Trong đường đua lên Mặt trăng, Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng cạnh tranh để giành ngôi dẫn đầu, trong khi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc nỗ lực khẳng định vị thế.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã và đang quan tâm hơn đến những tầng không gian, đặc biệt là Mặt trăng.
Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang lên kế hoạch cho các nhiệm vụ trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất vào năm 2022. Những chuyến đi này cho thấy một cuộc cạnh tranh ngày càng lớn về tài nguyên, ưu thế công nghệ và vị thế quốc gia, trong lĩnh vực vũ trụ. Cuộc cạnh tranh có khả năng làm căng thẳng tình hình chính trị quốc tế trên Trái đất, đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ trong khi COVID-19 đang là gánh nặng cho các nền kinh tế.
(Ảnh minh họa) |
Hai cường quốc làm nóng “cuộc đua”
Trong các cuộc cạnh tranh, nổi bật nhất dường như là màn “so găng” giữa Washington và Bắc Kinh.
Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao và chuyên gia về không gian vũ trụ tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), bình luận Mỹ và Trung Quốc "vẫn chưa tham gia cuộc chạy đua không gian" trong thời điểm hiện tại. Nhưng ông nhận định kịch bản có thể thay đổi nếu các kế hoạch không gian của Mỹ chậm lại, trong khi Trung Quốc tăng tốc, nhìn thấy "cơ hội chiếm lấy hào quang của Mỹ".
Ông đề cập đến thành công của Washington trong việc cắm lá cờ trên bề mặt Mặt trăng vào năm 1969. Davis nói: “Sẽ là uy tín rất lớn đối với Trung Quốc nếu họ đánh bại Mỹ trong việc trở lại Mặt trăng".
Hiện tại, Mỹ vẫn dẫn đầu. Chương trình Artemis của NASA chuẩn bị có chuyến phóng lần đầu tiên trong năm nay. Với một tên lửa Hệ thống Phóng Không gian khổng lồ, chương trình sẽ đưa tàu vũ trụ Orion không người lái vào quỹ đạo Mặt trăng.
Chuyến bay này sẽ mở đường cho chương trình Artemis thứ hai, nhằm đưa các phi hành gia bay qua Mặt trăng. Sau đó là Artemis III - cột mốc quan trọng cho cả hoạt động thám hiểm lẫn sự hợp tác của chính phủ với các "tỷ phú vũ trụ". Nhiệm vụ này dự kiến liên kết với tàu SpaceX Starship của Elon Musk. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Artemis III sẽ đánh dấu việc người Mỹ đặt những dấu chân đầu tiên lên Mặt trăng kể từ năm 1972.
Tuy nhiên, Artemis III đã bị trì hoãn từ năm 2024 đến ít nhất là năm 2025. Trong một cuộc kiểm toán của NASA công bố vào tháng 11/2021, việc hạ cánh trên Mặt trăng bị cảnh báo có thể bị trễ "vài năm" do những khó khăn kỹ thuật và gián đoạn từ đại dịch COVID-19. Chương trình ước tính có chi phí 93 tỷ USD cho đến năm tài chính 2025, tăng so với dự kiến trước đó là 86 tỷ USD.
Hình minh họa tàu SpaceX Starship sẽ đưa các phi hành gia của chương trình Artemis lên bề mặt Mặt trăng. (Ảnh: NASA, SpaceX) |
Davis cảnh báo rằng những chia rẽ chính trị trong nước ở Mỹ cũng có thể khiến việc duy trì một chiến lược rõ ràng trở nên khó khăn hơn. Và nếu chính quyền tương lai ở Washington quyết định không còn ưu tiên các hoạt động bên ngoài tầng bình lưu, Trung Quốc và Nga "có thể trở thành những tác nhân thống trị không gian - những người viết ra các quy tắc có lợi cho mình", ông nói.
Hiện tại, Trung Quốc có vẻ đang tập trung vào việc hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) ở quỹ đạo thấp của Trái đất trong năm nay. Sau đó, họ có kế hoạch chuyển sang các chuyến du hành lên Mặt trăng vào những năm 2030.
Bắc Kinh có 3 chuyến du hành Mặt trăng (không bao gồm phi hành đoàn) được lên kế hoạch trong thập kỷ này. Một trong số đó là tàu Thường Nga 8 (Chang'e 8) dự kiến khởi hành năm 2027. Theo Hoàn Cầu thời báo, nhiệm vụ sẽ giúp "xây dựng hình dạng ban đầu" cho một Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS), sẽ được Trung Quốc thành lập với Nga vào năm 2035.
Junya Terazono, chuyên gia khoa học về hành tinh, người điều hành một trang web thông tin về Mặt trăng tại Nhật Bản cho rằng: “Trung Quốc rõ ràng đang nghĩ cách đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt trăng trước Mỹ. Đằng sau những nỗ lực đó là mục tiêu của nước này muốn trở thành số 1 về công nghệ theo tầm nhìn Made in China 2025". Tầm nhìn là kế hoạch của Bắc Kinh nhằm nâng cấp sản xuất và đạt được khả năng tự cung tự cấp trong các lĩnh vực chiến lược như chế tạo người máy và thiết bị hàng không vũ trụ.
Trung Quốc có "lần đầu" trên Mặt Trăng khi một thiết bị thám hiểm của nước này đáp xuống phía tối của Mặt trăng vào năm 2019. Năm 2021, thiết bị Thỏ Ngọc 2 (Yutu-2) cũng gây xôn xao khi phát hiện thêm một số chi tiết ở đây.
Ý nghĩa của việc “trở lại” Mặt trăng
Thiết bị Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc trên Mặt trăng. (Ảnh: Reuters, Cơ quan không gian quốc gia Trung Quốc) |
Ông Davis cho biết việc các nhà khoa học phát hiện ra một lượng lớn băng nước trên Mặt trăng có thể giúp duy trì các hoạt động của con người xung quanh khu vực này. Nước phân hủy thông qua quá trình điện phân thành hydro và oxy, sử dụng làm nhiên liệu tên lửa cho các nhiệm vụ đi tới sao Hỏa và các điểm đến khác bên trong hệ Mặt trời.
Với lực hấp dẫn thấp hơn, Mặt trăng so với Trái đất cũng trở thành điểm phóng dễ dàng cho các tàu vũ trụ để từ đó đi đến nơi khác.
Sun Kwok, một nhà thiên văn học kiêm giáo sư danh dự tại đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết hoạt động khai thác và các hoạt động thương mại khác liên quan đến Mặt trăng khó có thể khả thi trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông nói, "khả năng kỹ thuật hiện tại của chúng tôi là thiết lập các trạm cố định trên Mặt trăng với khả năng đặc biệt nhằm quan sát vũ trụ" và nghiên cứu lịch sử của Hệ Mặt trời.
Đối với Trung Quốc, ông cho biết nước này muốn thành công nhờ "ý chí và quyết tâm quốc gia" cộng với nguồn nhân tài được đào tạo ngày càng sâu rộng. Nhưng ông nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác và cần phân biệt các nhiệm vụ có phi hành đoàn và không có phi hành đoàn.
Ông nói: “Là các nhà khoa học, chúng tôi không xem sự phát triển các nhiệm vụ khoa học không người lái là 'cuộc đua' hay 'cuộc thi', mà là cơ hội để hợp tác quốc tế. Các chương trình có người lái sẽ luôn mang âm hưởng chính trị nhưng chúng ít có tác động khoa học hơn".
Vừa cạnh tranh vừa hợp tác
Hiện các bên chủ yếu đều bày tỏ thiện chí làm việc với đối tác quốc tế.
Một báo cáo của Trung Quốc đã nêu chi tiết về việc ILRS chào đón hợp tác từ "bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào".
Trong khi đó, có một cuộc thảo luận đang diễn ra về sự tham gia của châu Âu vào ILRS. Cơ quan Vũ trụ Châu Âu thì đang hợp tác với NASA, Nhật Bản và Canada để xây dựng Gateway - một trạm nhỏ trên quỹ đạo mặt trăng, đóng vai trò như một tiền đồn cho các chương trình lên Mặt trăng - "cũng như điểm tổ chức để khám phá không gian sâu". Các tham vọng dự kiến được phát triển hơn nữa tại hội nghị thượng đỉnh không gian đặc biệt ở Pháp vào những tháng tới.
Hơn 10 quốc gia đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu, cam kết tuân thủ các nguyên tắc như minh bạch và tôn trọng các hiệp ước hiện có về sử dụng không gian. Thỏa thuận vẫn mở cho các đối tác khác.
Tuy nhiên, trong không khí hợp tác sôi nổi, những “chiến tuyến” đang được hình thành theo cả cách ngấm ngầm và rõ ràng.
Moskva đã từ chối tham gia Hiệp định Artemis và gọi đó là cơ chế "lấy Mỹ làm trung tâm", mặc dù họ hợp tác với Washington trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Truyền thông nhà nước Nga đưa tin Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos, nói với quốc hội vào tháng 6/2021 rằng nếu một số lệnh trừng phạt của Mỹ không được dỡ bỏ, việc Nga rút khỏi trạm vũ trụ sẽ là "một vấn đề đối với các đối tác Mỹ".
Hợp tác Trung-Mỹ thì dường như hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Mỹ năm 2011 có văn bản sửa đổi luật yêu cầu bất kỳ dự án không gian nào do chính phủ Mỹ tài trợ hợp tác với Trung Quốc cũng phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ và FBI.
Trạm vũ trụ quốc tế bay qua Mặt trăng năm 2017. (Ảnh: NASA) |
Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) - một "liên minh an ninh lỏng lẻo" có sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - năm 2021 cũng mở rộng tầm nhìn sang không gian. Họ tập trung vào việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh, tham vấn về các nguyên tắc và quy tắc hoạt động trong không gian và các chủ đề khác. Trung Quốc thường xuyên chỉ trích QUAD là “sản phẩm” của tư duy Chiến tranh Lạnh.
Cả ba đồng minh trong QUAD của Washington đều đang thúc đẩy các sáng kiến về Mặt trăng hoặc không gian, riêng hoặc cùng nhau.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 28/12/2021 thông báo Nhật Bản dự định đưa người không phải người Mỹ đầu tiên lên Mặt trăng thông qua chương trình Artemis cuối những năm 2020.
Ông Kishida nói: “Không gian là một ranh giới tạo ra ước mơ và hy vọng trong tâm trí con người. Nó cũng là cơ sở hạ tầng quan trọng cho an ninh kinh tế của quốc gia".
Terazono, nhà khoa học hành tinh, giải thích những lời của Kishida như một thông điệp rằng: "Nền kinh tế và an ninh quốc gia của Nhật Bản có thể gặp nguy hiểm nếu Trung Quốc thống trị về công nghệ”.
Nhật Bản cũng đang hướng đến một chương trình với Ấn Độ, có thể vào năm 2024, đi tới cực Nam Mặt Trăng, nơi các nhà khoa học tin rằng các miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn có chứa băng. Đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản, Sanjay Kumar Verma, ca ngợi đây là một "liên minh chiến lược" giữa các nước với "sự hội tụ của các ý tưởng và mục tiêu - tự do hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển khác, pháp quyền, dân chủ”.
Các quốc gia có ngân sách không gian nhỏ hơn Ấn Độ và Nhật Bản, cũng rất muốn tạo ra dấu ấn.
Chi tiêu ước tính của các chính phủ cho chương trình không gian năm 2021 (đơn vị: tỷ USD). Biểu đồ: Nikkei Asia. |
Ví dụ như Hàn Quốc, một bên ký hiệp định Artemis. Họ đang chuẩn bị để phóng tàu quỹ đạo Mặt trăng đầu tiên, Pathfinder, trên một tên lửa SpaceX vào tháng 8/2022. Sim Chae-kyung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Không gian và Thiên văn Hàn Quốc, cho biết đây sẽ là "sự khởi đầu của chương trình khám phá không gian của Hàn Quốc, và nó sẽ không phải kỳ quan chỉ có một lần".
Bà đang trong nhóm phát triển một chiếc máy ảnh cho tàu quỹ đạo này, với mục làm sáng tỏ việc bề mặt Mặt Trăng thay đổi về mặt vật lý và hóa học theo thời gian như thế nào. “Chúng tôi không chỉ bắt chước những gì người khác đã làm trước đây”, bà nói.
Sim ca ngợi mặt trăng là "vùng đất của những cơ hội tuyệt vời" và tự tin rằng có một nơi phù hợp với những "chương trình nhỏ hơn, rẻ hơn, nhanh hơn”.
Bà nói thêm rằng điều quan trọng là phải giữ hòa bình - và trích dẫn một nhận xét của nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut: "Vũ trụ là một nơi cực kỳ rộng lớn. Có đủ chỗ cho rất nhiều người làm điều đúng đắn dù họ không đồng tình với nhau".
Tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa mang theo huy hiệu "Hòa bình Thế giới" chuẩn bị lên Trạm vũ trụ quốc tế, tháng 12 năm 2021. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, nếu các xung đột vũ trụ phát sinh, chưa có nhiều phương tiện rõ ràng để giải quyết.
Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967, có sự tham gia của tất cả các bên đóng vai trò quan trọng hiện nay, tuyên bố rằng "không gian, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác, không phải là mục tiêu chiếm hữu của các quốc gia thông qua yêu sách chủ quyền, sử dụng hay chiếm đóng, hoặc qua bất kỳ phương tiện nào khác”.
Một cơ chế tương tự đang được áp dụng tại Nam Cực. Tuy nhiên, điều này không ngăn một số quốc gia đưa ra yêu sách lãnh thổ.
Terazono cho rằng các quốc gia du hành vũ trụ có thể cố gắng thiết lập căn cứ để kiểm soát các khu vực Mặt trăng, nơi có trữ lượng nước hoặc các địa điểm hạ cánh thuận tiện của tàu vũ trụ.
Quân sự hóa là một lo ngại khác, mặc dù có điều ước quốc tế hạn chế hoạt động này. "Nguy cơ ngày càng gia tăng trong căng thẳng giữa các cường quốc đang thúc đẩy việc vũ khí hóa không gian, khi một số quốc gia - Trung Quốc, Nga và Ấn Độ - thử nghiệm và triển khai năng lực chống vệ tinh, và Mỹ cũng có khả năng chống vệ tinh tiềm ẩn”, Davis nói.
Cuộc đấu từ Trái Đất lên Mặt Trăng của Elon Musk và Jeff Bezos SpaceX của Elon Musk và Blue Origin của Jeff Bezos đang có những bước tiến lớn đưa con người lên Mặt Trăng. |