Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ và các đồng minh đã tung ra “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ bổ sung” đối với Nga, tuyên bố không đem quân đến Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine (116 tin)

“Ông Putin là kẻ gây hấn. Ông ấy đã chọn cuộc chiến này. Và bây giờ ông ấy và nước Nga sẽ gánh chịu hậu quả”, ông Biden nói, cho biết các biện pháp trừng phạt của các nước G7 sẽ hạn chế khả năng kinh doanh bằng USD, bảng Anh hoặc đồng yên đối với Nga. Tất cả tài sản của Mỹ ở 5 ngân hàng hàng đầu Nga cũng như những cá nhân "được hưởng lợi” từ các chính sách của điện Kremlin sẽ bị đóng băng.

Theo ông Biden, các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm “làm suy giảm năng lực công nghiệp của Nga trong nhiều năm tới”, bao gồm làm tê liệt ngành đóng tàu, hàng không và vũ trụ cũng như khả năng tiếp cận hàng nhập khẩu công nghệ cao.

Mỹ tiếp tục giáng đòn trừng phạt Nga, tuyên bố không đem quân tham chiến Ukraine - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Mỹ lập luận rằng đây sẽ là một "cú đánh lớn đối với tham vọng chiến lược dài hạn của ông Putin". Ông Biden cho biết Mỹ đã dành nhiều tháng để tập hợp một liên minh quốc tế, đại diện cho 1/2 nền kinh tế toàn cầu để đối phó với Nga.

Ông Biden nói rõ rằng các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa như một chính sách lâu dài, cáo buộc Tổng thống Nga muốn tạo ra một "đế chế bằng các công cụ cần thiết" và tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng hiện nay "không bao giờ" liên quan đến những lo ngại thực sự về an ninh thực sự của Nga mà là hành động “xâm lược”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ sẽ không đưa quân tham chiến ở Ukraine.

"Chúng tôi cũng sẽ không gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine”, ông Biden cho hay.

Trước đó, Tổng thống Biden cũng tuyên bố: "Mỹ và đồng minh sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO và tuân thủ các cam kết mà chúng tôi đã thực hiện với NATO".

Ukraine có biên giới với các nước thành viên NATO là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Nếu Nga đe dọa một trong những quốc gia này, Mỹ sẽ phải bảo vệ họ theo các cam kết của NATO.

Trong khi cam kết không gửi quân đội Mỹ đến Ukraine, chính quyền Biden cũng đã gửi thêm binh lính và máy bay chiến đấu đến các nước Đông Âu bao gồm Ba Lan và Romania trong những tuần gần đây. Hôm 24/2, Mỹ thông báo triển khai thêm 7.000 binh sĩ tới Đức.

Hôm 24/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết liên minh quân sự này không có ý định đưa quân tham chiến ở Ukraine, nhấn mạnh khối quân sự này sẽ "tăng cường sự hiện diện của quân đội NATO ở phần phía đông của liên minh trên lãnh thổ của khối".

Động thái của Mỹ và NATO được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo nước này bắt đầu phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ông Putin tuyên bố, cuộc tấn công quân sự là cần thiết, ngăn chặn tình trạng đổ máu tồi tệ hơn trong tương lai.

/ vtc.vn