Sau khi thông báo ngừng tuân thủ Hiệp ước hạt nhân với Nga, Mỹ liên tiếp tuyên bố ý định khôi phục lại chương trình sản xuất các loại tên lửa bị cấm trước đó.
Một loạt các tuyên bố của giới chức Mỹ những ngày vừa qua về việc nước này có ý định khôi phục lại chương trình sản xuất các loại tên lửa bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế về cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường hạt nhân.
Việc Mỹ và Nga tuyên bố ngừng tuân thủ INF tăng nguy cơ bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang mới.
Mới đây, hôm 11/3 Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Michelle Baldanza, đã đưa ra tuyên bố: Sau khi chính thức đình chỉ tham gia Hiệp ước INF, Mỹ sẽ bắt đầu cho sản xuất các bộ phận tên lửa hành trình phóng từ mặt đất. Đại diện của Lầu Năm Góc cho rằng, trước ngày 2/2 Mỹ có trách nhiệm phải tuân thủ các điều khoản của INF nên không thể nghiên cứu phát triển các loại tên lửa này, còn giờ đây Mỹ đã có thể bắt đầu quá trình sản xuất các bộ phận nhằm phục vụ cho những bước thử nghiệm cuối cùng.
Tuy nhiên bà Baldanza cũng lưu ý rằng trong trường hợp Nga quay trở lại tuân thủ đầy đủ các điều khoản của INF trước khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước này vào tháng 8/2019 thì quá trình nghiên cứu phát triển này hoàn toàn có thể được đảo ngược.
Đồng quan điểm với đại diện Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách Kiểm soát vũ khí và An ninh Quốc tế, bà Andrea Thompson, công bố trước báo giới rằng Lầu Năm Góc bắt đầu tính đến khả năng chế tạo tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Thông điệp của Mỹ là gì?
Trong các tuyên bố trên có hai nguyên tắc mà Mỹ muốn cộng đồng thế giới biết. Một là, chương trình của Mỹ nếu có triển khai cũng chỉ liên quan tới việc chế tạo tên lửa “phi hạt nhân”. Các tuyên bố không hề nhắc đến việc phát triển vũ khí hạt nhân. Hai là, Mỹ sẵn sàng đình chỉ quá trình nghiên cứu phát triển tên lửa mới ngay khi Nga quay trở lại tuân thủ Hiệp ước INF. Có vẻ như Mỹ muốn thể hiện sự quyết tâm trong việc phát triển sức mạnh tên lửa của mình, nhưng lại không muốn bị quy chụp là quốc gia phát động cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đồng thời coi việc INF bị đổ vỡ là hoàn toàn do phía Nga.
Ngày 4/3 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ tham gia Hiệp ước INF. Theo đó, Nga sẽ đình chỉ tham gia INF cho đến khi Mỹ chấm dứt vi phạm các nghĩa vụ đã thỏa thuận hoặc cho đến khi INF không còn hiệu lực. Đây được xem là động thái đáp trả tương ứng trước việc Washington cũng đã chính thức đình chỉ các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước INF hồi đầu tháng 2.
Theo Lầu Năm Góc, Nga đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận khi thử nghiệm tên lửa 9M329 ở khoảng cách hơn 500km. Trong khi đó, Matxcơva cho biết các cuộc thử nghiệm loại tên lửa này chỉ được tiến hành ở khoảng cách 480km. Hai bên liên tiếp đưa ra các cáo buộc lẫn nhau, tuy nhiên tất cả đều không có bằng chứng cụ thể.
Mỹ có thực sự muốn đàm phán với Nga?
Việc Mỹ huỷ bỏ INF được xem là không chỉ nhắm vào Nga. (Evan Vucci/AP)
Vì Nga đã phủ nhận ngay từ đầu cáo buộc của Mỹ, nên khả năng để Matxcơva có thể “quay trở lại tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước INF” theo ý Mỹ là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng ở Nga. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần quy chụp trách nhiệm thực thi Hiệp ước INF không chỉ cho Nga mà còn cả Trung Quốc.
Luận điểm này đã được ông trình bày trong bài phát biểu của ông trước những người ủng hộ tại Nevada hồi tháng 10/2018. Và đến tháng 2 năm nay, khi đánh giá về triển vọng ký kết một thỏa thuận mới liên quan đến vấn đề tên lửa, ông Trump đã tuyên bố rằng Trung Quốc phải là một trong những bên phải ngồi vào bàn đàm phán văn kiện này. Tuy nhiên cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa hề có động thái nào cho thấy quan tâm đến một thỏa thuận tên lửa mới với Mỹ.
Nếu nhìn từ góc độ tình hình chính trị trong nước của Mỹ, vấn đề sẽ trở nên dễ hiểu hơn. Theo hình ảnh vệ tinh mà tình báo Nga thu thập được, Mỹ đã bắt đầu quá trình chuẩn bị các cơ sở sản xuất tên lửa từ rất lâu trước tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước INF.
Cụ thể, một chương trình mở rộng và hiện đại hóa việc sản xuất các tên lửa bị cấm theo Hiệp ước INF đã được triển khai từ tháng 6/2017 tại cơ sở của Tập đoàn Raytheon ở Tucson, bang Arizona, Mỹ. Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp sản xuất vũ khí có thể nhận được thêm các khoản đầu tư và công việc mới nhờ vào các đơn đặt hàng quân sự sẽ là một trong những điểm cộng cho chính quyền ông Trump, cũng như cho bản thân ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sắp tới.
Nhà máy sản xuất vũ khí ở Tucson. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, bang Arizona chỉ có 11 lá phiếu Đại cử tri đoàn trong tổng số 538 phiếu trên cả nước Mỹ. Tuy nhiên vai trò của những lá phiếu này cũng rất quan trọng trong việc phân định các ứng viên tranh cử. Ví dụ rõ nhất là cuộc đua tổng thống năm 2016 khi mà cuộc tranh đấu kiên trì của ông Trump đã kéo lại được cảm tình của các cử tri của bang Arizona.
Mặc dù trong những thập kỷ gần đây, bang này có truyền thống bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Cộng hòa (ngoại trừ chiến dịch năm 1996, khi ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton dẫn đầu), nhưng đến năm 2016 ông Trump cũng chỉ có được khoảng cách rất nhỏ trước đối thủ là bà Hillary Clinton (1.252.401 so với 1.161.167 phiếu). Do đó mà ông Trump đang hy vọng rằng, những chỉ thị quốc phòng mới đây liên quan đến việc rời khỏi Hiệp ước INF có thể giúp ông củng cố được vị trí của mình ở Arizona trong cuộc bầu cử sắp tới.
Theo ông Sergei Yermakov, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược Nga, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể sẽ được trình bày trước cử tri nước này là một bước quan trọng đối với sự tăng trưởng đầu tư vào sản xuất tên lửa. Qua đó, ông Trump sẽ có được sự ủng hộ của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này ở một loạt các tiểu bang. Trong đó sẽ có cả bang Pennsylvania khi các doanh nghiệp tại đây cũng đã bắt đầu nhận được các đơn đặt hàng có giá trị liên quan đến kế hoạch tái vũ trang quân đội do ông Trump khởi xướng.
Vậy nên, ông Trump sẽ cố gắng bằng mọi cách tận dụng việc rút khỏi Hiệp ước INF (tạo thêm nhiều việc làm cho khu liên hợp công nghiệp quốc phòng) để giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ của mình.
Nga và Mỹ ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân: Hậu quả khôn lường với an ninh toàn cầu Các nhà phân tích cho rằng hủy bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ, đẩy thế giới ... |
Dân châu Âu lo sợ khi Nga rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Mỹ Việc Nga tuyên bố ngừng tuân thủ INF khiến nhiều người nhớ lại không khí căng thẳng bên bờ vực xung đột hạt nhân trong ... |
Putin ký sắc lệnh ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân với Mỹ Tổng thống Nga khẳng định Moskva sẽ không thực thi các điều khoản của INF cho tới khi Washington ngừng vi phạm hiệp ước này. |
Trung Quốc kêu gọi Mỹ không rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga Bắc Kinh nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước INF và cho rằng các bên nên duy trì thỏa thuận này thay vì tìm ... |