Trong ma trận mỹ phẩm lậu bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng cần nhắc đến một vấn nạn khác cũng đang hoành hành thời gian gần đây, đó chính là mỹ phẩm tự chế hay còn gọi là “kem trộn”, “mỹ phẩm trộn”. Đây là các loại hóa chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ được các đầu nậu nhập về và chế biến theo các công thức truyền miệng học trên mạng rồi tự khoác cho nó những công dụng thần kỳ...
Xưởng sản xuất trong khu đô thị
Mặc dù Mỹ phẩm thiên nhiên Nga Hoàng được quảng cáo là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nhưng nếu đi sâu vào tìm hiểu, hẳn nhiều khách hàng đã trót bỏ tiền để mua các sản phẩm này sẽ vô cùng bất ngờ.
Xưởng sản xuất của "hãng" Mỹ phẩm thiên nhiên Nga Hoàng
Do trên bao bì và nhãn mác sản phẩm của “hãng” Mỹ phẩm thiên nhiên Nga Hoàng đều không ghi tên nhà sản xuất và đơn vị phân phối, nên việc “truy” ra trụ sở của đơn vị này là vô cùng khó khăn. Và để làm rõ nguồn gốc xuất xứ của loại mỹ phẩm “3 không” nói trên, PV đã bỏ ra nhiều ngày lần theo đường đi của các nhân viên giao hàng.
Hàng ngày, cứ vào các buổi tối tại Bến xe Giáp Bát luôn xuất hiện một thanh niên đi trên chiếc xe máy Honda Wave mang BKS: 30K7-1671 chở theo những thùng carton nặng trịch để giao cho các nhà xe vận chuyển đi các tỉnh. Bên trong những chiếc thùng này là hàng trăm chai dầu gội đầu, tinh dầu xịt tóc, gel ủ tóc, bột ngũ cốc, các lọ serum... và chúng đều được sản xuất “chui”. Tất cả đều mang nhãn hiệu Mỹ phẩm thiên nhiên Nga Hoàng.
Ngoài nhiệm vụ buổi tối “ship” sản phẩm đi các tỉnh theo những đơn hàng của khách, đại lý hoặc nhà phân phối đặt mua trên mạng thì ban ngày, thanh niên nói trên còn có nhiệm vụ chở các can hóa chất loại 20l, các thùng nguyên liệu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc để đưa về tập kết tại sảnh 1 tòa nhà tại khu đô thị số 458 đường Minh Khai.
Hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm sản xuất "chui" được vận chuyển bằng xe máy ra bến xe giao đi các tỉnh
Từ sảnh, số hóa chất nói trên sẽ được tiếp vận bằng xe đẩy lên thang máy để đưa tới căn hộ nằm trên tầng 7. Bên trong căn phòng luôn “ra đóng, vào mở” này là cả chục người tham gia vào các công đoạn chế biến, gia công, dán nhãn mác, đóng gói để cho ra các loại sản phẩm được gắn mác “có nguồn gốc thiên nhiên”.
Chúng tôi đã thu thập một số chủng loại can, chai, lọ hóa chất không nhãn mác mà thanh niên này chuyển đến, sau đó được chủ hộ thải bỏ thì nhận thấy đó là các loại hóa chất, hương liệu có mùi giống như nước rửa bát hương chanh, hương bưởi do các xưởng hóa chất gia công tự chế.
Mỹ phẩm thiên nhiên được sản xuất bằng hóa chất không rõ nguồn gốc
Ngoài ra còn có các bao bì đựng một loại hóa chất có mùi hương dừa được in toàn chữ Thái Lan, nhưng cũng không rõ nhà sản xuất và đơn vị nhập khẩu. Chính số hóa chất này sau khi được chủ xưởng tự pha trộn sẽ trở thành Mỹ phẩm thiên nhiên Nga Hoàng có công dụng: “Ngăn rụng tóc, chống hói tóc, nuôi dưỡng chân tóc mọc dày trở lại nhanh chóng”, “Giảm tóc khô xơ, phục hồi tóc chẻ ngọn, thấm sâu da đầu nuôi dưỡng tóc chắc khỏe”.
Và nếu chứng kiến điều đó, hẳn niềm tin về Mỹ phẩm thiên nhiên Nga Hoàng “được chiết xuất từ tinh dầu hoa bưởi, vỏ bưởi, Vitamin B5... không chất hóa học” trong tâm trí khác hàng sẽ ít nhiều bị... lung lay.
Học sản xuất mỹ phẩm, dễ như ăn kẹo
Hiện nay, để có công thức sản xuất mỹ phẩm là một việc không hề khó. Chỉ cần gõ cụm từ “dạy sản xuất mỹ phẩm” trên trang tìm kiếm thì chỉ trong chưa đầy 1 giây đã cho ra hơn 3,6 triệu kết quả. Liên kết vào các đường link này, bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào các lớp học cấp tốc chỉ trong vài ba ngày với giá học phí chưa tới 3 triệu đồng để thuộc nằm lòng đủ mọi công thức tự chế bất kỳ loại mỹ phẩm nào như: sữa rửa mặt, kem làm trắng da, dầu gội đầu, son môi hay thậm chí cả... nước tẩy bồn cầu.
Khâu sản xuất và đóng gói hoàn toàn thủ công
Dĩ nhiên việc dạy là một chuyện, còn việc các học viên sau đó đem áp dụng “kiến thức” lĩnh hội của thầy vào mục đích gì thì chỉ có... trời mới biết. Là người đã học qua nhiều lớp mỹ phẩm, chị Nguyễn Thu Lan - một đại lý của hãng mỹ phẩm L’Oreal cho biết, nhiều học viên học cùng chị sau này đều về mở cơ sở sản xuất mỹ phẩm “chui” và bán cũng khá đắt hàng.
Điểm giống nhau của các cơ sở như thế này là đều không đăng ký kinh doanh, không được cấp phép, cũng chẳng có ai thẩm định chất lượng, nguyên liệu sản xuất đầu vào thì thuộc loại “thượng vàng hạ cám”. Nhiều người khẳng định họ nhập nguyên liệu tốt, những lại chẳng có gì để chứng mình điều đó.
Ngay cả nguyên liệu dù có tốt đến mấy đi nữa thì quy trình chế biến, sản xuất cũng cực kỳ tạm bợ hoặc thủ công, trong khi về nguyên tắc để sản xuất mỹ phấm luôn có những quy định rất ngặt nghèo. Đó là dụng cụ, nhà máy phải được khử trùng, bao bì, vỏ hộp phải được làm sạch. Với những yêu cầu đó có thể khẳng định, nếu không làm bài bản và được cơ quan chức năng thẩm định thì không bao giờ có thể cho ra những sản phẩm mỹ phẩm đạt yêu cầu.
Đấy là chưa kể hiện nay hầu như tại các lớp dạy sản xuất mỹ phẩm đều kiêm luôn khâu bán nguyên liệu và nguồn hàng thì chẳng cần quen biết, bất cứ ai cũng có thể tìm mua trên mạng với số lượng lớn. Đây là nguồn thu chính còn lớn hơn cả nguồn thu từ học phí của học viên.
Nghị định 93/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm tại Chương II nêu rõ: Cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các điều kiện như sau: 1. Điều kiện về nhân sự: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc. 2. Điều kiện về cơ sở vật chất: a) Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; b) Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại. 3. Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu sau: a) Nguyên liệu, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; b) Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; c) Các loại bán thành phẩm đưa vào sản xuất phải có tiêu chuẩn chất lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; d) Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm; đ) Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm; e) Có hệ thống lưu giữ hồ sơ tài liệu. |
Mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng dễ ăn "quả đắng" Được quảng cáo như một liệu pháp thần kỳ cho người rụng tóc, thời gian gần đây, các loại dầu gội đầu mang thương hiệu ... |
Thu giữ hàng nghìn lọ kem dưỡng da không rõ nguồn gốc Lực lượng chức năng của Lạng Sơn đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có nguy cơ gây ... |