Tranh giả, tranh nhái luôn là vấn đề được quan tâm tại các quốc gia có nền mỹ thuật phát triển. Và câu chuyện chứng minh tranh thật - giả vẫn bị coi là vô ích khi nhiều sự vụ bị trôi vào quên lãng.
"Phố cũ" của danh họa Bùi Xuân Phái bị chép tranh mang bán đấu giá. Ảnh: T. L. |
Bà Trần Thị Thu Đông – Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trăn trở: “Họa sĩ kêu là tranh giả nhưng lại không chứng minh được tác phẩm đó là của mình. Có những họa sĩ ra đến tòa án nhưng lại thiếu bằng chứng. Ví dụ những bản phác thảo ban đầu với tranh chính hoàn toàn không giống nhau. Thiết nghĩ, họa sĩ nên thực hiện một cách nghiêm túc trong việc đăng ký bản quyền, cần phải có hồ sơ công nhận khi mua bán thì mới giải quyết được vấn đề trên”.
Năm 2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” từng nổ ra một cuộc tranh cãi ầm ĩ khi giới họa sĩ cho rằng có tới 15/17 tranh là giả, 2 tranh còn lại tỉ lệ giả thật là 50/50. Đáng chú ý có 2 bức nhái tranh của họa sĩ Thành Chương. Ngay sau đó, họa sĩ Thành Chương đã làm các thủ tục tố cáo lên cơ quan chức năng nhưng sự vụ không được giải quyết. Chính bản thân họa sĩ buồn bã lên tiếng: “Họa sĩ mất niềm tin, không có hy vọng gì vào các cơ quan chức năng nữa rồi. Khi xảy ra vụ việc, hỏi về trách nhiệm giải quyết thì các bên đều… lảng tránh”.
Đa số giới họa sĩ đều đồng thuận rằng, việc thẩm định tranh là câu chuyện của mỗi cá nhân họa sĩ, nhà sưu tập, người chơi tranh, hãng đấu giá. Rất khó đòi hỏi một cơ quan đứng ra đảm bảo bởi việc này tốn kém và nguy hiểm. Cá nhân, tổ chức muốn thẩm định cần thành lập hội đồng riêng. Một điều đáng lưu ý, những người thẩm định tranh ở Việt Nam thường giấu danh tính, trong khi ở nước ngoài lại không có tình trạng này.
Theo họa sĩ Trịnh Tú nhìn nhận, lợi nhuận từ việc làm tranh giả quá cao, vì vậy có cả một mạng lưới cấu kết với nhau để tiêu thụ tranh giả. Xã hội đen len lỏi cả vào trong hội họa. Chính vì lý do đó mà người thẩm định tranh ở Việt Nam thường giấu danh tính.
Thực trạng “tranh tối” hiện nay rất cần có một cơ quan chuyên nghiệp vào cuộc.
Bà Trần Thị Thu Đông cho rằng, nếu gọi đúng từ ngữ chuyên môn thì phải là tranh chép không đúng quy định hoặc tranh mạo danh. Theo Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật, việc sao chép phải thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. “Sao chép phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ tác phẩm, bản sao chép phải to hoặc nhỏ hơn bản gốc. Nếu họa sĩ từ trần trên 50 năm thì tác phẩm đã là di sản của nhân loại nên việc chép tranh là đúng quy định. Ở Việt Nam hiện nay vẫn còn lẫn lộn, chưa rõ ràng giữa việc sao chép đúng hay không đúng quy định”, bà Trần Thị Thu Đông nói.
Cũng theo bà Trần Thị Thu Đông, khi đã xác định được đúng các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động mỹ thuật thì chính các họa sĩ phải có cơ chế tự bảo vệ mình. Bộ VHTTDL khuyến cáo, họa sĩ cần đăng ký bản quyền hoặc mỗi chi tiết trên tác phẩm của mình. Người mua phải tìm hiểu rõ nguồn gốc và yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ. Trên thực tế, sai phạm trong lĩnh vực này xảy ra tràn lan nhưng rất khó giải quyết vì các họa sĩ đa phần không ý thức lẫn thực hành nghiêm túc trong đăng ký bản quyền.
Trong khi đó, họa sĩ Trinh Tú bức xúc bày tỏ: “không thể trông chờ vào nhà quản lý được, phải nói là họ đang trốn tránh trách nhiệm, không bảo vệ người tiêu dùng. Nhìn từ việc triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” sai phạm là rõ ràng nhưng không được giải quyết. Cuối cùng, chủ bộ sưu tập vẫn được phép ôm tranh về và… phi tang”. Còn nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, những người đứng đầu các Gallery hầu như không có bằng quản trị kinh doanh nghệ thuật nên việc vi phạm là đương nhiên. “Chúng ta không nên đánh trống bỏ dùi, nói mãi mà không ai giải quyết. Thậm chí hãy tự bảo vệ mình trước, không nên trông đợi vào điều gì. Hiện nay, mỹ thuật không mang lại giá trị gì cho kinh tế nước nhà, vì vậy đòi hỏi Nhà nước bảo vệ là vô lý”.
Bà Trần Thị Thu Đông nêu ý kiến rằng, “đơn vị quản lý thị trường và thanh tra văn hóa cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Ngành thuế cần cấp thiết vào cuộc, để các giao dịch mua bán cũng phải nộp thuế cho Nhà nước”.
Được biết, Bộ VHTTDL đã giao chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cho Trung tâm giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Trung tâm hiện đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng, tổ chức và mua sắm những trang thiết bị phục vụ cho công tác, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.
Hà Nội mở triển lãm ảnh nude cấm trẻ em dưới 18 tuổi Một triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ mở cửa tại Hà Nội. Đại diện Cục Mỹ thuật ... |
Tác phẩm giá 'khủng' của nghệ sĩ gốc Việt lên sàn quốc tế Danh Võ, một nghệ sĩ đương đại gốc Việt, sắp mang tác phẩm mỹ thuật thực hiện trên thùng giấy cũ lên sàn đấu giá ... |