Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan khi ông tiếp các nhà lãnh đạo hai nước Bắc Âu tại Washington, DC.
- Thêm một quốc gia "ngăn" Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO
- Ông Putin: Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không phải mối đe dọa với Nga
- Thổ Nhĩ Kỳ có thể là trở ngại của Thụy Điển và Phần Lan trong việc gia nhập NATO
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19/5 bên cạnh Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, ông Biden nhấn mạnh Washington “hoàn toàn ủng hộ” Stockholm và Helsinki xin gia nhập NATO.
Theo ông Biden, hai nước Thụy Điển và Phần Lan “đáp ứng mọi yêu cầu của NATO” và “việc có thêm hai thành viên NATO mới ở Bắc Âu sẽ tăng cường an ninh cho liên minh và làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh của khối”.
Cả ba nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng NATO là một liên minh phòng thủ không gây ra mối đe dọa cho các quốc gia khác. Thủ tướng Thụy Điển Andersson, cho biết chính cuộc xung đột tại Ukraine khiến chính phủ nước này cân nhắc lại chính sách không liên kết được duy trì trong nhiều năm qua.
Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO ngày 18/5. Mặc dù trước nay luôn giữ thái độ trung lập, các nhà lãnh đạo hai nước mới đây viện dẫn mối quan ngại về cuộc xung đột tại Ukraine là lý do thúc đẩy gia nhập NATO.
Theo hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO, một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.
Tổng thống Biden cho biết đang đệ trình báo cáo về việc gia nhập NATO của hai nước lên Thượng viện, các nhà lập pháp Mỹ dự kiến sẽ phê duyệt nhanh chóng.
Mặc dù vậy, đơn xin gia nhập NATO của hai nước có thể không dễ dàng nhận được sự nhất trí chấp thuận từ toàn bộ 30 thành viên NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng phản đối.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 19/5 tái khẳng định chính phủ của ông “sẽ nói không” với đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Nguyên nhân là do Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hai nước này chứa chấp Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), bị Ankara cho là khủng bố, và phong trào Gulen, bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng đứng sau chính biến bất thành hồi năm 2016.
Để xoa dịu Ankara, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ngày 19/5 cho biết với tư cách là một thành viên NATO, Helsinki cam kết đảm bảo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-ung-ho-manh-me-phan-lan-va-thuy-dien-gia-nhap-nato-i654336/