đội, lực lượng hành pháp, các chương trình an toàn và hỗ trợ thực phẩm, xử lý các vấn đề hộ chiếu, lữ hành...

Trong khi đó, Nhà Trắng cùng ngày cho biết, trong trường hợp Chính phủ Mỹ dừng hoạt động một phần, Quỹ giảm thiểu thiên tai của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang sẽ bị ảnh hưởng, vốn đang gặp khó khăn do nhiều thiên tai xảy ra, sẽ bị ảnh hưởng và điều này dẫn tới sự đình trệ của gần 2.000 chương trình phục hồi trong dài hạn. Không chỉ vậy, nhiều dự án tái thiết cơ sở hạ tầng có nguy cơ bị chậm tiến độ, bao gồm trường học ở hạt Wilson (Tennessee), một trại dưỡng lão ở New Jersey và nhiều dự án trị giá hàng triệu USD tại Florida.

Bế tắc ngân sách lần này được cho là xuất phát chủ yếu từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine. Ngoài ra, nguy cơ chính phủ đóng cửa gia tăng khi Thượng viện lẫn Hạ viện đang đi theo hướng trái ngược nhau trong nỗ lực nhằm tránh nguy cơ chính phủ đóng cửa. Trường hợp xấu nhất khi không có thỏa thuận nào được thông qua trước khi bắt đầu tài khóa 2024 (từ ngày 1/10/2023 - ngày 30/10/2024), Chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động cho tới khi một dự luật ngân sách cho năm tới được thông qua.

Nếu kịch bản này xảy ra, hàng trăm cơ quan chính phủ sẽ bị ảnh hưởng trong khi hàng triệu công chức liên bang phải đối mặt với tình trạng trả lương chậm. Gần 60% công chức liên bang làm việc tại các Bộ Quốc phòng, Cựu chiến binh và An ninh Nội địa. Các nhân viên liên bang làm việc ở tất cả 50 tiểu bang và làm việc trực tiếp với người dân, từ nhân viên vận hành an ninh tại các sân bay cho đến các nhân viên chuyển thư. Một số văn phòng liên bang cũng sẽ phải đóng cửa hoặc phải đối mặt với tình trạng rút ngắn thời gian hoạt động trong thời gian chính phủ đóng cửa.

Ngoài nhân viên liên bang, việc đóng cửa có thể có tác động sâu rộng đến các dịch vụ của chính phủ. Những người đăng ký các dịch vụ của chính phủ như thử nghiệm lâm sàng, giấy phép sử dụng súng và hộ chiếu có thể bị chậm trễ. Các doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ liên bang, chẳng hạn như các nhà thầu liên bang hoặc dịch vụ tham quan tại các công viên quốc gia, cũng có khả năng gặp phải tình trạng gián đoạn và suy thoái.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Mỹ, ngành du lịch có thể thiệt hại 140 triệu USD mỗi ngày nếu chính phủ ngừng hoạt động. Các nhà lập pháp cũng cảnh báo rằng, chính phủ Mỹ đóng cửa có thể làm rung chuyển thị trường tài chính. Tập đoàn Goldman Sachs ước tính tình trạng đó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,2% mỗi tuần. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi khi chính phủ mở cửa trở lại. Những người khác cho rằng, sự gián đoạn trong các dịch vụ của chính phủ có tác động sâu rộng vì nó làm lung lay niềm tin của người dân đối với chính phủ.

Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo: “Một nền kinh tế hoạt động tốt cần có một chính phủ hoạt động tốt”. Tổng thống và các thành viên quốc hội sẽ tiếp tục làm việc và được trả lương. Cơ quan tư pháp có thể tiếp tục hoạt động trong một thời gian giới hạn bằng cách sử dụng nguồn kinh phí có được từ hồ sơ tòa án và các khoản phí khác. Đáng chú ý, nguồn kinh phí chi cho ba cố vấn đặc biệt do Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm sẽ không bị ảnh hưởng nếu chính phủ đóng cửa.

Để tránh kịch bản chính phủ đóng cửa, trách nhiệm của Quốc hội Mỹ là tài trợ cho chính phủ. Hạ viện và Thượng viện phải nhất trí cấp kinh phí cho chính phủ theo một cách nào đó, và tổng thống phải ký ban hành  dự luật thành luật. Quốc hội thường dựa vào cái gọi là “nghị quyết tiếp tục”, hay CR, để tạm thời cấp tiền hoạt động cho các văn phòng chính phủ trong thời gian đàm phán về ngân sách đang diễn ra. Nguồn tiền dành cho các ưu tiên cấp bách của quốc gia, chẳng hạn như hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân thiên tai, thường được đề cập ngay trong dự luật ngắn hạn.

Nhưng các nghị sĩ Cộng hòa đang muốn giữ chính phủ đóng cửa cho đến khi Quốc hội đàm phán xong tất cả 12 dự luật tài trợ. Đây là một quá trình tốn nhiều thời gian và ít nhất phải đến tháng 12 mới được giải quyết. Ông Donald Trump, đối thủ hàng đầu của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2024, đang thúc giục những người theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa hành động như trên. Nếu ông vận động thành công, việc đóng cửa sẽ kéo dài hàng tuần, thậm chí có thể lâu hơn.

Chính phủ Mỹ đã mấy lần phải đóng cửa?

Trước những năm 1980, việc thiếu ngân sách không gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động của chính phủ. Nhưng sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Benjamin Civiletti đã lập luận rằng các cơ quan chính phủ không thể hoạt động hợp pháp trong thời gian thiếu hụt ngân sách chi tiêu.

Kể từ năm 1976, đã có 22 lần việc thông qua ngân sách cho tài khóa mới bị chậm trễ, trong đó có 10 lần các nhân viên liên bang phải nghỉ việc tạm thời. Nhưng hầu hết các vụ đóng cửa lớn đều diễn ra vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Bill Clinton, khi Chủ tịch Hạ viện lúc đó là Newt Gingrich và đa số nghị sĩ Hạ viện yêu cầu cắt giảm ngân sách.

Lần đóng cửa chính phủ lâu nhất xảy ra giữa năm 2018 - 2019 khi Tổng thống Donald Trump lúc đó và các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội rơi vào bế tắc đàm phán liên quan đến yêu cầu xây dựng bức tường biên giới. Tình trạng gián đoạn đó đã kéo dài 35 ngày, xuyên suốt kỳ nghỉ lễ cuối năm. Nhưng sự kiện năm đó cũng chỉ là đóng cửa một phần vì Quốc hội đã thông qua một số dự luật phân bổ ngân sách để tài trợ cho các cơ quan.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/my-phai-lam-gi-de-tranh-kich-ban-chinh-phu-dong-cua--i708864/

 

 

Khổng Hà (tổng hợp) / cand.com.vn