Hai nhà nghiên cứu Mỹ cho biết họ đã phát hiện địa điểm phóng nghi của siêu tên lửa hành trình 9M370 Burevestnik.
- Thủ lĩnh Hamas bị ám sát bằng tên lửa dẫn đường
- Ukraine phát hiện Nga đưa 3 tàu ngầm mang tên lửa áp sát biển Đen
Theo Reuters, 2 nhà nghiên cứu Mỹ cho biết họ đã xác định được địa điểm triển khai nghi là của 9M370 Burevestnik tại Nga, một loại tên lửa hành trình hạt nhân mới được Tổng thống Vladimir Putin ca ngợi là "bất khả chiến bại".
Dựa trên hình ảnh chụp ngày 26/7 từ công ty vệ tinh thương mại Planet Labs, hai nhà nghiên cứu đã phát hiện một dự án xây dựng gần cơ sở lưu trữ đầu đạn hạt nhân, được biết đến với tên Vologda-20 hay Chebsara. Đây có thể là địa điểm triển khai loại tên lửa trên.
Reuters cho biết sở này cách Moskva 475 km về phía bắc. Decker Eveleth, nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu CNA, đã tìm thấy hình ảnh vệ tinh và xác định được 9 bệ phóng nằm ngang đang được xây dựng. Ông cho biết chúng được đặt thành 3 nhóm bên trong các bờ đất cao để phòng thủ hoặc vụ nổ từ các bệ phóng ảnh hưởng đến nhau.
Hình ảnh vệ tinh nơi được cho là địa điểm triển khai tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga, bao gồm 5 boongke chứa đầu đạn hạt nhân (bên phải ảnh) tại Vologda, Nga. (Ảnh: Reuters)
Theo ông Eveleth, bờ đất được nối bằng đường bộ đến các tòa nhà bảo dưỡng tên lửa, cũng như các khu phức hợp hiện có gồm 5 boongke chứa đầu đạn hạt nhân. Nhà nghiên cứu cho biết địa điểm này dường như được dành cho hệ thống tên lửa cố định lớn, và hệ thống duy nhất mà Nga hiện đang phát triển là Burevestnik, còn được NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall.
Jeffery Lewis, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, đồng ý với đánh giá của Eveleth sau khi xem xét hình ảnh vệ tinh. Hans Kristensen, một nhà nghiên cứu thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Hoa Kỳ, nhận định hình ảnh dường như cho thấy bệ phóng và các đặc điểm khác "có thể" liên quan đến Burevestnik. Nhưng ông cho biết không thể đưa ra đánh giá chắc chắn vì Moskva thường không đặt bệ phóng tên lửa bên cạnh nơi cất giữ đầu đạn hạt nhân.
Eveleth, Lewis, Kristensen và 3 chuyên gia khác cho biết thông lệ của Nga là tích trữ đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa trên đất liền cách xa các địa điểm phóng - ngoại trừ những tên lửa trong lực lượng Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đang được triển khai của nước này.
Ông Putin từng tuyên bố tên lửa Burevestnik có tầm bắn gần như không giới hạn và có thể né được hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Một báo cáo năm 2020 của Trung tâm Tình báo Không gian thuộc Không quân Mỹ cho biết nếu Nga đưa thành công Burevestnik vào sử dụng, điều này sẽ mang lại cho Moskva "vũ khí có khả năng tấn công liên lục địa".
Hiện chi tiết kỹ thuật của Burevestnik vẫn được giấu kín. Các chuyên gia cho rằng đầu đạn sẽ được phóng bằng một tên lửa nhiên liệu rắn, đưa không khí vào động cơ có lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ. Không khí siêu nóng và có thể chứa phóng xạ sẽ được thổi ra, tạo lực đẩy cho tên lửa.
Các chuyên gia nhận định rằng Burevestnik có thể có tầm bắn khoảng 23.000 km - so với 17.700 km của Sarmat, ICBM mới nhất của Nga - mặc dù tốc độ thấp hơn âm thanh sẽ khiến nó dễ bị phát hiện. Việc triển khai Burevestnik không bị cấm bởi New START, hiệp định hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược gần nhất giữa Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào tháng 2/2026.